Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  65
 Số lượt truy cập :  34090618
Thị trường lúa gạo năm 2014 và dự báo 2015
Thứ sáu, 06-02-2015 | 07:58:27

I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG

Tháng 12

 

Giá gạo châu Á tháng 12/2014 nhìn chung giảm do nhu cầu yếu trước dịp lễ hội cuối năm. Quyết định hạ giá sàn xuất khẩu gạo giúp giá gạo Việt Nam giảm về thấp hơn gạo Thái, với mức chênh lệch tính đến 23/12 ở mức 9 USD/tấn. Trong 4 tuần tính tới 23/12 giá gạo Việt Nam giảm khoảng 8-9 USD/tấn. Đồng rupee giảm xuống mức thấp nhất 13 tháng cũng giúp giá gạo Ấn Độ giảm khoảng 25 USD/tấn trong cùng khoảng thời gian. Cùng xu hướng với gạo Ấn Độ, giá gạo Pakistan giảm mạnh khoảng 20 USD/tấn và trở tiếp tục rẻ nhất trong số các nước xuất khẩu gạo châu Á. Riêng gạo Thái Lan nhích nhẹ khoảng 2 USD/tấn bởi chính phủ nước này ký được biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về việc bán 2 triệu tấn gạo.

 

Đồ thị 1: Giá gạo châu Á xuất khẩu tháng 12/2014 (Loại 5% tấm, USD/tấn)

Nguồn: Vinanet/Reuters

 

Năm 2014

Năm 2014 giá gạo xuất khẩu châu Á có 2 đợt giảm mạnh (từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 6 và từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 11) và 1 đợt tăng mạnh (từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8).

Chỉ số giá gạo toàn cầu của FAO ở thời điểm 23/12/2014 là 430 USD/tấn, giảm 26 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2013.

Tác động chủ yếu tới thị trường gạo xuất khẩu năm 2014 là các yếu tố gây giảm giá: Nguồn cung dồi dào ở cả các nước xuất và nhập khẩu (đặc biệt là lượng tồn trữ lớn ở Thái Lan và Ấn Độ), nhu cầu không cao ở các nước nhập khẩu chủ chốt, và đặc biệt chính phủ Thái Lan tích cực bán gạo dự trữ.  

Năm 2014 cũng có một số yếu tố kiềm chế giá gạo giảm, như thời tiết bất lợi tại Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Trung Quốc, sản lượng gạo Thái Lan giảm nhẹ do chính phủ ngừng chương trình thu mua cộng thêm diễn biến thời tiết xấu, một số nước nhập khẩu truyền thống như Philippine, Indonesia và Malaysia tăng cường nhập khẩu để làm đầy kho dự trữ bị hao hụt và kết quả kiểm tra của Thái Lan cho thấy chỉ khoảng 10% số lượng lưu kho còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu làm lương thực.

Riêng đợt giá tăng là do chính quyền quân sự của Thái Lan phong tỏa các kho dự trữ gạo để kiểm tra khiến nguồn cung trên thị trường và trong khu vực sụt giảm mạnh cho tới cuối tháng 7, cùng thời điểm Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo do lo ngại hạn hán có thể gây ảnh hưởng xấu tới vụ mùa.

Như vậy có thể thấy sự ảnh hưởng rất lớn của gạo Thái Lan trên thị trường thế giới trong suốt cả năm 2014, tác động tới các nước xuất khẩu gạo trong khu vực, kể cả Việt Nam.

 

Đồ thị 2: Giá gạo châu Á xuất khẩu năm 2014 (Loại 5% tấm, USD/tấn)

 

Thái Lan

Thái Lan đang trên đường giành lại vị thế nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, với lượng xuất khẩu năm 2014 tăng mạnh so với năm 2013, nhờ giá cạnh tranh và nguồn cung dồi dào, cộng thêm việc nội tệ nhiều giai đoạn mất giá mạnh khiến giá gạo Thái quy ra USD trở nên rẻ hơn.

Gần như trong suốt cả năm 2014, giá gạo Thái Lan rẻ hơn gạo Việt Nam – điều hiếm thấy trong lịch sử. Nỗ lực tìm mọi cách để bán số gạo dự trữ của chính phủ Thái đã đem lại kết quả.

Mặc dù diễn biến thăng trầm, song tính chung trong năm 2014 giá gạo xuất khẩu của Thái Lan chỉ giảm 1 - 2%, tương đương khoảng 4 USD/tấn, với loại 5% tấm đầu năm ở mức 420 USD/tấn thì cuối năm vẫn ở mức khoảng 414 USD/tấn. Thời điểm giá thấp nhất là đầu tháng 5 (378USD/tấn) và cao nhất là 440 USD/tấn (trung tuần tháng 8). Về cuối năm 2014, giá gạo Thái Lan về vị trí cao nhất trong khu vực, bởi giá của những xuất xứ khác giảm mạnh.

 

Việt Nam

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 biến động khá mạnh trong bối cảnh bị cạnh tranh khốc liệt, khi giá thường xuyên cao hơn gạo Thái Lan. Tuy nhiên, năm 2014 cũng ghi nhận việc xuất khẩu được khối lượng gạo lớn sang Philippine, Malaysia và Indonesia, đồng thời vẫn duy trì tốc độ xuất khẩu sang Trung Quốc kể cả trong giai đoạn căng thẳng ở Biển Đông. Các chương trình thu mua tạm trữ của chính phủ đã có hiệu quả ngăn giá giảm trong những thời điểm nguồn cung tăng khi vào vụ thu hoạch mới.

Sau khi giảm giá trong quý I (372 USD/tấn với loại 5% tấm vào trung tuần tháng 3), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc trở lại từ khi ký được hợp đồng lớn 800.000 tấn với Philippine, cộng thêm một số yếu tố khác như chương trình thu mua tạm trữ của Chính phủ và xuất khẩu đều đặn sang Trung Quốc qua biên giới.

 

Đồ thị 3: Giá xuất khẩu trung bình gạo Việt Nam năm 2014


Nguồn: NDH/VFA

 

Xuất khẩu gạo qua đường mậu biên sang Trung Quốc bị gián đoạn trong khoảng thời gian ngắn khoảng 5-6 tuần (từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7) do chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn gạo nhập khẩu trên toàn biên giới của nước này. Nhìn chung xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2014 vẫn tiến triển tốt, song tiến độ xuất khẩu sang thị trường này năm 2014 không còn đều đặn như những năm trước, khi chính phủ Trung Quốc tăng cường chú trọng hỗ trợ người trồng lúa bằng giá sàn gạo thu mua của dân, cộng với việc tăng nhập khẩu từ những nguồn cung khác như Pakistan, Thái Lan, Lào….

 

Tính chung trong cả năm 2014, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam ở mức 439USD/tấn (FOB) tăng 2%/tấn so với năm ngoái. Trong đó, gạo chất lượng thấp giá tăng nhẹ, còn gạo chất lượng cao giá giảm nhẹ, với loại 5% tấm giảm khoảng  4-5%, từ mức 413 USD/tấn hồi đầu năm xuống 393 USD/tấn vào cuối năm.

 

Trên thị trường trong nước, giá lúa gạo diễn biến cùng chiều với gạo xuất khẩu, giảm trong 2 quý đầu năm, tăng khá mạnh vào quý III và giảm nhẹ trong quý IV. Thời điểm giá lúa cao nhất trong năm là đầu tháng 8, khi gạo nguyên liệu của giống IR 50404 đạt 7.500-7.600 đồng/kg và gạo nguyên liệu của giống lúa hạt dài OM 4218, OM 5451 đạt 7.800-7.900 đồng/kg.

 

Tính chung trong cả năm 2014, giá lúa gạo trên thị trường Việt Nam giảm nhẹ khoảng 5%.

 

Bảng 1: Giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL (đồng/kg)

Loại lúa, gạo

23/1/2014

22/3/2014

22/6/2014

23/9/2014

22/12/2014

Lúa khô tại kho loại thường

5.650 – 5.750

5.250 – 5.350

5.200–5.300

5.600–5.700

5.450-5.550

Lúa dài

5.900 – 6.000

5.550 – 5.650

5.500–5.600

5.800–5.900

5.650-5.750

Gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm

7.350-7.450

7.050 – 7.150

6.800–6.900

7.400–7.500

7.100-7.200

Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm

7.150-7.250

6.700 – 6.800

6.550–6.650

7.300–7.400

6.850-6.950

Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn

8.350 – 8.450

7.750 – 7.850

8.050–8.150

9.050–9.150

8.100-8.200

Gạo 15% tấm

7.950 – 8.050

7.950 – 8.050

7.650–7.750

8.700–8.800

7.700-7.800

Gạo 25% tấm

7.750 – 7.850

7.250 – 7.350

7.350–7.450

8.150–8.250

7.350-7.450

Vào những ngày cuối năm, các hợp đồng xuất khẩu đã gần hoàn tất, nhưng lượng lúa tồn trữ cũng không còn nhiều. Như vậy, có thể nói cung – cầu lúa gạo năm 2014 của Việt Nam khá cân đối.

 

Ấn Độ

Giá gạo Ấn Độ năm 2014 giảm mạnh, giảm khoảng 25% do sự cạnh tranh mạnh từ Thái Lan cộng với việc rupee giảm giá. Cuối năm 2014, loại 5% tấm của Ấn Độ có mức giá 390 USD/tấn, rẻ hơn cả gạo cùng loại của Việt Nam.
Trong 6 tháng cuối năm 2014, rupee Ấn Độ đã mất 10% giá trị so với USD, khiến cho những hàng hóa tính theo USD trở nên rẻ hơn.

 

Pakistan

Gạo Pakistan giảm giá khoảng 10% trong năm 2014 và hiện là loại có giá rẻ nhất trong khu vực. Loại 5% tấm của Pakistan hiện giá chỉ 375 USD/tấn, so với 390 USD/tấn của Ấn Độ, 393 USD/tấn của Việt Nam và 414 USD/tấn của Thái Lan.

Gạo 5% tấm Campuchia trong tuần kết thúc vào 19/12 có giá 465 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, nhưng tăng 5 USD/tấn so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái.

 

II. SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI

1. Các nước xuất khẩu chủ chốt

 

Thị trường xuất khẩu gạo năm 2014 cạnh tranh khốc liệt. Thái Lan nỗ lực giảm lượng gạo dư thừa trong những kho dự trữ đã tích từ cuối năm 2011 tới đầu năm nay bằng nhiều biện pháp, và điều này đã đưa họ trở lại vị trí nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Những thay đổi về chính sách liên quan tới việc tạm dừng chương trình trợ giá lúa, kiểm tra các kho chứa gạo và bán khoảng 17 triệu tấn gạo dự trữ đã giúp quốc gia Đông Nam Á này lấy lại sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Theo FAO, xuất khẩu gạo Thái sang các nước Tây và Nam Phi và các nước Viễn Đông đã tăng khá mạnh. FAO ước tính xuất khẩu gạo Thái sẽ tăng khoảng 53% trong năm nay lên 10,2 triệu tấn, và sẽ tiếp tục tăng lên 11 triệu tấn vào năm 2015 mặc dù sản lượng trong nước bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

FAO dự báo xuất khẩu gạo Ấn Độ năm nay sẽ giảm khoảng 5% so với năm ngoái, xuống khoảng 10 triệu tấn, và sẽ giảm tiếp 18% xuống khoảng 8,2 triệu tấn trong năm 2015. Xuất khẩu gạo của Pakistan, Brazil, Guyana, Paraguay và Uruguay đều được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2014. Song dự báo xuất khẩu của Việt Nam, Campuchia và Mỹ sẽ giảm.

FAO dự báo mậu dịch gạo toàn cầu sẽ ở mức 40,5 triệu tấn trong năm 2014, tăng khoảng 0,6% so với khoảng 40,2 triệu tấn năm 2013.

 

1.1. Thái Lan

Chính phủ Thái Lan hiện có khoảng 17 triệu tấn gạo trong kho dự trữ và chỉ khoảng 1/10 trong đó còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, trong số 17 triệu tấn gạo lưu kho, có đến 14 triệu tấn chất lượng kém, 700.000 tấn bị hư hỏng và 200.000 tấn mất tích, chỉ có 2 triệu tấn gạo đủ chất lượng làm lương thực.

Sản lượng lúa Thái Lan niên vụ 2014/15 (Theo Hiệp hội đóng gói gạo Thái Lan (TRPA) ước tính giảm 10% xuống khoảng 34 triệu tấn, do ảnh hưởng của hạn hán và nông dân thu hẹp sản xuất sau khi chương trình trợ giá lúa gạo của chính phủ nước này kết thúc. Đây là mức thấp nhất kể từ niên vụ 2009-2010, thời điểm sản lượng thóc gạo của Thái Lan chỉ đạt 32,4 triệu tấn.

Thái Lan đã kết thúc chương trình hỗ trợ cho người trồng lúa từ tháng 2/2014. Không còn động lực đã từng thúc đẩy cung lúa gạo lên mức cao kỷ lục, nhiều nông dân Thái Lan giảm diện tích đất trồng lúa.

Bên cạnh đó, từ cuối năm 2013 đến giữa năm 2014, nhiều khu vực trồng lúa của Thái Lan bị hạn hán nặng nề.

 

Đồ thị 4: Xuất khẩu gạo Thái Lan (giá tính theo USD/tấn, khối lượng tính theo tấn)

Nguồn: Oryza/Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan

 

Xuất khẩu gạo Thái Lan trong 10 tháng đầu năm 2014 đạt 8,77 triệu tấn, trị giá 4,31 tỷ USD, tăng 62% khối lượng so với 5,4 triệu tấn và tăng 18% giá trị so với 3,64 tỷ USD cùng kỳ năm 2013, theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA).

 

1.2. Việt Nam

Sản xuất

Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, sản lượng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 25,2 triệu tấn, tăng 708.000 tấn so năm 2013, chiếm 56% sản lượng lúa cả nước. Các tỉnh đạt sản lượng lúa cao nhất vùng là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp với 11,7 triệu tấn.

Đạt được kết quả này nhờ các tỉnh đã đưa diện tích trồng lúa lên gần 4,3 triệu lượt ha, trong đó vụ Đông Xuân và Hè Thu gieo sạ 3,3 triệu ha, vụ Thu Đông và vụ mùa gieo sạ 1 triệu ha. Các tỉnh đã sử dụng giống mới, kháng sâu bệnh mạnh, thích nghi với từng vùng sinh thái, cho năng suất cao, chất lượng gạo ổn định.

Bên cạnh đó, các tỉnh cũng nâng cấp hệ thống thủy lợi trục và thủy lợi nội đồng bảo đảm đủ nước tưới cho các vụ lúa trong năm. Đồng thời sắp xếp thời vụ sản xuất hợp lý, xuống giống đồng loạt, tránh rầy và bố trí thời gian xuống giống một vụ lúa không kéo dài hơn 60 ngày để không làm ảnh hưởng đến vụ lúa kế tiếp, hạn chế sâu rầy lây lan. Đặc biệt, do tình hình hạn, mặn xâm nhập sâu trong vụ Hè Thu, các tỉnh chuyển vụ lúa Xuân Hè vào vụ Hè Thu chính vụ và giãn cách thời gian giữa hai vụ 3 tuần nhằm cách ly sâu bệnh.

Đáng chú ý, các tỉnh ĐBSCL cũng mở rộng diện tích vùng lúa hàng hóa chất lượng cao nhằm làm phong phú thêm lúa chất lượng cao của nước ta trên thị trường thế giới với các giống lúa đặc sản chất lượng cao, lúa thơm, lúa có chứa hàm lượng chất dinh dưỡng chuyên biệt, lúa giàu protein, lúa dành riêng cho đối tác nước ngoài thu mua, lúa làm thực phẩm chế biến cao cấp đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Các tỉnh nằm trong vùng bị nhiễm mặn có biện pháp đề phòng nước mặn xâm nhập sâu nên lúa Hè Thu không bị lép hạt giai đoạn trổ bông.

Ngoài ra, các tỉnh cũng tăng cường sản xuất giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận trên cả 2 hệ thống chính quy và nông hộ; tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ thuật viên, trang bị thêm thiết bị kiểm nghiệm cho các trung tâm giống cấp tỉnh để thực hiện tốt công tác quản lý giống trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, thanh tra các đơn vị sản xuất và kinh doanh giống cả trong giai đoạn sản xuất, chế biến, lưu thông; hỗ trợ giống gốc (siêu nguyên chủng, nguyên chủng); cho vay ưu đãi, tập huấn chu đáo để những hộ nhân giống nắm vững kỹ thuật sản xuất giống lúa xác nhận đạt chuẩn cung ứng cho người trồng.

 

Xuất khẩu

Theo thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 5.96 triệu tấn gạo trong vòng từ 1/1/2014 đến 18/12/2014 giảm khoảng 11% so với mức 6.71 triệu tấn gạo xuất khẩu của cả năm 2013.

Mục tiêu mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo, giảm nhẹ so với mục tiêu 6,5 triệu tấn dự báo hồi đầu năm.

Nhờ 70% diện tích lúa trồng các giống chất lượng cao nên phần lớn lượng gạo xuất khẩu của vùng có sức cạnh tranh cao hơn so với gạo cùng phẩm cấp của một số nước lân cận, trong khi giá bán lại thấp hơn nên được khách hàng nước ngoài ưa chuộng.

Trong số gạo xuất khẩu trên, thị trường châu Á, châu Phi chiếm 83% lượng gạo xuất khẩu của vùng, còn lại là xuất sang thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương.

Năm nay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được chỉnh đốn nên tính chuyên nghiệp được nâng lên, có trách nhiệm với khâu sản xuất của người nông dân hơn. Số lượng doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh bảo đảm sản xuất đáp ứng yêu cầu chất lượng và xây dựng thương hiệu hàng hóa tăng thêm.

Hệ thống thương lái và xay xát bước đầu được tổ chức lại theo hướng gắn kết với các doanh nghiệp xuất khẩu và mua lúa gạo theo giá thị trường, bảo đảm cho người trồng lúa có lãi từ 30% trở lên.

Các tỉnh trong vùng cũng kịp thời hỗ trợ hợp lý cho doanh nghiệp trong việc bao tiêu lúa hàng hóa cũng như hoàn thành tốt việc mua tạm trữ 2 triệu tấn gạo; mở rộng liên kết, mua thêm nguyên liệu để chế biến, đáp ứng đủ cho nhu cầu xuất khẩu.

Đáng chú ý, năm nay có thêm hàng chục doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vốn mở rộng hệ thống silo, kho chứa, lắp đặt mới hệ thống máy móc xay xát, thiết bị phân loại, đánh bóng gạo, nâng công suất chế biến và quản lý hệ thống sản xuất theo tiêu chuẩn ISO, HACCP sản xuất các loại như 5%, 10%, 15%, 25%, 35%, 100% tấm, nếp và gạo thơm đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng nước ngoài.

 

1.3. Ấn Độ

Hạn hán đã tác động tới sản lượng và xuất khẩu gạo Ấn Độ. Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính sản lượng lúa năm 2014 của Ấn Độ đạt 156 triệu tấn (104,5 triệu tấn gạo), giảm 2% so với 160 triệu tấn năm 2013 do lượng mưa trong mùa mưa năm nay thấp hơn bình thường.  

Dự trữ gạo quốc gia của Ấn Độ tính đến 1/12/2014 đạt 21,57 triệu tấn, giảm 23% so với 28,19 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Công ty Lương thực Ấn Độ (FCI).

FAO dự đoán xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm 2014 giảm 5% xuống 10 triệu tấn và giảm tiếp 18% xuống 8,2 triệu tấn năm 2015.

 

1.4. Pakistan

Sản lượng gạo Pakistan tài khóa 2014-2015 (tháng 7 – tháng 6) ước tính giảm 19% xuống 5,65 triệu tấn so với 6,98 triệu tấn năm ngoái do lũ lụt hồi tháng 8 đã gây thiệt hại cho 116.700 ha lúa. Dự báo này bi quan hơn mức 6,5 triệu tấn do USDA đưa ra.

Lợi thế giá rẻ tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo Pakistan sang Trung Quốc, góp phần đưa tổng xuất khẩu tăng mạnh.

 

2. Các nước nhập khẩu chủ chốt

Năm 2014 các nước nhập khẩu truyền thống của khu vực châu Á như Philippines, Malaysia và Indonesia tăng cường nhập khẩu gạo để làm đầy kho dự trữ đã bị hao hụt nhiều sau giai đoạn giảm nhập trong bối cảnh sản lượng trong nước giảm do thiên tai.

 

2.1. Philippine

Philippine đã lùi mục tiêu tự cung lúa gạo tới 2016, chậm hơn 3 năm so với dự kiến ban đầu, vì lý do thiên tai.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, sản lượng lúa quý III ước giảm 10,5% so với cùng quý năm ngoái, xuống chỉ 3,02 triệu tấn. Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo sản lượng lúa của Philippines năm 2014 đạt 18,6 triệu tấn, giảm 1% so với 18,8 triệu tấn năm 2013, do diện tích gieo cấy giảm 2%.

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Philippine, sản lượng lúa nước này quý I/2015 dự báo giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 4,28 triệu tấn do diện tích thu hoạch có khả năng giảm.

Dự trữ gạo của Philippines tính đến 1/11/2014 đạt 2,95 triệu tấn, tăng 63% so với tháng trước và tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Cục Thống kê Nông nghiệp Philippines.

Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) - đã nhập 1,8 triệu tấn gạo trong 11 tháng đầu năm 2014, cao nhất trong vòng 4 năm, gồm 1,5 triệu tấn của năm nay và 300.000 tấn từ năm ngoái, và thông báo sẽ nhập khẩu thêm nữa nếu cần.

NFA vẫn để ngỏ khả năng nhập khẩu gạo, song vẫn chưa vội mua vào, bởi giá bán lẻ trong nước mấy tháng gần đây đã giảm khỏi mức cao kỷ lục.

 

2.2. Trung Quốc

Sản lượng lúa của Trung Quốc năm 2014 ước đạt 205 triệu tấn (143,3 triệu tấn gạo), tăng 1% so với 203,6 triệu tấn (143,3 triệu tấn gạo) năm 2013.

Trung Quốc tiếp tục tăng nhập khẩu gạo trong năm 2014 nhưng với tốc độ chậm hơn năm ngoái. Trong 10 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc nhập khẩu 2,014 triệu tấn gạo, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Trong 10 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu gạo của Trung Quốc đạt 2,014 triệu tấn, tăng 7% so với 1,874 triệu tấn cùng kỳ năm 2013, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

11 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu gạo của Trung Quốc đạt 345.369 tấn, giảm 24% so với 455.970 tấn cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Năm 2013, Trung Quốc nhập khẩu 2,267 triệu tấn gạo và xuất khẩu 478.400 tấn.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc năm 2014-2015 (tháng 7 – tháng 6) đạt 144,5 triệu tấn, nhập khẩu 4 triệu tấn và xuất khẩu 400.000 tấn.

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo nhập khẩu gạo năm 2014 của Trung Quốc đạt 2,4 triệu tấn, không đổi so với năm 2013 chủ yếu do sản lượng nội địa tăng.

Năm 2014, Trung Quốc nỗ lực kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu gạo qua biên giới để đảm bảo tiêu chuẩn quy định về an toàn vệ sinh đối với gạo. Nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Myanmar trong một số thời gian bị ảnh hưởng bởi việc này.

 

Đồ thị 5: Mậu dịch gạo Trung Quốc (Nghìn tấn)

Nguồn: Oryza/Tổng cục Hải quan Trung Quốc

 

2.3. Indonesia

Cục Thống kê Trung ương (BPS) ước tính sản lượng lúa năm 2014 của Indonesia đạt 69,8 triệu tấn (44,3 triệu tấn gạo) giảm 2% so với 71,28 triệu tấn (45,3 triệu tấn gạo) năm 2013, chủ yếu do diện tích gieo cấy giảm 26.530 ha.

Chính phủ Indonesia muốn Bulog duy trì 2 triệu tấn gạo trong kho dự trữ vào cuối năm nay. Mục tiêu năm nay là mua 3,2 triệu tấn, nhưng tính đến tháng 11, Bulog mới mua được gần 2,4 triệu tấn gạo của dân do sản lượng năm 2014 giảm. Để bù vào chỗ thiếu hụt này, Bulog đã nhập khẩu 425.000 tấn gạo từ Thái Lan và Việt Nam.

 

III. DỰ BÁO, CẢNH BÁO

FAO ước tính sản lượng gạo toàn cầu 2014-2015 giảm xuống 495,6 triệu tấn so với 497,5 triệu tấn năm 2013-2014 và giảm so với 496,3 triệu tấn dự báo hôm 6/11/2014. Nguyên nhân chính là do sản lượng gạo tại các nước sản xuất chủ chốt như Ấn Độ, Thái Lan và Guinea giảm.

Theo ước tính mới nhất của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), tiêu thụ gạo toàn cầu năm 2014-2015 đạt 499,6 triệu tấn, tăng 2% so với 491,2 triệu tấn năm 2013-2014, nhưng giảm nhẹ so với 500,2 triệu tấn ước tính trước đó, chủ yếu do tiêu thụ tại nhiều nước tăng.

Thương mại gạo toàn cầu năm 2014-2015 đạt 40,5 triệu tấn, tăng nhẹ so với 40,2 triệu tấn năm 2013-2014 và tăng 1% so với 40 triệu tấn ước tính trước đó, chủ yếu do nhu cầu của các nước châu Phi tăng mạnh và nguồn cung dồi dào của các nước xuất khẩu.

FAO ước tính dự trữ gạo toàn cầu cuối vụ năm 2014-2015 đạt 177,4 triệu tấn, giảm 2% so với 181,2 triệu tấn năm 2013-2014 và giảm nhẹ so với 177,7 triệu dự báo trước đó do dự trữ gạo của Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan giảm.

 

Bảng 3: Cung – cầu gạo thế giới

Nguồn: FAO

 

Triển vọng xuất khẩu năm 2015 sẽ cạnh tranh khốc liệt. Không chỉ gạo trắng, xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam cũng bắt đầu bị cạnh tranh khó khăn với Thái Lan. Trước đây, Thái Lan xuất khẩu chủ yếu gạo thơm cao cấp Hom Mali với giá cao (trên 1.000 USD/tấn), còn gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam là loại Jasmine chủ yếu ở mức giá trên dưới 600 USD/tấn. Nhờ ưu thế giá rẻ hơn nhiều, gạo thơm của Việt Nam đã chiếm lĩnh được nhiều thị trường quan trọng. Nhưng gần đây, Thái Lan bắt đầu đẩy mạnh sản xuất giống lúa thơm Batum. Đây là giống lúa thơm loại trung bình, tương đương với giống Jasmine của Việt Nam. Do đó, khi tung ra thị trường, gạo thơm Batum của Thái Lan chắc chắn sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm với gạo Jasmine của Việt Nam ở phân khúc gạo thơm phẩm cấp trung bình. Nếu gạo Batum của Thái Lan mà có giá chỉ ngang hoặc nhỉnh hơn một chút so với gạo Jasmine của Việt Nam, chắc chắn gạo thơm Jasmine của Việt Nam sẽ khó bán hơn nhiều so với hiện giờ.

Sự cạnh tranh không chỉ trong khu vực châu Á mà ở cả các thị trường châu Phi cũng sẽ diễn ra trong thời gian tới. Trong khi đó, tiêu thụ qua đường tiểu ngạch đang có sự quản lý chặt chẽ nên sẽ khó có việc các doanh nghiệp, tư thương dễ dàng xuất gạo qua đường này.

 

Đồ thị 6: Dự báo xuất khẩu gạo của những nước xuất khẩu chính (triệu tấn)

Nguồn: FAO

Đồ thị 7: Nhập khẩu gạo của các khu vực – thống kê và dự báo

Nguồn: Vinanet.com.vn

Theo VINANET

Trở lại      In      Số lần xem: 12065

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Xuất khẩu cao su tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch
  • Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 13/4
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 13/4/2016
  • Báo cáo ngành hàng rau quả tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng chè tháng 4/2016
  • Giá gạo xuất khẩu tháng 4-2016
  • Báo cáo mặt hàng thịt tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng phân bón tháng 4/2016
  • Báo cáo ngành hàng hạt điều tháng 4/2016
  • Thị trường đường thế giới quý I/2016 và dự báo
  • Quý I/2016, xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng dương ở các thị trường
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 12/5/2016
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 30/5/2016
  • Thị trường thức ăn chăn nuôi quý I/2016 và dự báo
  • Báo cáo ngành hàng lúa gạo tháng 5/2016
  • Vào vụ mía mới, giá mía nguyên liệu tăng
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 25/5/2016
  • Xuất khẩu gạo: Campuchia tiến lên, Việt Nam tụt xuống
  • Thị trường NL TĂCN thế giới ngày 6/7: Giá ngô giảm do dự báo thời tiết Mỹ
  • Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước nhập khẩu đậu tương nhiều nhất thế giới
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD