Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  17
 Số lượt truy cập :  33346846
Thị trường lúa gạo tháng 11/2015 và dự báo tháng 12
Thứ ba, 05-01-2016 | 08:17:09

Thị trường gạo châu Á tháng 11 sôi động trở lại khi Indonesia và Philippines tích cực mua vào. Việt Nam và Thái Lan đã ký được một số hợp đồng lớn. Triển vọng thị trường sẽ khả quan trong những tháng tới, khi nhiều nước có nhu cầu mua vào, trong khi sản lượng ở nhiều nơi bị giảm sút do ảnh hưởng bởi El Nino.

 

I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG

 

Chỉ số giá gạo trung bình thế giới giảm nhẹ 1 USD/tấn trong vòng một tháng qua, hiện ở mức 393 USD/tấn. So với một năm trước đây, chỉ số này giảm khoảng 54 USD/tấn. Thị trường gạo tháng 11 khá sôi động, với một số hợp đồng giao dịch lớn sau khi Indonesia và Philippines mua vào, trong bối cảnh nguồn cung tương đối ổn định.

 

Tại Thái Lan, giá gạo ổn định trong suốt 2 tuần qua, sau khi giảm nhẹ ở hai tuần trước đó. Tính chung trong vòng một tháng qua, gạo 5% tấm của Thái Lan giảm khoảng 5 USD/tấn, hiện ở mức 360-365 USD/tấn. So với một năm trước đây, giá gạo Thái giảm khoảng 55 USD/tấn. Nhiều chuyên gia nhận định giá gạo Thái Lan đã chạm đáy bởi giá không biến động nhiều dù lượng giao dịch ít. Thái lan đã ký được hợp đồng bán 500.000 tấn cho Indonesia, và đang thương lượng với Iran. Khách hàng ở Trung Đông đã đặt mua một số hợp đồng nhỏ, trong khi các nhà nhập khẩu ở Iraq và Syria đã ngừng hẳn việc mua do nội chiến. Giá dầu giảm cũng ảnh hưởng tới việc mua gạo của khu vực châu Phi, bởi dầu là nguồn thu nhập chính của nhiều quốc gia khu vực này.

 

Chính phủ Thái Lan lên kế hoạch bắt đầu bán khoảng 2 triệu tấn gạo hỏng từ kho dự trữ vào cuối tháng 11 để sử dụng cho các mục đích công nghiệp. Thái Lan hiện còn 13,3 triệu tấn gạo lưu kho, trong đó khoảng 2 triệu tấn đã bị hư hỏng.

 

Giá gạo Việt Nam cũng giảm nhẹ trong một tháng qua, với loại 5% tấm hiện khoảng 375 – 380 USD/tấn, giảm khoảng 5 USD/tấn. So với một năm trước đây, giá gạo Việt giảm khá mạnh, khoảng 100 USD/tấn. Gạo Việt Nam giảm giá nhiều hơn so với gạo Thái, với mức giảm trung bình trong 10 tháng đầu năm nay là 15%, trong khi gạo Thái chỉ giảm khoảng 7,8%. Lý do bởi hiện giá gạo Việt đang trở nên khó cạnh tranh so với đối thủ, bởi đang cao hơn khoảng 20-30 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan và Ấn Độ, và cao hơn khoảng 50-60 USD/tấn so với Pakistan.

 

Cuối tháng 10, giá gạo Việt đã vọt lên mức cao kỷ lục trong năm, với loại 5% tấm lên mức 385 USD/tấn, khi thắng thầu cung cấp 450.000 tấn cho Philippines và 1 triệu tấn cho Indonesia, và khả năng Malaysia mua vào cuối năm, trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp.

 

Giá gạo Ấn Độ vững trong tháng qua, với loại 5% tấm ở mức khoảng 350 USD/tấn, thấp hơn khoảng 65 USD/tấn so với một năm trước đây. Tại một số địa bàn, giá có xu hướng tăng bởi triển vọng nguồn cung hạn hẹp khi sản lượng vụ kharif 2015 chắc chắn sẽ giảm, và dự trữ ở nhiều nơi cũng giảm.

 

Riêng giá gạo Pakistan tăng khoảng 10 USD/tấn trong tháng qua, với loại 5% tấm hiện ở mức khoảng 320 USD/tấn bởi ký được hợp đồng xuất khẩu cho Indonesia, và triển vọng sẽ xuất sang Sri Lanka và Philippines.

 

Hình 1: Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của một số quốc gia châu Á

Nguồn: Phòng Thông tin Kinh tế quốc tế - VITIC tổng hợp từ Reuters, Oryza

 

Giá lúa gạo trên thị trường nội địa diễn biến cùng chiều với giá xuất khẩu. Tại miền Nam, giá tăng khá vào cuối tháng 10 nhưng giảm vào đầu tháng 11 và chỉ nhích tăng trở lại trong những ngày cuối tháng 11. Trong khi đó tại miền Bắc, giá tương đối ổn định, với giá thóc tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.000-6.500 đồng/kg, giá một số loại thóc chất lượng cao hơn phổ biến ở mức 7.500-8.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 8.000-13.000 đồng/kg.

 

Bảng 1: Giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL (đồng/kg)

Loại lúa, gạo

23/10/2015

23/11/2015

Lúa khô tại kho loại thường

5.100 - 5.200

4.850–4.950

Lúa dài

5.300 - 5.400

5.050–5.150

Gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm

6.600-6.700

6.600–6.700

Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm

6.500-6.600

6.400–6.500

Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn

7.500-7.600

7.400–7.500

Gạo 15% tấm

7.350-7.450

7.050–7.150

Gạo 25% tấm

7.100-7.200

6.800–6.900

Nguồn: Phòng Thông tin kinh tế quốc tế - VITIC tổng hợp từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)

 

II. CUNG – CẦU

 

Tháng qua nguồn cung tương đối ổn định nhưng có nhiều khả năng sẽ giảm trong những tháng tới bởi El Nino gây khô hạn ảnh hưởng tới diện tích và năng suất ở nhiều quốc gia, trong khi nhu cầu nhập khẩu tăng lên ở nhiều nước nhập khẩu lớn như Philippines, Indonesia…

 

1.                 Các nước xuất khẩu chủ chốt

 

1.1 Thái Lan

 

Xuất khẩu gạo trong 10 tháng đầu năm đạt 7,81 triệu tấn, trị giá 3,72 tỷ USD, giảm 10,9% khối lượng so với 8,77 triệu tấn và giảm 14,7% giá trị so với 4,36 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bộ Thương mại.

 

Trong 2 tháng cuối năm, ước tính xuất khẩu của Thái Lan bình quân đạt 750.000-800.000 tấn mỗi tháng so với 735.000 tấn bình quân trong 9 tháng đầu năm, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về giá từ các nước xuất khẩu khác.

 

Chính phủ Thái Lan sẽ bắt đầu mở bán 2 triệu tấn gạo lưu kho hư hỏng từ cuối tháng 11/2015. Thái Lan hiện có 13 triệu tấn gạo lưu kho, trong đó, 6 triệu tấn tấn “dưới tiêu chuẩn hoặc hư hỏng” không còn phù hợp cho tiêu dùng của người. Lượng gạo này sẽ được bán để sử dụng cho mục đích công nghiệp như sản xuất ethanol. Chính phủ Thái Lan cũng dự định sử dụng hàng chục triệu tấn gạo dự trữ trong kho để bù vào sản lượng thiếu hụt vì hạn hán trong năm nay.

 

Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan (OAE) cho biết, sản lượng lúa vụ mùa khô 2015-2016 (tháng 11 - tháng 4) của Thái Lan dự đoán giảm xuống 4 triệu tấn, giảm 25% so với 5,3 triệu tấn năm ngoái do El Nino gây khô hạn. Trong khi đó, sản lượng lúa vụ chính 2015 (tháng 4 - tháng 12) của Thái Lan dự đoán đạt 22,98 triệu tấn, giảm 30% so với 32,62 triệu tấn năm trước. Chính phủ Thái Lan dự đoán tình trạng khô hạn sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm 2016 và đang khuyến khích nông dân chuyển sang các loại cây trồng cần lượng nước tưới tiêu ít hơn như ngô hoặc các loại đậu. Giá gạo nội địa Thái Lan cũng được dự đoán sẽ tăng trong năm 2016, trong đó, giá lúa bình quân năm tới dự đoán đạt 7.782 baht (218 USD)/tấn.

 

Nội các Thái Lan đã phê chuẩn 2,2 tỷ baht (61 triệu USD) cho chương trình hỗ trợ nông dân nhằm ngăn ngừa tình trạng giá giảm trong thời gian thu hoạch. Bằng cách cho nông dân ở các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc vay tiền, Chính phủ khuyến khích họ trữ gạo trong vụ thu hoạch nhằm tránh gây ra tình trạng giá giảm.

 

Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Thái Lan dự đoán xuất khẩu gạo của nước này trong năm 2015 đạt 9 triệu tấn, giảm 18% so với 10,97 triệu tấn năm 2014 do sự cạnh tranh khốc liệt của Việt Nam và Ấn Độ.

 

Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan nhận định triển vọng xuất khẩu gạo của nước này sẽ ngày càng khả quan, dự kiến sẽ đạt mức từ 9,5-10 triệu tấn năm 2016. Bộ Thương mại Thái dự báo xuất khẩu trong năm 2016 cũng sẽ đạt ít nhất 9 triệu tấn do nguồn cung toàn cầu giảm. Thời tiết khô hạn kéo dài có thể khiến sản lượng lúa của Thái Lan năm 2015-2016 giảm xuống 22,98 triệu tấn, giảm 30% so với 32,62 triệu tấn năm trước đó.

 

1.2 Việt Nam

 

Vụ Đông - Xuân ở ĐBSCL có thể bị ảnh hưởng bởi khô hạn kéo dài do El Nino. Mức nước ở ĐBSCL hiện thấp nhất kể từ 1926, và tình trạng nhiễm mặn có thể trầm trọng thêm trong vài tháng tới. . Dự kiến vụ thu hoạch tới sẽ phải đợi tới tháng 2 năm sau mới cho thu hoạch (vụ Đông xuân ở ĐBSCL), tức là từ nay tới đó nguồn cung sẽ khan hiếm.

 

Lũy kế xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 16/11/2015, xuất khẩu gạo đạt 5,267 triệu tấn, trị giá FOB 2,163 tỷ USD, trị giá CIF 2,238 tỷ USD.

 

Tháng 10 vừa qua hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp đạt gần 2 triệu tấn, vượt mức cùng kỳ năm ngoái trên 22%, chủ yếu do có các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung lớn sang Indonesia, Philippines và Cuba trên 1,5 triệu tấn. Đặc biệt, lượng hàng 1,45 triệu tấn chuẩn bị cho thực hiện theo hợp đồng tập trung Philippines và Indonesia đã đủ giao cuối năm 2015 và phần lớn giao ở quý I/2016.

 

Việc giá gạo Việt Nam tăng mạnh gần đây khiến một số khách hàng châu Phi và Trung Quốc đã chuyển hướng sang tìm mua gạo khác có giá rẻ hơn, như gạo Pakistan.

 

1.3 Ấn Độ

 

Kim ngạch xuất khẩu gạo Ấn Độ trong 6 tháng đầu tài khoá 2015/16 (tháng 4-tháng 9) đã giảm khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước, xuống 3,17 tỷ USD, mặc dù khối lượng xuất khẩu tăng khoảng 5%, đạt 5,52 triệu tấn, bởi giá xuất khẩu trung bình giảm khá mạnh.

 

Chính phủ Ấn Độ đang theo dõi tác động của El Nino đối với lượng mưa trong mùa mưa tại nước này - được dự đoán thấp hơn 16% so với mức thông thường trong nửa cuối mùa mưa, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) cảnh báo giá có thể sẽ tăng trong những tháng tới, bởi sản lượng vụ kharif 2015 chắc chắn sẽ giảm nhẹ xuống 90,6 triệu tấn, so với 90,86 triệu tấn niên vụ 2014-2015.

 

Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Ấn Độ dự báo sản lượng gạo của Ấn Độ niên vụ 2015-2016 đạt 103 triệu tấn, giảm so với 104,8 triệu tấn niên vụ 2014-2015, và dự đoán xuất khẩu gạo nước này niên vụ 2015-2016 đạt 9 triệu tấn, giảm 24% so với 11,8 triệu tấn năm trước do nguồn cung thắt chặt. Tuy nhiên, xuất khẩu trong niên lịch 2015 dự báo đạt kỷ lục 11,5 triệu tấn (đã đạt 8,7 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm, và dự đoán sẽ tiếp tục định trong 3 tháng cuối năm 2015 do giá nội địa ở mức thấp và nhu cầu xuất khẩu ổn định).

 

Tồn kho cuối vụ niên vụ 2015-2016 ước đạt 12,66 triệu tấn, giảm so với 17,7 triệu tấn niên vụ 2014-2015 và giảm so với 11,906 triệu tấn ước tính chính thức của USDA.

 

2.                 Các nước nhập khẩu chủ chốt

 

2.1 Philippine

 

Sản lượng lúa của Philippines năm 2015 có thể giảm 3,54% so với niên vụ trước xuống 18,3 triệu tấn, thấp hơn 9% so với mục tiêu 20,08 triệu tấn, do thời tiết khô hạn bởi hiện tượng El Nino và hàng loạt các cơn bão.

 

Chính phủ Philippines đã thông qua việc nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong quý I/2016 và đang lên kế hoạch nhập khẩu thêm 1,3 triệu tấn trước khi quý II/2016 kết thúc.

 

2.2 Trung Quốc

 

Nhập khẩu gạo của Trung Quốc 10 tháng đầu năm 2015 đạt 2,636 triệu tấn, tăng 31% so với 2,013 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

 

Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Trung Quốc dự đoán nhập khẩu gạo của nước này năm 2015-2016 (tháng 7 - tháng 6) đạt 4,7 triệu tấn, tăng 9% so với 4,315 triệu tấn năm 2014-2015 do giá gạo nội địa tăng. Sản lượng lúa của Trung Quốc năm 2015-2016 dự báo giảm xuống 206 triệu tấn từ 206,429 triệu tấn năm 2014-2015. Tiêu thụ gạo của Trung Quốc năm 2015-2016 sẽ ở mức 150 triệu tấn.

 

2.3 Indonesia

 

Giá bình quân loại gạo chất lượng trung bình ở Indonesia đã tăng lên mức cao kỷ lục 10,414 rupiah (khoảng 750 USD)/tấn trong tháng 10 do lo ngại sản lượng và dự trữ đều giảm. Cơ quan thống kê Indonesia dự đoán sản lượng lúa năm 2015 của nước này đạt 74,99 triệu tấn, giảm nhẹ so với 75,55 triệu tấn ước tính trước đó, đó là chưa tính đến tác động của El Nino. Sản lượng lúa Indonesia năm 2016 dự báo sẽ thấp hơn năm 2015, bởi việc gieo trồng bị muộn hơn do hạn hán.

 

Cuối tháng 10 vừa qua, Tổng thống Joko Widodo đã đồng ý nhập khẩu gạo Việt Nam và Thái Lan để đảm bảo lượng gạo cung cấp cho thị trường trong nước và duy trì giá gạo ổn định.

 

TTXVN dẫn báo Bưu điện Jakarta cho biết, tuyên bố này được Tổng thống đưa ra ngày 21/10 tại hội chợ thương mại Indonesia (Trade Expo Indonesia) lần thứ 30 năm 2015 ở Thủ đô Jakarta và đây là lần đầu tiên ông khẳng định về chuyện Indonesia sẽ nhập khẩu gạo từ nước ngoài. Trước đó, Tổng thống đã nhiều lần khẳng định rằng dù lượng gạo của Indonesia năm nay sản xuất được thấp hơn dự tính nhưng vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu và quốc đảo sẽ tự cung tự cấp gạo sớm hơn kế hoạch là năm 2017.

 

Đợt đầu Indonesia quyết định nhập khẩu 1,5 triệu tấn của Việt Nam và Thái Lan, chia làm nhiều đợt, giao hàng trước tháng 3/2016, trong đó khoảng 1 triệu tấn của của Việt Nam và 500.000 tấn của Thái Lan, để bổ sung lượng gạo lưu kho và ổn định giá gạo trong bối cảnh El Nino gây hạn hán ở một số nơi. Khoảng 50.000 tấn trong số này đã cập cảng Indonesia. Ngoài ra, Indonesia cũng đang đàm phán với Campuchia và Myanmar để nhập khẩu gạo theo thỏa thuận liên chính phủ G2G. Chính phủ Indonesia có kế hoạch nhập khẩu khoảng 500.000 tấn nữa từ Pakistan để tăng lượng dự trữ đệm và ngăn giá tăng thêm nữa.

 

Bulog cần duy trì 2 triệu tấn gạo lưu kho vào thời điểm cuối năm nay. Hiện lượng gạo lưu kho chỉ đạt 1,5 triệu tấn.

 

III. CẢNH BÁO, DỰ BÁO

 

Dự báo thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục sôi động trong những tháng cuối năm do Philippines đang lên kế hoạch nhập khẩu thêm 1 triệu tấn gạo vào đầu năm 2016, Indonesia, Iran và các nước châu Phi cũng rục rịch mua, trong khi nguồn cung lúa đang giảm dần vì đã kết thúc vụ thu hoạch cũ và phải chờ vài tháng nữa mới thu hoạch vụ mới.

 

Nguồn toàn cầu cung giảm có thể do sản lượng tại hầu hết các nước sản xuất gạo của châu Á bị ảnh hưởng tiêu cực do hiện tượng El Nino gây hạn hán.

 

Giá gạo nhờ vậy sẽ có cơ hội vững hoặc tăng trong thời gian tới.

 

Dự báo của USDA

 

Trong Báo cáo tháng 11/2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2015-2016 đạt khoảng 473,5 triệu tấn, giảm 1% so với niên vụ trước do diện tích gieo cấy và năng suất giảm vì điều kiện thời tiết bất lợi. Con số này cũng giảm so với 474 triệu tấn dự đoán hồi tháng trước. Diện tích trồng lúa thế giới năm 2015/16 sẽ ở mức 159,2 triệu ha, giảm nhẹ so với 160 triệu ha của niêm vụ trước. Năng suất trung bình niên vụ 2015-2016 ước đạt 4,43 tấn/ha, giảm nhẹ so với 4,46 tấn/ha niên vụ 2014-2015.

 

USDA hạ dự báo triển vọng sản lượng gạo năm 2015-2016 của Philippines, Campuchia, Bangladesh, Mexico và Guyana, nhưng cũng cho biết sự sụt giảm sản lượng của các nước này được bù đắp bằng sự gia tăng sản lượng tại Sri Lanka, Afghanistan, Hàn Quốc, Iran, Paraguay và Mỹ.

 

Tiêu thụ gạo toàn cầu năm 2015-2016 đạt 486,2 triệu tấn, tăng 1% so với năm trước, nhưng giảm so với 487,5 triệu tấn dự báo hồi tháng 10. Tiêu thụ gạo tại Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều được dự báo tăng.

 

Dự báo tiêu thụ sẽ vượt sản lượng năm thứ 3 liên tiếp. Tồn kho cuối vụ 2015-2016 giảm 12% xuống 91 triệu tấn. Tỷ lệ tồn kho/sử dụng năm 2015-2016 đạt 18,7%, giảm so với 21,5% trong năm trước đó.

 

Thương mại gạo toàn cầu năm 2015 dự báo đạt khoảng 42,5 triệu tấn, giảm 800.000 tấn so với 43,3 triệu tấn năm 2014 và gần như không đổi so với 42,4 triệu tấn dự báo tháng trước.

 

USDA ước tính xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2015 giảm 2 triệu tấn, tương đương 18%, song bù lại của Ấn Độ, Pakistan và Mỹ sẽ tăng. USDA hạ dự báo triển vọng nhập khẩu gạo của Iran, Bangladesh, Ghana, Colombia, Sri Lanka và Mỹ.

 

Thương mại gạo toàn cầu năm 2016 đạt 41,9 triệu tấn, giảm 160.000 tấn so với 42,06 triệu tấn dự báo hồi tháng trước và giảm 600.000 tấn so với 42,5 triệu tấn năm 2015.

 

Theo Nhanhieuviet.

Trở lại      In      Số lần xem: 1157

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Xuất khẩu cao su tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch
  • Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 13/4
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 13/4/2016
  • Báo cáo ngành hàng rau quả tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng chè tháng 4/2016
  • Giá gạo xuất khẩu tháng 4-2016
  • Báo cáo mặt hàng thịt tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng phân bón tháng 4/2016
  • Báo cáo ngành hàng hạt điều tháng 4/2016
  • Thị trường đường thế giới quý I/2016 và dự báo
  • Quý I/2016, xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng dương ở các thị trường
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 12/5/2016
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 30/5/2016
  • Thị trường thức ăn chăn nuôi quý I/2016 và dự báo
  • Báo cáo ngành hàng lúa gạo tháng 5/2016
  • Vào vụ mía mới, giá mía nguyên liệu tăng
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 25/5/2016
  • Xuất khẩu gạo: Campuchia tiến lên, Việt Nam tụt xuống
  • Thị trường NL TĂCN thế giới ngày 6/7: Giá ngô giảm do dự báo thời tiết Mỹ
  • Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước nhập khẩu đậu tương nhiều nhất thế giới
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD