Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  26
 Số lượt truy cập :  33363250
Thị trường lúa gạo tháng 9, qúy III/2014 và dự báo qúy IV
Thứ sáu, 21-11-2014 | 08:32:31

I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG

 

Giá gạo xuất khẩu trên thị trường châu Á tháng 9 diễn biến trái chiều, tăng ở Thái Lan nhưng giảm ở Việt Nam. Tuy nhiên tính chung trong quý III, giá tăng khá mạnh trên cả hai thị trường.

 

Giá gạo nội địa đang tăng ở Ấn Độ, Pakistan và Philippine trong khi giảm ở Việt Nam, Campuchia, Myanmar và ổn định ở Trung Quốc.

 

Tháng 9

 

Thị trường gạo châu Á tháng 9 khá sôi động trong bối cảnh giá diễn biến trái chiều. Nhu cầu khá ổn định khi một số nước nhập khẩu trong khu vực tiếp tục mua vào và các công ty xuất khẩu tiếp tục thực hiện những hợp đồng đã ký. Nguồn cung tiếp tục dồi dào và sắp tăng thêm nữa khi nhiều nước vào vụ thu hoạch mới.

 

Tháng 9 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ khoảng 10 USD/tấn, bởi các nhà máy xay xát giảm giá trong bối cảnh nhu cầu mới không nhiều mà sắp vào vụ thu hoạch mới. Trái lại, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng khoảng 20 USD/tấn sau khi ký được hợp đồng với Philippine và Indonesia.

 

Với diễn biến như vậy, giá gạo Thái Lan và Việt Nam đang tiếp cận nhau, sau nhiều tháng duy trì mức cao nhất trong khu vực. Ngày 23/9/2014, gạo 5% tấm của Việt Nam chào giá 445-450 USD/tấn, giảm 5 – 10 USD so với mức 455 USD/tấn một tháng trước đó, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan chào giá 442- 443 USD/tấn, tăng 20-22 USD so với 420 USD/tấn một tháng trước đó.

 

 Đồ thị 1: Giá gạo châu Á

Nguồn: Vinanet.com.vn

 

Quý III

 

Về nhu cầu, một số thị trường nhập khẩu truyền thống như Philippine, Indonesia và Malaysia đã trở lại thị trường nhập khẩu trong mấy tháng qua với hoạt động mua khá tích cực để làm đầy kho dự trữ bị hao hụt do nhiều lý do.

 

Về nguồn cung, việc chính quyền quân sự của Thái Lan phong tỏa các kho dự trữ gạo để kiểm tra khiến nguồn cung trên thị trường và trong khu vực sụt giảm mạnh cho tới cuối tháng 7. Trong khi đó, Ấn Độ cũng hạn chế xuất khẩu gạo do hạn hán có thể gây ảnh hưởng xấu tới vụ mùa này.

 

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam đều tăng trong quý III, với gạo 5% tấm của Việt Nam tăng khoảng 30 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan tăng khoảng 45 USD/tấn.

 

Thị trường nội địa các nước châu Á

 

Giá gạo nội địa trên các thị trường châu Á diễn biến trái chiều. Trên thị trường Ấn Độ, giá tăng khá mạnh trong quý III do lo ngại sản lượng vụ kharif (tháng 6 – tháng 12) sụt giảm mặc dù sau đợt hạn hán lượng mưa đã tăng khá mạnh.

 

Trên thị trường Pakistan, do diễn biến thời tiết bất lợi nên giá gạo cũng tăng mạnh.Hiện giá bán lẻ gạo basmati vào khoảng 76.540 rupee (khoảng 770 USD)/tấn, trong khi giá gạo phi – basmati ở mức khoảng 61.540 rupee (khoảng 620 USD)/tấn.

 

Thị trường Philippine cũng chứng kiến giá tăng mạnh, là nguyên nhân chính khiến quốc gia này tích cực nhập khẩu trong năm nay. Giá gạo tại Philippine đã lập kỷ lục cao lịch sử vào tháng 7 năm nay, và duy trì ở mức đó từ bấy đến nay. Hiện giá gạo bán lẻ tại Philippine trung bình là 1 USD/kg, cao hơn khoảng 13-15% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo giá gạo trên thị trường nước này sẽ tăng ít nhất cho tới cuối tháng 10 – khi thu hoạch vụ mới, bởi sản lượng giảm trong vụ thu hoạch sau kỳ giáp hạt và gạo nhập khẩu về chậm.

 

Trên thị trường Việt Nam, giá lúa gạo diễn biến cùng chiều với giá xuất khẩu, tăng mạnh trong khoảng cuối tháng 8 và tháng 8, nhưng giảm nhẹ vào cuối tháng 9.

 

Với mức giá hiện tại, người trồng lúa đang có lãi. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, hiện giá lúa tươi (loại thường) bán tại ruộng 5.400 đồng/kg; lúa tươi (chất lượng cao) giá 5.700 đồng/kg. Nếu sấy khô, lúa thường bán tại kho có giá từ 5.650 - 5.750 đồng/kg; lúa chất lượng cao giá từ 5.900 - 6.000 đồng/kg. So với giá thành sản xuất là 4.200 đồng/kg, với giá bán trên, nông dân bán lúa thường (tươi) thu lãi khoảng 28%. Tại Cần Thơ có trên 80% diện tích gieo sạ các giống lúa chất lượng cao nên đa số nông dân (bán lúa tươi) thu lãi trên 35%. Nếu bà con sấy khô thì lãi cao hơn.

 

Bảng 1: Giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL (đồng/kg)

Loại lúa, gạo

20/6/2014

22/8/2014

23/9/2014

Lúa khô tại kho loại thường

5.200–5.300

5.650- 5.750

5.600–5.700

Lúa dài

5.500–5.600

5.850- 5.950

5.800–5.900

Gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm

6.800–6.900

7.500 – 7.600

7.400–7.500

Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm

6.550–6.650

7.350 – 7.450

7.300–7.400

Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn

8.050–8.150

9.150 – 9.250

9.050–9.150

Gạo 15% tấm

7.650–7.750

8.750 – 8.850

8.700–8.800

Gạo 25% tấm

7.350–7.450

8.250 – 8.350

8.150–8.250

Nguồn: Vinanet.com.vn   

 

Tại Thái Lan, giá gạo cũng tiếp tục tăng trong tháng 8 mặc dù chính phủ đã mở bán lại gạo dự trữ quốc gia. Những quốc gia cũng có giá gạo tăng trong thời gian qua bao gồm Sri Lanka (do sản lượng lúa năm 2014 giảm đáng kể), Bangladesh (do chính phủ đẩy mạnh thu mua lúa vụ chính 2014) và Indonesia.

 

Những thị trường có giá gạo giảm trong thời gian qua bao gồm Myanmar và Campuchia, do nhu cầu xuất khẩu thấp. Giá gạo tại Trung Quốc gần đây tương đối ổn định bởi đủ cung sau khi nhập khẩu tăng mạnh hồi đầu năm và được mùa lúa năm nay.

 

II. SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI

 

1. Các nước xuất khẩu chủ chốt

 

Nguồn cung trên thị trường châu Á rất dồi dào bởi lượng tồn trữ lớn ở các nước xuất khẩu, trong khi vụ thu hoạch mới sắp đến.

 

Xuất khẩu gạo quý III khởi sắc nhờ nhu cầu khá mạnh từ các quốc gia châu Á, đặc biệt là Philippine, Indonesia và Malaysia. Kết quả xuất khẩu của Thái Lan rất khả quan. Xuất khẩu gạo Việt Nam cũng tiến triển tốt.

 

1.1. Việt Nam

 

Về tình hình sản xuất, tính đến ngày 18/9/2014, các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ Hè Thu năm 2014 được 1,673 triệu ha/1,7 triệu ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được 1,6 triệu ha, năng suất khoảng 5,5-5,6 tấn/ha, sản lượng đạt 8,88 triệu tấn lúa. Vụ Thu Đông đã xuống giống được khoảng 720.000 ha/800.000 ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được khoảng 50.000 ha, năng suất khoảng 5 tấn/ha.

 

Trong tháng 7 và tháng 8, tổng khối lượng gạo xuất khẩu đã đạt 1,29 triệu tấn, trong đó riêng trong tháng 8 xuất khẩu được trên 627 nghìn tấn, mức cao thứ hai kể từ đầu năm. Ước tính xuất khẩu đạt 1,9 triệu tấn trong cả quý III.

 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ ngày 1/9 đến 18/09, xuất khẩu gạo đạt 210.512 tấn, giảm 60% so với 526.561 tấn của tháng 9/2013 và giảm 66% so với 627.089 tấn trong tháng 8/2014. Giá xuất khẩu trung bình trong tháng 9 đạt 408 USD/tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 5% so với tháng 8/2014.


Tính từ 1/1 đến 18/9/2014 xuất khẩu gạo đạt 4,453 triệu tấn, giảm 15% so với 5,22 triệu tấn 9 tháng đầu năm 2013. Tuy nhiên, giá xuất khẩu trung bình đạt 430 USD/tấn (FOB), tăng nhẹ khoảng 3 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là khu vực châu Á, chiếm trên 70%; châu Phi chiếm khoảng 10%.

 

Trong tháng 9, Việt Nam đã giành được một hợp đồng 200.000 tấn với Philippine và 1 hợp đồng 200.000 tấn với Indonesia.

 

1.2. Ấn Độ

 

Nguồn cung lúa gạo của Ấn Độ năm nay chắc chắn sụt giảm bởi hạn hán kéo dài hồi đầu mùa hè. Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ Radha Mohan Singh hôm 23/9 cho biết, sản lượng gạo của nước này năm nay sẽ giảm do hạn hán hồi tháng 6. Dự báo sản lượng vụ tháng 6-9/2014 sẽ giảm khoảng 4% xuống 88,02 triệu tấn. Hồi tháng 6, mưa ở Ấn Độ thấp hơn 43% so với mức trung bình của 50 năm qua, gây lo ngại sẽ mất mùa lúa bởi khô hạn.

 

Theo Tổng công ty Lương thực Ấn Độ (FCI), dự trữ gạo trong kho chính phủ Ấn Độ tính đến 1/9/2014 đạt 21,65 triệu tấn, giảm 12% so với một tháng trước đó và giảm 18% so với 26,604 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

 

Xuất khẩu gạo Ấn Độ đã chậm lại từ tháng 4 bởi giá trong nước tăng trong khi Thái Lan giảm mạnh giá xuất khẩu bằng việc tích cực bán gạo dự trữ ra. Chuyến thăm Ấn Độ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đem tới hy vọng cho các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ vào thị trường khổng lồ Trung Quốc, nơi sản lượng cao nhất thế giới nhưng nhu cầu đang tăng mạnh buộc họ phải tăng nhập khẩu từ các nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan và Pakistan. Các thương gia Ấn Độ tin tưởng rằng Ấn Độ có thể xuất khẩu 1 triệu tấn gạo phi – basmati sang Trung Quốc, bởi lợi thế hơn hẳn Pakistan về cước phí vận chuyển. Theo các doanh nghiệp Ấn Độ, Được biết Trung Quốc từ chối nhập khẩu gạo phi-basmati của Ấn với lý do không đạt được thỏa thuận chung về định mức an toàn vệ sinh. Song, phía thương nhân Ấn khẳng định gạo của nước này có chất lượng khá tốt và họ sẽ đưa ra mức giá hợp lý nếu Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu.

 

Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới- năm nay sẽ nhập khẩu gạo lần đầu tiên trong vòng gần 1/4 thế kỷ để cung cấp cho khu vực Đông Bắc xa xôi, nơi hệ thống đường sắt đang được sửa chữa nâng cấp khiến việc vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn.

 

Ấn Độ cho biết nước này sẽ nhập khẩu trên 100.000 tấn gạo từ nước láng giềng Myanmar trong vài tháng tới qua các cuộc đấu thầu với khối lượng mỗi gói khoảng 10.000 đến 30.000 tấn. Gạo nhập khẩu và gạo dự trữ trong nước sẽ được phân phối cho khu vực miền bắc Ấn Độ qua cảng Ashuganj của Bangladesh.

 

Mặc dù khối lượng gạo Ấn Độ nhập khẩu không đủ lớn để tác động đáng kể đến thị trường lúa gạo thế giới, song cộng với việc sản lượng giảm sút do hạn hán sẽ khiến xuất khẩu của nước này ra thị trường thế giới sụt giảm.

 

1.3. Thái Lan

 

Thái Lan sẽ thu hoạch vụ chính niên vụ 2014/15 vào cuối tháng 10, với sản lượng lúa ước khoảng 28,5 triệu tấn, tăng so với 28 triệu tấn cùng vụ năm ngoái. Chính phủ Thái Lan tiếp tục bán gạo dự trữ hàng tháng. Tuy nhiên, các cuộc bán đấu giá này không mấy thành công.  làm gia tăng áp lực giảm giá gạo. Trong tháng 9, Thái Lan mở 2 cuộc bán đấu giá, lần 1 chào 139.676 tấn song chỉ bán được 90.000 tấn, còn lần 2 chào 140.000 tấn nhưng chỉ bán được 73.000 tấn.

 

Thị trường thế giới vốn luôn lo ngại việc Thái Lan có một kho dự trữ gạo khổng lồ, nếu tung mạnh ra thị trường thế giới sẽ khiến giá gạo giảm mạnh. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất thì số gạo dự trữ này chất lượng rất kém.

 

Văn phòng Thủ tướng Thái Lan cho biết việc kiểm tra kho gạo cho kết quả “đáng lo ngại” khi chỉ 1/5 số lượng các mẫu gạo được thử nghiệm có đủ chất lượng.Số còn lại hoặc kém chất lượng hoặc có hàm lượng arsen không đạt chuẩn hoặc có vấn đề về màu sắc. Gạo Thái Lan vốn có tiếng về chất lượng nên chắc chắn Thái Lan không muốn hủy hoại danh tiếng đó. Điều này có nghĩa là lượng gạo dự trữ thực tế có thể bán xuất khẩu không nhiều.

 

Hôm 8/9, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, sẽ mở bán toàn bộ các loại gạo, kể cả gạo nếp, gạo thơm jasmine và gạo tấm thu hoạch trong niên vụ 2014-2015.

 

Theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), xuất khẩu gạo của nước này 7 tháng đầu năm đạt 5,62 triệu tấn, tưng 55% so với 3,61 triệu tấn cùng kỳ năm 2013. TREA ước tính xuất khẩu gạo tháng 8 của Thái Lan đạt 900.000 tấn và xuất khẩu gạo cả năm 2014 đạt trên 9 triệu tấn, tăng 35% so với 6,6 triệu tấn năm 2013. Mặc dù xuất khẩu sang một số quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Ebola, song xuất khẩu sang các nước láng giềng châu Á đang tiến triển thuận lợi.

 

Như một phần trong nỗ lực giành lại vị trí số 1 về xuất khẩu gạo cũng như thị phần đã mất tại Trung Quốc, chính phủ Thái Lan đang tăng cường bán sản phẩm gạo Thái Lan tại Trung Quốc thông qua các chương trình biểu diễn lưu động.

 

Hiện tại, Thái Lan chỉ chiếm 10% tổng nhập khẩu 3 triệu tấn gạo của Trung Quốc, trong khi Việt Nam chiếm 66% và Pakistan chiếm 22%. Do vậy, Bộ Thương mại Thái Lan đang nỗ lực giành lại thị phần tại thị trường này.

 

Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tại Bangkok dự báo xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2014 đạt 9,5 triệu tấn, tăng 34% so với 6,7 triệu tấn năm 2013 và tăng 5% so với 9 triệu tấn ước tính chính thức của USDA.

 

1.4. Campuchia

 

Tháng 8/2014, Campuchia xuất khẩu được 29.871 tấn gạo, tăng 1,7% so với 29.358 tấn tháng 8/2013 và tăng 14,6% so với 26.060 tấn tháng 7/2014. Gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo trắng hạt dài và gạo thơm.Xuất khẩu gạo của Campuchia 8 tháng đầu năm 2014 đạt 236.728 tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2013. Năm 2013, xuất khẩu gạo của Campuchia đạt 379.856 tấn. Thị trường xuất khẩu chính của gạo Campuchia là các nước châu Âu, Malaysia và Trung Quốc.

 

2. Các nước nhập khẩu chủ chốt

 

Các nước nhập khẩu truyền thống ở châu Á tích cực nhập khẩu trong quý III, hỗ trợ giá gạo xuất khẩu trong khu vực tăng.

 

2.1. Philippine

 

Những cơn bão lớn đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới vụ mùa lúa Philippine, khiến nước này phải gia tăng mạnh nhập khẩu gạo trong năm nay.

 

Bộ Nông nghiệp Philippines ước tính sản lượng thóc gạo của nước này quý III chỉ đạt khoảng 3 triệu tấn, tức là giảm khoảng 10% so với cùng vụ năm ngoái. Do lo ngại thời tiết El Nino có thể gây mất mùa, nông dân ở những khu vực phụ thuộc vào nguồn nước mưa đã trì hoãn gieo cấy vụ này, lẽ ra cấy vào tháng 6 thì họ lùi lại tới tháng 7, tức là phải đến tháng 10 mới thu hoạch.

 

Sản lượng quý IV cũng có nguy cơ sụt giảm. Hôm 23/9 Philippine thông báo có khả năng không đạt mục tiêu sản xuất gạo trong quý IV do 2 cơn bão lớn gây thiệt hại ước khoảng 87.576 tấn lúa.

 

Theo số liệu mới nhất được công bố bởi Cơ quan Thống kê Phillippine, sản lượng gạo Philippine năm nay dự báo thấp hơn 2% so với mục tiêu 19,07 triệu tấn của chính phủ.

 

Tổng dự trữ gạo của Philippines tính đến 1/8 đạt 1,72 triệu tấn, giảm 15% so với 2,03 triệu tấn tháng 7 và giảm 7,4% so với 1,86 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái ngoái.

 

Sản lượng thấp hơn trong những tháng giáp hạt và hoạt động nhập khẩu gạo chậm trễ đang và sẽ tiếp tục đẩy giá lương thực lên cao ở quốc gia này.

 

Sau khi đấu thầu thất bại hôm 27/8/2014, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine (NFA) đã mở lại một cuộc đấu giá mới để mua 500.000 tấn, và kết quả quyết định mua 300.000 tấn của Thái Lan và 200.000 tấn của Việt Nam theo hợp đồng liên chính phủ. Cho đến nay Philippine đã nhập khẩu miễn thuế 1,7 triệu tấn, mức cao nhất trong vòng 4 năm, chưa kể khoảng 350.000 tấn mà tư nhân sẽ nhập với mức thuế 40%.

 

2.2. Indonesia

 

Cục Thống kê Trung ương (BPS) ước tính sản lượng lúa năm 2014 của nước này giảm xuống 69,8 triệu tấn, giảm 2% so với 71,28 triệu tấn năm 2013, chủ yếu do diện tích gieo cấy giảm 26.530 ha so với năm 2013.

 

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính Indonesia sản xuất 37,36 triệu tấn gạo và nhập khẩu 1,5 triệu tấn trong năm 2014. Tiêu thụ gạo của Indonesia dự đoán tăng 1% lên 38,65 triệu tấn năm 2014.

 

Indonesia gần đây nhập khẩu gạo khá tích cực.Tháng 8, Cơ quan Bulog quốc gia Indonesia cho biết đã được ủy quyền nhập khẩu 250.000-500.000 tấn gạo trong năm nay, nhưng lượng nhập khẩu còn phụ thuộc vào sản lượng trong nước và giá cả. Bulog đã nhập khẩu 50.000 tấn gạo – khoảng 20.000 tấn gạo 5% tấm và 30.000 tấn gạo 25% tấm – từ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như đảm bảo nguồn cung và kiềm chế giá tăng. Mới đây Indonesia đã ký thỏa thuận cấp chính phủ với Thái Lan để mua 175.000 tấn gạo, và trung tuần tháng 9 ký tiếp hợp đồng 200.000 tấn với Việt Nam (50.000 tấn gạo 5% tấm, còn lại là gạo 25% tấm, thời gian giao gạo từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay). Dự kiến năm nay, quốc gia này sẽ nhập khẩu khoảng 500.000 tấn gạo để đáp ứng nhu cầu nội địa.

 

III. DỰ BÁO

 

Triển vọng giá gạo trong nước khu vực châu Á quý IV sẽ duy trì vững nhờ nhu cầu tốt. Các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ tích cực thu gom gạo để thực hiện những hợp đồng đã ký với Philippine và Indonesia.

 

Nhu cầu nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á sẽ quyết định xu hướng thị trường từ nay đến cuối năm. Khả năng Philippines sẽ còn có nhu cầu nhập thêm nữa, bởi giá gạo trên thị trường nội địa nước này chưa hạ nhiệt. Indonesia cũng sẽ mua thêm từ nay tới cuối năm. Malaysia đang chờ thực hiện các hợp đồng đã ký và thông thường nhu cầu sẽ trở lại vào cuối năm để thực hiện kế hoạch nhập khẩu cho năm sau.

 

Về nguồn cung, nhiều nước sẽ thu hoạch lúa chính vụ trong quý IV, nhưng sản lượng của Ấn Độ, Philippine và Pakistan dự báo sẽ giảm sút. Gạo dự trữ của Thái Lan chất lượng không cao. Do vậy thị trường khu vực sẽ không dư thừa quá nhiều.

 

Báo cáo tháng 9 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA): Sản lượng gạo thế giới sẽ tăng 1%

 

USDA dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2013/14 sẽ đạt khoảng 475,8 triệu tấn, tăng khoảng 1% so với khoảng 471 triệu tấn năm 2012-13 bởi sản lượng tăng ở Nam Á, Đông Nam Á và Mỹ Latinh.

 

USDA dự báo sản lượng gạo sẽ tăng mạnh ở Afghanistan, Bangladesh, Nepal, Pakistan, Vietnam, Brazil, Nigeria, Sierra Leone, Guyana và Uganda. Tuy nhiên, sản lượng sẽ giảm ở Australia, Đài Loan, Indonesia, Lào, Liberia, Madagascar và Nga.

 

Dự báo sản lượng gạo quy xay toàn cầu năm 2014-15 sẽ tăng lên khoảng 477,3 triệu tấn bởi sản lượng tăng ở Đông Á và Nam Á cũng như châu Phi cận Sahara. USDA dự báo vụ 2014-15 diện tích trồng lúa thế giới sẽ tăng lên kỷ lục 161 triệu ha, tăng 100.000 ha so với vụ trước.

 

Báo cáo của Ủy ban Ngũ cốc Quốc tế (IGC): Dự báo mậu dịch gạo thế giới sẽ tăng 5% lên 40 triệu tấn

 

IGC dự báo mậu dịch gạo toàn cầu năm 2014 sẽ đạt khoảng 40 triệu tấn, tăng khoảng 5% so với 38 triệu tấn năm 2013 nhờ nhập khẩu tăng vào các nước Viễn Đông Á như Trung Quốc, Indonesia và Philippine, cũng như một số nước châu Phi.

 

Về nhập khẩu, IGC dự báo Trung Quốc sẽ tăng nhập thêm khoảng 3% lên 3,2 triệu tấn, Indonesia sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 1,4 triệu tấn, và Philippine sẽ tăng gấp 3 lên khoảng 2,1 triệu tấn. Dự báo các nước châu Phi cận Sahara cũng sẽ nhập khẩu tổng cộng 14,1 triệu tấn, gần như không thay đổi so với năm ngoái.

 

Về xuất khẩu, dự báo Ấn Độ sẽ giảm xuất 10% so với năm trước xuống 9,4 triệu tấn, còn Thái Lan sẽ tăng 36% lên khoảng 9 triệu tấn.

 

Bảng2: Thống kê và dự báo về cung – cầu gạo thế giới (triệu tấn, quy xay)

 

2011/12

2012/13

2013/14

2014/15

+/- (So với năm trước)

Dự trữ đầu vụ

107

110

109

105

-3,7%

Sản lượng

467

472

476

478

+0,4%

Tổng cung

547

581

586

584

-0,4%

Tổng tiêu thụ

459

469

476

482

+1,2%

Dự trữ cuối vụ

107

110

109

105

-3,7%

Các nước XK lớn *

37

40

39

34

-12,6%

Mậu dịch (T1-12)

39

38

40

40

+1,2%

* Các nước XK lớn bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam

 

IGC dự báo mậu dịch gạo toàn cầu năm 2015 sẽ vượt 40 triệu tấn nhờ lượng mua tăng từ Trung Quốc, Indonesia, Philippine và châu Phi cận Sahara. Dự báo các nước xuất khẩu như Ấn Độ và Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với Thái Lan trong năm 2015, và dự báo Thái Lan sẽ giành lại vị thế nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới vào năm đó.

 

Bảng 3: Thống kê và dự báo sản lượng gạo của một số quốc gia (triệu tấn, quy xay)

 

2011/12

2012/13

2013/14

2014/15

+/- (So với năm trước)

Các nước XK lớn

 

 

 

 

 

Ấn Độ

105,3

105,2

106,0

103,0

-2,8%

Việt Nam

27,0

27,4

27,8

28,0

+1,6%

Thái Lan

20,5

20,3

20,2

20,1

-0,3

Mỹ

5,9

6,3

6,1

7,3

+19,6

Pakistan

6,6

6,0

6,5

6,5

+0,0

Một số nước khác

 

 

 

 

 

Trung Quốc

140,7

143,0

142,5

145,2

+1,9%

Indonesia

36,4

36,8

37,5

37,8

+0,8%

Bangladesh

37,7

33,8

34,4

34,6

+0,6%

Philippine

10,7

11,4

11,8

12,0

+1,6%

Brazil

7,9

8,0

8,6

8,6

+0,1%

Thế giới

466,7

471,8

476,3

478,2

+0,4%

 

IGC ước tính mậu dịch gạo toàn cầu niên vụ 2013-14 sẽ đạt khoảng 476 triệu tấn, tăng khoảng 1% so với khoảng 472 triệu tấn năm 2013-14 bởi sản lượng cải thiện ở Nam Á, Nam Mỹ và châu Phi cận Sahara. Dự báo mậu dịch gạo thế giới năm 2014-15 sẽ tăng tiếp lên 478 triệu tấn nhờ sản lượng tăng ở Trung Quốc, Brazil và Mỹ. Tuy nhiên, sản lượng của Ấn Độ sẽ giảm 3% xuống khoảng 103 triệu tấn do mùa mưa (tháng 6-9/2014) đến muộn.

 

Dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2013-14 sẽ tăng lên khoảng 476 triệu tấn, tăng khoảng 2% so với khoảng 469 triệu tấn vụ 2012-13 do tiêu thụ tăng ở các nước châu Á trừ Ấn Độ và Trung Quốc. Dự báo tiêu thụ gạo thế giới năm 2014-15 sẽ tiếp tục tăng lên 482 triệu tấn bởi nhu cầu tăng ở châu Phi, Bắc và Trung Mỹ.

 

Đồ thị 6: Dự báo tồn trữ gạo của những nước XK lớn (triệu tấn, quy xay)

 

IGC dự báo tồn trữ gạo thế giới cuối vụ 2013-14 sẽ giảm xuống khoảng 109 triệu tấn so với 110 triệu tấn niên vụ trước. Dự báo tồn trữ ở những nước xuất khẩu lớn sẽ giảm nhẹ xuống khoảng 39,4 triệu tấn, giảm khoảng 1% so với 39,7 triệu tấn năm trước, bởi Thái Lan và Ấn Độ giải phóng được một lượng lớn gạo dự trữ.

 

Dự báo tồn trữ gạo thế giới vụ 2014-15 sẽ giảm xuống khoảng 105,4 triệu tấn vẫn do giảm tồn trữ ở Ấn Độ và Thái Lan. Tồn trữ cuối vụ của những nước xuaatsa khẩu gạo lớn dự báo sẽ giảm 13% xuống khoảng 34,5 triệu tấn.

 

Theo VINANET.

Trở lại      In      Số lần xem: 1195

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Xuất khẩu cao su tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch
  • Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 13/4
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 13/4/2016
  • Báo cáo ngành hàng rau quả tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng chè tháng 4/2016
  • Giá gạo xuất khẩu tháng 4-2016
  • Báo cáo mặt hàng thịt tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng phân bón tháng 4/2016
  • Báo cáo ngành hàng hạt điều tháng 4/2016
  • Thị trường đường thế giới quý I/2016 và dự báo
  • Quý I/2016, xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng dương ở các thị trường
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 12/5/2016
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 30/5/2016
  • Thị trường thức ăn chăn nuôi quý I/2016 và dự báo
  • Báo cáo ngành hàng lúa gạo tháng 5/2016
  • Vào vụ mía mới, giá mía nguyên liệu tăng
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 25/5/2016
  • Xuất khẩu gạo: Campuchia tiến lên, Việt Nam tụt xuống
  • Thị trường NL TĂCN thế giới ngày 6/7: Giá ngô giảm do dự báo thời tiết Mỹ
  • Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước nhập khẩu đậu tương nhiều nhất thế giới
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD