Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  21
 Số lượt truy cập :  33361445
Thị trường thực phẩm quí III/2014 và dự báo quí IV
Thứ ba, 25-11-2014 | 08:07:14

I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG

 

1.Thịt

 

Thịt lợn:

 

Tháng 9, thị trường thịt lợn tại miền Bắc có nhiều biến động do mùa mưa bão và thời tiết miền Bắc mát mẻ kích thích nhu cầu ăn uống của người tiêu dùng. Giá dao động trong khoảng 85.000 - 110.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, thịt nạc thăn 110.000 đồng/kg, thịt ba chỉ, chân giò 95.000 đồng/kg, thịt vai 90.000 đồng/kg, sườn loại ngon 110.000 đồng/kg, sườn cục 80.000 đồng/kg.

 

Tại các tỉnh miền Nam, nhu cầu tăng nên giá lợn hơi tại các trang trại khoảng 54 – 56.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg so tháng trước). Giá thịt lợn bán lẻ tại thị trường cũng tăng 8.000 – 10.000 đồng/kg từ dịp 2-9 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm, cụ thể thịt lợn mông sấn, thịt chân giò 90.000 đồng/kg, thăn 110.000 đồng/kg, nạc vai 95.000 đồng/kg.

 

Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng, đặc biệt là tại Miền Nam. Từ quý II/2014 đến nay, giá tại Đồng Nai và TPHCM đạt cao trên 54.000 đồng/kg. Tại Miền Bắc, giá lợn hơi dao động từ 44.000 – 47.000 đồng/kg và nhìn chung người chăn nuôi vẫn có lãi. 

 

Đồ thị 1: Giá lợn hơi từ một số tỉnh. ĐVT:đ/kg

Nguồn: AGROINFO

 

Theo Cục chăn nuôi – Bộ NNPTNT, 7 tháng đầu năm 2014 cả nước nhập khẩu 1.941 tấn thịt lợn, tăng 9,4% so cùng kỳ (trung bình 250-300 tấn/tháng, riêng tháng 5 tăng đột biến 475 tấn) tri giá 3,53 triệu USD; thịt nhập khẩu chủ yếu thịt vai, thịt mông sấn, chân giò đông lanh, giá khoảng 1,8 USD/kg. Việt Nam đã nhập khẩu 1.656 con giống lợn, tăng 1,7 lần về giá trị và 1,9 lần về khối lượng so với cùng kỳ năm 2013.

 

Thịt bò:

 

Tính từ đầu năm 2014 đến tháng 8/2014, giá thịt bò tại miền Bắc có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên sang tháng 9 do mưa bão kéo dài giá tăng khoảng 5% so với tháng 8. Tại Hà Nội, giá thịt bò thăn tháng 9/2014 khoảng 270.000 đồng/kg, bò bắp 300.000đồng/kg (tăng khoảng 20.000 đồng so với tháng 8).

 

Tại miền Trung và miền Nam, giá thịt bò khá biến động do thay đổi về sản lượng thịt cung ứng ra thị trường tác động tới giá. Tháng 9/2014, giá thịt bò thăn tại Đà Nẵng ở khoảng 250.000 đồng/kg, trong khi TP Hồ Chí Minh vào khoảng 270.000 đồng/kg.

 

Đồ thị 2: Giá thịt bò từ một số tỉnh. ĐVT: đ/kg

Nguồn: AGROINFO

 

Hiện nay, thịt bò Australia nhập về Việt Nam khá nhiều, được người tiêu dùng ưa chuộng vì giá ngang bằng với thịt bò trong nước. Thịt thăn bò 260.000 - 330.000 đồng/kg, sườn bò từ 260.000 đồng/kg, bắp bò 275.000 đồng/kg.

 

Theo các chuyên gia nông nghiệp, thịt bò đang là lĩnh vực cạnh tranh gay gắt nhất tại Việt Nam. Thịt bò nhập không chỉ xuất hiện tại các quầy thịt bò trong siêu thị mà đã bắt đầu xâm chiếm thị trường bán lẻ. Việt Nam nhanh chóng trở thành thị trường nhập khẩu thịt bò lớn từ các nước.

 

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2012 Việt Nam mới bắt đầu nhập bò Australia với số lượng khá khiêm tốn, chỉ khoảng 3.000 con. Tới năm 2013, con số này xấp xỉ 70.000 con, đứng thứ 3 trong số các nước nhập khẩu trâu, bò sống từ nước này. Đó là chưa kể một lượng lớn thịt bò được nhập dưới dạng đông lạnh từ Mỹ, Brazil…

 

Năm 2014, chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 72.000 con bò Australia đã được nhập khẩu về Việt Nam. Dự kiến, sẽ có khoảng 150.000 con bò Australia được nhập về trong năm nay. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ bò Australia thứ 2 thế giới, chỉ sau Indonesia.

 

Thịt bò ngoại đang tràn ngập thị trường Việt Nam dù đang chịu mức thuế suất khá cao (5%). Mặc dù vậy, giá thịt bò ngoại cũng chỉ tương đương bò nội. Bò sống nhập khẩu về Việt Nam sẽ còn tăng trong các năm sau, vì nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong nước ngày càng tăng lên. Theo các chuyên gia nông nghiệp, nếu Việt Nam có chính sách hợp lý, đàn bò thịt trong nước vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển, cạnh tranh với thịt nhập ngoại.

 

Thịt gà:

 

Thời gian gần đây giá thịt gà liên tục biến động. Cụ thể, giữa tháng 9, gà công nghiệp bán tại trại ở Đồng Nai chỉ còn 28.000 đồng/kg (giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với tháng 7). Khi có thông tin xuất hiện vi rút cúm A/H5N6, giá gà ta giảm sâu với mức khoảng 10.000 đồng/kg so với tháng 7. Hiện giá gà ta khoảng 66.000 đồng/kg với gà trống, 76.000 đồng/kg gà mái. Riêng giá gà giống tăng đột biến, dao động từ 16 – 18.500 đồng/con, tăng gần 10.000 đồng/con so với thời điểm đầu năm, do nhu cầu nuôi gà ta phục vụ thị trường cuối năm tăng cao.

 

Tại Miền Bắc giá gà ta ổn định ở mức 115.000-120.000 đồng/kg; gà công nghiệp làm sẵn 55.000-60.000 đồng/kg.

 

Từ đầu năm nay, diễn biến dịch cúm gia cầm cùng với tình trạng gà thải loại nhập lậu tràn lan từ Trung Quốc đã khiến giá thịt gà giảm sâu. Đã có những thời điểm giá thịt gà tại miền Bắc giảm xuống chỉ còn hơn 100.000 đồng/kg đối với gà ta và 50.000 đồng/kg đối với gà công nghiệp. Tuy nhiên kể từ giữa năm 2014, dịch cúm gia cầm đã được kiểm soát tốt cùng với sự siết chặt kiểm soát gà nhập lậu, giá thịt gà đã có sự phục hồi, giải tỏa sức ép cho người chăn nuôi.

 

Đồ thị 3: Giá thịt gà tại Hà Nội. ĐVT: đ/kg

Nguồn: AGROINFO

 

Về lượng thịt gà nhập khẩu, trong 7 tháng năm nay nhập 51.000 tấn, tăng 22,2% so cùng kỳ, kim ngạch NK đạt gần 54,5 triệu USD. VN nhập khẩu thịt gà chủ yếu từ Mỹ, Brazil, Hàn Quốc và Iran, trong đó từ Mỹ nhiều nhất, khoảng 51,1%.

 

Theo Cục chăn nuôi, NK thịt 7 tháng đầu năm tăng cao do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn cung trong nước chưa ổn định.

 

Dự kiến nhu cầu tiêu thụ thịt gà của Việt Nam năm 2014 khoảng 825.000 tấn, tăng 4,2% so với năm 2013. Sản lượng thịt gà của Việt Nam khoảng 793.000 tấn, do đó cần phải nhập khẩu ít nhất 50.000 tấn để có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.  

 

2. Rau quả

 

Tại miền Bắc, trời mưa to liên tiếp trong những ngày giữa tháng 9, cộng thêm cơn bão số 3 hoành hành, khiến nhiều ruộng rau bị ngập úng ảnh hưởng đến nguồn cung, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng, làm giá rau củ tăng nhanh. Rau muống tăng từ 4.000 đồng/mớ lên 8.000- 10.000 đồng/mớ. Rau cần trái vụ tăng giá từ 8.000 đồng/mớ lên 10.000 đồng/mớ. Tiếp đến là những loại rau dễ bị dập, úng vì mưa bão như cải ngọt, cải xanh tăng giá từ 16.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg.

 

Nguyên nhân, thời tiết đang chuyển mùa, một số loại rau cũng đang vào cuối vụ, nguồn cung không ổn định. Ngoài ra, do mưa lớn nhiều ngày đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận chuyển; thời gian tới sản xuất rau sẽ gặp khó khăn hơn do rau mới gieo hạt sẽ chậm phát triển hơn bình thường vì mưa bão. Mặc dù, giá rau tại các chợ tăng mạnh, nhưng giá rau tại ruộng chỉ tăng 500-1000 đ/kg do mưa bão nông dân khó thu hoạch, nên tăng chút, chủ yếu do các tiểu thương lợi dụng mưa bão tăng giá nhằm kiếm lời. 

 

Bảng: Giá rau quả tại Hà Nội giữa tháng 9/2014.

Mặt hàng

Giá (đ/kg)

Tăng so với tháng 8

Rau muống (đồng/mớ)

8.000 -10.000

+4.000

Rau dền, rau ngót, mùng tơi (đồng/mớ)

5.000

+1.000

Khoai tây

20.000

+5.000

Cải ngọt, cải bẹ

15.000 - 17.000

 

Bí xanh, khổ qua, cà chua

17.000 - 20.000

3.000

Nấm rơm

120.000

30.000

Xà lách

60.000

30.000

Bí đỏ

12.000

4.000

Bí xanh

20.000

3.000

Cà chua

15.000 - 20.000

5000-10.000

Cà rốt

17.000 - 22.000

7.000

Đậu đũa

19.000 - 20.000

8.000

Hành lá và xà lách

30.000

15.000

Thanh long ruột đỏ

60.000

20.000

Thanh long ruột trắng

30.000

10.000

Xoài cát

45.000

15.000

Bưởi hồng da xanh (đồng/quả)

50.000

10.000

Dưa hấu Sài Gòn

15.000 - 20.000

5.000

Cam sành

60.000 - 65.000

20.000

Na

60.000

15.000

Quýt

65.000

20.000

Nguồn: Vinanet.com.vn

 

Tại TPHCM, mặt hàng rau củ cũng tăng mạnh, điển hình như hẹ thơm nhảy vọt từ 5.000 lên 25.000 đồng/kg. Tại chợ chợ Đầu mối Nông Sản Thực phẩm Hóc Môn, gần một nửa các mặt hàng rau, củ quả được vận chuyển từ Campuchia sang Việt Nam. Gần đây, cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) đặt trạm thu phí vận chuyển, nên mặc dù giá xăng giảm nhưng cước phí tăng, hơn nữa giá dầu giảm không đáng kể.

 

Thời gian gần đây mưa nhiều nên rau củ hư hỏng nhiều. Để bù đắp lại lượng thiếu hụt, các tiểu thương đành thu mua từ Long An, Lâm Đồng nên giá tăng vì cước vận chuyển. Riêng mặt hàng nấm rơm vào những ngày cuối tháng 9 giảm mạnh, chỉ còn 35.000 – 37.000 đồng/kg, giảm từ 10.000 - 15.000 so với đầu tháng, do mưa nhiều nên chất lượng nấm không cao, nhu cầu người tiêu dùng giảm. Mặt hàng cà chua cũng giảm giá vì hàng Trung Quốc nhập về nhiều ảnh hưởng tới hàng trong nước, hiện chỉ khoảng 10.000 – 12.000 đ/kg.

 

Giá thanh long tại Tiền Giang đang có chiều hướng tăng mạnh và hiện đang khan hàng. Thanh long ruột trắng tại vườn 17.000 - 18.000 (loại tốt), tăng từ 7.000 - 8.000 đồng/kg so với tháng trước, do thanh long đang vào vụ, nên số hộ xử lý xông đèn để thanh long ra hoa rất ít, dẫn đến sản lượng cung cấp cho thị trường hạn chế, cung không đủ cầu. Tuy nhiên, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cân nhắc, không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng thanh long mới, cần tuân thủ quy hoạch của tỉnh để không gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm.

 

3. Thủy sản:

 

Tại miền Bắc, giá thủy sản tăng nhẹ, giá cá tăng 5- 10%. Cá chép 90.000 đồng/kg, cá trắm là 75.000 - 80.000 đồng/kg, cá rô phi 50.000 đồng/kg, cá quả 125.000 đồng/kg, cá trôi 70.000 đồng/kg; tôm sú 300.000-350.000 đồng/kg. 

 

Tại các tỉnh phía Nam, giá các mặt hàng hải sản trong tháng 9 tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg so với tháng 8. Trong đó, các loại cá nước ngọt, như: cá điêu hồng 52 – 55.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg), cá lóc 55.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), cá rô đồng 45 – 48.000 đồng/kg (tăng 4.000 đồng/kg). Ngoài ra, các loại cá nước ngọt khác, gồm: cá kèo, trôi, trắm, mè... cũng tăng từ 4-5.000 đồng/kg. Nguyên nhân cá nước ngọt tăng giá là do nguồn cung hạn chế. Đặc biệt nguồn cá từ miền Tây đưa về giảm hẳn so với cuối tháng 8-2014.

 

Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL hiện ở mức khoảng 23.500 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp cũng như người nuôi cá có cùng nhận định là khả năng tăng giá khó xảy ra thậm chí có thể sẽ giảm trở lại vì theo Thông tư 23, sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh có tỷ lệ mạ băng vượt quá 10% và hàm lượng nước trong sản phẩm phi lê vượt quá 83% so với khối lượng tịnh của sản phẩm chỉ được phép xuất khẩu đến ngày 31-12-2014. Như vậy, từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp sẽ phải tập trung xử lý khối lượng lớn hàng tồn kho có quy cách không phù hợp với quy định mới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sản lượng nguyên liệu thu mua trong thời kỳ này của các doanh nghiệp sẽ giảm, nên giá giảm.

 

Từ đầu năm 2014, giá cá tra có xu hướng tăng liên tục và đạt đỉnh điểm vào tháng 5. Cụ thể, xuất phát điểm tháng 1/2014 giá cá tra ở mức 21.800 đối với loại 1 (thịt trắng) và 20.000 đối với loại 2 (thịt vàng); đến tháng 5/2014 giá lần lượt lên mức 25.500 và 23.400 đồng/kg. Nguyên nhân giá cá tra tăng giai đoạn này do đang thời kỳ nuôi giống lứa mới, nguồn cá lứa cũ đã cạn dần. Từ tháng 6/2014 giá cá tra thịt trắng nhìn chung ổn định. Cụ thể, tháng 9/2014 giá cá tra thịt trắng đạt 23.500 đồng/kg, giảm 0,1% so với tháng trước.

 

Đồ thị 4: Giá cá tra nguyên liệu tại An Giang năm 2014. ĐVT: đ/kg

Nguồn: AGROINFO

 

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng cá tra nguyên liệu ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều giảm trong 8 tháng đầu năm nay, chỉ đạt khoảng 685.000 tấn. Chỉ riêng các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre sản lượng cá tra nguyên liệu đã giảm hơn 21.000 tấn so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho là giá cá nguyên liệu giảm thấp xuống dưới mức giá thành nên người nuôi chỉ cho cá ăn cầm chừng, thời gian nuôi kéo dài, thu hoạch cá không đạt kích cỡ để giảm lỗ do tăng thêm chi phí thức ăn.

 

Giá tôm nguyên liệu tháng 9 ở mức khá cao, tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg dao động 225.000 - 230.000 đồng/kg, tăng 20.000 so với thời điểm tháng 7. Nguyên nhân do hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu và phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Theo các doanh nghiệp, giá tôm sú nguyên liệu có khả năng tăng cao hơn nữa trong những tháng cuối năm do nhu cầu hàng hóa thủy sản trên thị trường trong nước và thế giới tăng mạnh, nhất là vào dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2015 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Trong khi đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết thúc vụ nuôi tôm-lúa; tôm nuôi quảng canh cải tiến vào giai đoạn cuối vụ, nông dân chuẩn bị cải tạo ao đầm để thả giống vụ mới dẫn đến sản lượng tôm thu hoạch không còn nhiều, doanh nghiệp khan hiếm nguồn tôm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.

 

Đầu năm 2014 giá tôm sú đứng ở mức cao (tăng khoảng 50% so với mức đáy hồi giữa năm 2013). Tại Cà Mau, giá tôm sú loại 30 con/kg tháng 1/2014 ở mức 260.000 đồng/kg; loại 40 con/kg ở mức 210.000 đồng/kg. Nguyên nhân, các tháng nửa cuối năm 2013 nguồn cung hạn chế do dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng với xuất khẩu hút hàng, đặc biệt trong quý IV/2013.

 

Sau đó, từ tháng 3/ 2014 giá tôm sú quay đầu giảm mạnh, đến tháng 7 và 8/2014  chỉ còn 205.000 đối với loại 30 và 165.000 đối với loại 40 con/kg, tức là giảm mạnh tới gần 25% so với hồi đầu năm. Nguyên nhân giảm: (1) Hầu hết các doanh nghiệp đều chịu sự tác động của vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ đối với mặt hàng tôm; (2) Trở ngại về rào cản kỹ thuật nên nhiều doanh nghiệp xuất hàng đi rồi bị trả về; (3) Nhiều nước trên thế giới được mùa tôm nuôi ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam; (4) Thu hoạch tôm tại ĐBSCL được mùa.

 

Đồ thị 5: Giá tôm sú nguyên liệu tại Cà Mau năm 2014. ĐVT: đ/kg

Nguồn: AGROINFO

 

Xuất khẩu: giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm đạt 4,95 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 22,8% tổng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này 7 tháng năm 2014 đạt 973,84 triệu USD, tăng 38,58% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường tiêu thụ lớn khác đều tăng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với mức tăng tương ứng đạt 6,39%, 53,83% và 27,37%.

 

Tổng sản lượng thuỷ sản 8 tháng năm 2014 ước đạt 4.001 ngàn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng khai thác ước đạt 1.882 ngàn tấn, tăng 4,6%, sản lượng nuôi trồng ước đạt 2.119 ngàn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15-8, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, XK sang Hàn Quốc tăng cao nhất tới 114,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, XK tôm sang Mỹ đạt trên 694,5 triệu USD, tăng 80,3% so với cùng kỳ năm 2013. XK sang EU đạt 387,7 triệu USD, tăng 98,8% và XK tôm sang Nhật Bản cũng đã tăng trưởng trở lại sau nhiều tháng bị cản trở bởi rào cản kháng sinh.

 

Hàn Quốc là thị trường NK tôm lớn thứ 5 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc, chiếm 7,9% tổng giá XK tôm. XK tôm sang thị trường này năm nay tính đến 15-8 tăng mạnh nhất trong nhóm 10 thị trường chính với giá trị đạt 185,2 triệu USD, tăng 114,5%.

 

XK tôm của Trung Quốc sang Hàn Quốc giảm mạnh đã giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Hàn Quốc. Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 7 tháng đầu năm 2014, NK tôm Việt Nam vào Hàn Quốc tăng 55,1% về khối lượng và 100% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, NK tôm Trung Quốc vào thị trường này giảm 38,9% về khối lượng và 22,2% về giá trị.

 

Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: Nguồn cung trên thị trường cải thiện chậm do ảnh hưởng của EMS (Hội chứng tôm chết sớm), giá tôm tăng cao đang “hậu thuẫn” cho tôm Việt Nam. Cùng với Ecuador, Indonesia và Ấn Độ, Việt Nam đã trở thành các nhà cung cấp tôm quan trọng cho thị trường thế giới.

 

Ở trong nước, sản xuất tôm tại Việt Nam cũng khá thuận lợi với diện tích nuôi tôm chân trắng được mở rộng nhanh chóng. Tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, 7 tháng đầu năm 2014, diện tích nuôi tôm đạt 644.193 ha (tăng 10,3% so với cùng kỳ 2013), trong đó diện tích tôm sú là 562.492 ha (tương đương cùng kỳ), diện tích tôm chân trắng là 81.701 ha tăng 245,3% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch đạt 317.305 tấn, tăng 189,3% so với 2013, trong đó sản lượng tôm sú là 152.035 tấn (tăng 91%), tôm chân trắng là 165.269 tấn (tăng 449,4%).

 

Nhập khẩu: Trong 8 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu thủy sản đã lên đến 720 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường cung cấp nhiều thủy sản cho Việt Nam là Ấn Độ chiếm 33,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, Đài Loan chiếm gần 7%, còn Trung Quốc ở vị trí thứ 8 với 3,1%.

 

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong 7 tháng qua, giá trị nhập khẩu thủy sản từ Ấn Độ là hơn 203 triệu USD, trong khi xuất khẩu thủy sản của Việt Nam qua thị trường này chưa đến 8,5 triệu USD. Việt Nam chủ yếu nhập tôm sú từ Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu chế biến của doanh nghiệp. Hơn nữa, thời gian qua dịch bệnh bùng phát, nguồn tôm nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu nên họ phải tìm nguồn nguyên liệu thay thế. Giá tôm nguyên liệu nhập khẩu thường thấp hơn giá tôm trong nước, đó cũng là lý do để doanh nghiệp tăng cường nhập.

 

3. Muối

 

Số liệu thống kê cho thấy diện tích sản xuất muối cả nước 8 tháng đầu năm ước đạt 14.814 ha, tăng 4,4% so với cùng kỳ 2013, trong đó diện tích muối thủ công đạt 11.175 ha, diện tích muối công nghiệp đạt 3.639 ha.

 

Sản lượng muối 8 tháng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2013, trong đó muối sản xuất thủ công đạt 720.045 tấn, tăng 4,8%; còn muối sản xuất công nghiệp đạt 281.840 tấn, tăng 29,5%.

 

Lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất khoảng 264.862 tấn, trong đó Miền Bắc tồn 28.492 tấn, Miền Trung tồn 127.226 tấn, và Đồng bằng sông Cửu Long tồn 109.144 tấn.

 

Giá muối tháng 8 ổn định như tháng trước và giữ ở mức hợp lý. Cụ thể, muối ở Miền Bắc có giá từ 1.300-2.500 đồng/kg, ở Nam Trung Bộ giá từ 550-1.300 đối với muối thủ công và từ 850-1.100 đối với muối công nghiệp, ở Đồng bằng sông Cửu Long giá từ 1.000-1.800 đồng/kg.

 

Về nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp cho biết giá trị muối nhập khẩu trong 8 tháng đạt 10 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đã được điều chỉnh sau khi số liệu tháng trước cho thấy giá trị nhập khẩu 7 tháng đứng ở mức 11 triệu USD.

 

II. DỰ BÁO

 

Giá rau củ vẫn ở mức cao: Mưa bão làm đất bị nén chặt hơn bình thường nên những luống rau đã gieo sẽ phát triển chậm. Nhiều nhà nông sẽ phải chờ ruộng khô mới xới đất lên để trồng lại. Như vậy thì rau gối vụ tới sẽ khan và giá rau chưa giảm.

 

Sau bão, các loại rau đều chậm lớn vì mưa trôi hết màu trong đất, người trồng rau cũng không chăm bón được ngay. Những loại rau thân mềm như rau cải, rau thơm… rất dễ bị dập nát, hư thối. Vì vậy, nguồn cung ít, rau tăng giá.

 

Giá thịt lợn có thể vẫn đứng ở mức cao: mùa mưa bão vẫn chưa chấm dứt, do đó vận chuyển vẫn khó khăn, nguồn cung bị hạn chế, trong khi thời tiết mát mẻ làm nhu cầu tiêu thụ tăng, nên giá sẽ vẫn ở mức cao.

 

Giá thịt gà có thể tăng trở lại do dịch cúm dần được khống chế, người tiêu dùng sẽ quay lại với thịt gà.

Giá thịt bò sẽ vẫn ổn định do nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu, hơn nữa lượng thịt nhập khẩu về nhiều.

 

Theo VINANET.

Trở lại      In      Số lần xem: 1055

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Xuất khẩu cao su tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch
  • Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 13/4
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 13/4/2016
  • Báo cáo ngành hàng rau quả tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng chè tháng 4/2016
  • Giá gạo xuất khẩu tháng 4-2016
  • Báo cáo mặt hàng thịt tháng 4/2016
  • Báo cáo mặt hàng phân bón tháng 4/2016
  • Báo cáo ngành hàng hạt điều tháng 4/2016
  • Thị trường đường thế giới quý I/2016 và dự báo
  • Quý I/2016, xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng dương ở các thị trường
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 12/5/2016
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 30/5/2016
  • Thị trường thức ăn chăn nuôi quý I/2016 và dự báo
  • Báo cáo ngành hàng lúa gạo tháng 5/2016
  • Vào vụ mía mới, giá mía nguyên liệu tăng
  • Thị trường cà phê, ca cao ngày 25/5/2016
  • Xuất khẩu gạo: Campuchia tiến lên, Việt Nam tụt xuống
  • Thị trường NL TĂCN thế giới ngày 6/7: Giá ngô giảm do dự báo thời tiết Mỹ
  • Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước nhập khẩu đậu tương nhiều nhất thế giới
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD