Quy trình kỹ thuật canh tác đậu xanh tổng hợp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long
Thứ năm, 17-12-2015 | 04:33:41
|
Nguyễn Văn Chương[1], Nguyễn Ngọc Quất(2), Nguyễn Văn Long(1), Võ Văn Quang(1)
1. Yêu cầu về đất trồng và giống1.1 Đất trồngĐậu xanh trồng được trên nhiều loại đất khác nhau như đất cát pha, đất thịt, đất sỏi cơm, hay đất có tầng canh tác mỏng ở các vùng đồi dốc. Tuy nhiên, thích hợp nhất là loại đất thịt nhẹ, đất phù sa, đất giàu dinh dưỡng, có hàm lượng hữu cơ cao, tơi xốp, chủ động được việc tưới tiêu, đủ ẩm, độ pH từ 5,5 - 6,5. Đậu xanh rất thích hợp luân canh trên đất đã canh tác lúa, tuy nhiên không nên trồng đậu xanh trên những chân đất thấp, bị ngập úng, nhiễm phèn, nhiễm mặn, đất có độ pH thấp dưới 5. 1.2 Giống đậu xanhSử dụng các giống đậu xanh đã được công nhận sản xuất thử hoặc công nhận chính thức của cơ quan chuyên ngành như V94-208; HL89-E3; HLĐX6; HLĐX7; HLĐX10. Chất lượng hạt giống phải đạt theo tiêu chuẩn của Bộ NN và PTNT. 2. Kỹ thuật canh tác2.1 Thời vụ
2.2 Làm đấtTuỳ theo từng địa hình để có biện pháp làm đất khác nhau.
2.3 Gieo trồngTrước khi gieo trồng phải thử tỷ lệ nảy mầm để xác định lượng giống gieo, hạn chế tỉa dặm, thông thường đối với đậu xanh, tối thiểu phải đạt tỷ lệ nãy mầm 90%.
2.4 Dặm hạt và tỉa câyTừ 3 - 5 ngày sau khi mọc cần phải sớm dặm hạt ở những hốc không có cây mọc để đảm bảo mật độ, có thể ngâm hạt từ 4 - 6 giờ trước khi gieo để tranh thủ thời gian mọc mầm của hạt đảm bảo sự đồng đều quần thể. Từ 10 - 12 ngày sau khi gieo tiến hành tỉa bỏ những cây lẫn, cây bị bệnh, cây xấu, chừa 3 cây/hốc để bảo đảm mật độ trồng từ 40 - 45 cây/m2. 2.5 Phân bón và cách bón phân+ Phân vô cơ Công thức phân nguyên chất thường dùng:
+ Phân bón lá Có thể kết hợp phun phân bón lá và các loại kích thích ra hoa để tăng thêm dinh dưỡng, đây là biện pháp tích cực và hiệu quả để làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Phun 3 lần trước ra hoa từ 5 - 7 ngày, trong thời gian ra hoa và sau khi thu hái đợt 1, phun lúc trời mát. Các loại phân có thể sử dụng là Headline 250; Atonik 1.8 DD, Grow more. Nồng độ và liều lượng áp dụng theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
+ Phân hữu cơ Có thể bón bổ sung phân chuồng hoai hoặc Phân Hữu cơ Vi sinh từ 5 - 10 tấn/ha cho đậu xanh đối với những chân đất có kết cấu rời rạc, độ phì thấp ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Rải đều phân trước khi làm đất hoặc làm cỏ xới xáo lần 1. 2.6 Làm cỏ+ Làm cỏ: Phải bảo đảm ruộng luôn sạch cỏ, tránh tranh chấp dinh dưỡng với cây trồng.
Cần bảo đảm ruộng sạch cỏ trước khi cây ra hoa (28 - 32 ngày sau mọc) để chuẩn bị cho cây khép tán, sau khi cây ra hoa và khép tán không nên làm cỏ vì sẽ dể gây rụng hoa, giảm tỷ lệ đậu trái và tổn thương cây. Đối với đất không có điều kiện làm cỏ (trường hợp gie o sạ): Sau khi gieo cần phun thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm như Ronstar 25 EC (vụ trước trồng lúa) hoặc Dual 720 EC. Phun Onecide 15 EC (thuốc cỏ hậu nảy mầm) khi ruộng có cỏ non từ 2 - 5 lá, với điều kiện đất phải đủ ẩm Tuy nhiên, cần hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ cho đậu xanh. 2.7 Tưới và tiêu nướcTrong mùa mưa không cần phải tưới ngoại trừ trường hợp gặp hạn hán. Trong mùa khô, (Vụ Đông Xuân và Xuân Hè) tuỳ theo điều kiện thời tiết, đất đai, đồng ruộng để xác định chế độ tưới. Thông thường tưới từ 5 - 7 ngày/lần, và tưới từ 5 – 6 lần/chu kỳ sinh trưởng, tuyệt đối không để cây thiếu nước trong thời kỳ chuẩn bị ra hoa và ra quả tập trung (25 - 35 ngày). Có thể tưới thấm, tưới tràn với điều kiện có lên liếp, không nên tưới tràn đối với những ruộng nhiễm phèn, không lên liếp. Chủ động bố trí các mương, rãnh thoát nước trong mùa mưa trên những khu đất thấp để tiêu thoát nước kịp thời khi gặp những cơn mưa lớn kéo dài. 2.8 Phòng trừ sâu bệnhĐậu xanh cũng như các cây trồng khác có nhiều loại sâu bệnh gây hại, thường có những loại sâu bệnh gây hại chính sau đây: 2.8.1 Sâu hại+ Dòi đục thân (Ophiomyia phaseoli): Thường xuất hiện khi cây còn non khoảng 10 - 12 ngày sau mọc. Ruồi trưởng thành đẻ trứng trên nách lá, trứng nở ra dòi, dòi đục vào thân ăn dần đến phần gốc tiếp giáp với mặt đất, ban đầu còn non dòi có màu trắng sữa sau đó hoá thành nhộng có màu nâu, dài khoảng 0,2cm. - Cách gây hại: Làm nghẹt mạch dẫn, cản trở việc hút dinh dưỡng của cây, làm cho cây còi cọc, chậm phát triển, các lá non có hiện tượng rủ xuống giống như bệnh héo rũ. Dòi thường phát triển nhiều ở những chân đất có nhiều xác bả thực vật chưa phân huỷ hoặc trong vụ Đông xuân và đầu vụ mùa mưa khi gặp hạn. - Cách phát hiện: nhổ cây con, chẻ đôi gốc thân hoặc lột phần vỏ của thân phần tiếp giáp với mặt đất để quan sát. - Biện pháp phòng trừ: Dùng Vibasu 10H, liều lượng 10-15 kg/ha, rải khi gieo hạt, hoặc phun kỹ vào gốc đậu ở thời điểm 5 - 7 ngày sau khi cây mọc bằng các loại thuốc như: Padan, Fenbis 25 EC, Sherzol.
- Rầy xanh (Empoasca fabae): rầy có màu xanh nhạt, nhỏ, bay gần. - Cách gây hại: Thường xuất hiện dưới biểu bì lá non trong suốt chu kỳ sinh trưởng, rầy hút nhựa ở lá tạo thành các đốm nhỏ trắng nhạt ở dưới biểu bì lá làm lá co rúm, mép lá quăn lại không bình thường, cây sinh trưởng kém. - Biện pháp phòng trừ: Điều tra mặt dưới lá đặc biệt chú trọng giai đoạn cây con (10 - 20 ngày sau mọc). Phun các loại thuốc Supracide, Fenbis 25 EC, Bassa.
+ Rệp dính, rệp muội (Aphis medicaginis): Thường xuất hiện khi cây trưởng thành, chuẩn bị ra hoa hoặc đang ra hoa kết quả (25 - 35 ngày sau mọc) và những lúc thời tiết nắng hạn lâu ngày. - Cách gây hại: Rệp có màu đen nhỏ bám thành đàn trên đỉnh sinh trưởng và lá non hút nhựa làm ngọn và lá xoăn lại, ngăn cản và hạn chế quá trình ra hoa kết quả, rệp thường phá hại từng đám nhỏ và cứ thế lây lan qua những cây khác nếu không diệt trừ. - Biện pháp phòng trừ: khi phát hiện có rệp trong ruộng đậu, nếu chưa có điều kiện để phun toàn bộ thì chỉ cần phun cục bộ (phun những vùng đang có rệp chích hút) bằng các loại thuốc trừ sâu bình thường như: Fenbis 25 EC, Bassa, Fastac 5 EC
+ Nhện đỏ (Tetranychus sp.): Thường xuất hiện trong những lúc nắng hạn, vụ mùa khô. Nhện rất nhỏ, màu đỏ, bám thành ổ ở mặt dưới lá, mắt thường khó phát hiện. - Cách gây hại: nhện chích hút làm lá xoăn lại, các mép lá bị cong, lá co rúm khô vàng, tác động giống như rầy xanh. Nhện hút dinh dưỡng làm lá bị biến dạng, cây chậm phát triển ảnh hưởng đến quá trình ra hoa đậu quả. Biện pháp phòng trừ: Khi thấy lá đậu co rúm, mép lá quăn không bình thường cần điều tra xem kỹ dưới biểu bì lá, phun ngay bằng các thuốc: DC - Tronplus, SK - Enspray 99 EC, Supracide, Comite.
+ Sâu cuốn lá (Lamprosema indicata): Xuất hiện suốt chu kỳ sinh trưởng của cây. Sâu màu xám có sọc trên lưng. - Cách gây hại: sâu cuốn nhiều lá lại thành tổ có màng bao phủ, gặm biểu bì lá, làm giảm diện tích và cường độ quang hợp, thường ít gây nguy hiểm tuy nhiên cũng phải diệt trừ để khỏi phát thành dịch. - Phòng trừ: phun các loại thuốc Hopsan, Karaté, Fenbis 25 EC, Sapen Alpha.
+ Sâu xanh (Helicoverpa armigera Hubner): Xuất hiện suốt chu kỳ sinh trưởng - Cách gây hại: ăn khuyết mặt lá hạn chế quá trình quang hợp, sâu tuổi lớn có thể ăn cả trái non. Do sâu có tốc độ sinh sản nhanh nên có thể phát triển thành dịch đặc biệt trong vụ mùa khô. - Phòng trừ: Nên điều tra phát hiện để phòng trừ kịp tời khi sâu còn non (tuổi 1-2) phun bằng các loại thuốc Secure 10 EC, Biocin 16 WP, Fenbis 25 EC, Cyrux 5 EC.
+ Sâu đục quả (Maruca testulalis): Xuất hiện trong giai đoạn ra hoa và đậu quả. Con trưởng thành đẻ trứng lên các búp hoa hoặc nách lá non, trứng nở thành sâu non màu hồng tím, trên đầu có chấm đen. - Cách gây hại: Sâu non đục vào quả ăn hạt, làm rổng hạt từ khi hạt phình to đến vào chắc, hoặc đục vào hoa làm tổ kéo các hoa khác lại dính chùm với nhau, ăn mất đài hoa làm hoa không thể đậu trái được. Nếu bị thiệt hại nặng có thể mất khoảng 60 - 70% sản lượng. - Phòng trừ: Đây là một loại sâu được coi là hiểm hoạ của những người trồng đậu xanh, vì sâu luôn chui vào hoa và quả do đó rất khó thấm thuốc và diệt trừ đồng thời khi mới phá hại rất khó phát hiện, do đó phải xác định biện pháp phòng là chủ yếu. Có 3 lần phun cơ bản (có thể kết hợp với phân bón lá).
Tuỳ theo tình trạng gây hại trên đồng ruộng để có những biện pháp phòng trừ cụ thể, nếu sâu phát triển thành dịch thì có thể rút ngắn thời gian phun, nên gieo đúng thời vụ, chú trọng nhất là vụ Đông xuân và Xuân hè. Các loại thuốc có thể sử dụng là Motox 5 EC, Hopsan, Karaté.
+ Mọt đục hạt: (Callosobruchus chinensis) Xuất hiện trong quá trình tồn trử hạt giống. Thông thường nếu bảo quản và tồn trữ hạt với ẩm độ hạt cao đều dể bị mọt phá hại hơn và ngược lại, mọt sinh sản rất nhanh và nếu đã bị nhiễm thường khó trị vì trứng mọt luôn nằm trong các ngỏ ngách kho tàng.
- Cách gây hại: Mọt đẻ trứng từ ngoài đồng và bám vào hạt, đục rổng hạt và hoá nhộng sau đó trưởng thành và ở luôn trong hạt. Đậu bị mọt sẽ giảm phẩm cấp nghiêm trọng và không thể nảy mầm được. Biện pháp phòng trừ: Phơi khô hạt đạt ẩm độ 12 %, để nguội hạt từ 4 - 6 giờ trước khi cho vào chum vại, bao bì. Trong điều kiện giữ giống ở phạm vi nông hộ thì nên bảo quản trong chum vại để nơi thoáng mát. Kho tàng bảo quản phải thông thoáng, kiểm tra thường xuyên, xử lý kho bằng một trong các loại thuốc Bathurin D; Gu chong jing 25 DP; Actellic 2 D, 50 EC; Sumithion 3. Tóm lại, đối với đậu xanh về sâu hại cần chú ý những đối tượng sau đây để có biện pháp phòng ngừa tốt: Dòi đục thân (Ophiomyia phaseoli); Sâu xanh (Helicoverpa armigera Hubner); Sâu đục quả (Maruca testulalis); Rầy xanh (Empoasca fabae); Mọt đục hạt (Callosobruchus chinensis). 2.8.2 Bệnh hạiĐậu xanh thường xuất hiện các bệnh chính sau đây:
+ Bệnh Vàng lá (Mungbean Yellow Mosaic Virus): thường xuất hiện giai đoạn trước thời gian ra hoa trở đi, Bọ phấn hay còn gọi là Bướm cánh trắng (Bemisia tabaci) và rầy rệp là môi giới truyền bệnh. - Triệu chứng: Ban đầu lá non có những đốm vàng về sau lan dần ra cả lá và các lá ở tầng cao, sau đó nhiễm qua trái non làm trái bị vàng và cong ngược lên (giống như sừng trâu), trái hoàn toàn lép không có hạt. Khi một cây bị bệnh bọ phấn và rầy rệp sẽ chích hút từ cây này lan truyền qua cây khác, nếu không hạn chế sự lây lan sẽ bị thất thu năng suất nghiêm trọng. - Biện pháp phòng trừ: Hạn chế sự phát triển của bọ phấn và rầy rệp bằng các loại thuốc Fenbis 25 EC, Supracide, Pyrinex. Nhổ bỏ cây bệnh đốt tiêu huỷ.
+ Bệnh đốm lá (Cescospora canescens.): Xuất hiện từ khi có lá thật (10 -12 ngày sau mọc) đây là bệnh phổ biến trong điều kiện không khí nóng ẩm, thường nhiễm trên tất cả giống đậu xanh hiện nay. Giống nào bị nhiễm sớm thì thường rụng lá sớm, cho năng suất thấp, bệnh nhiễm phổ biến từ giai đoạn ra hoa trở đi. - Triệu chứng: Ban đầu vết bệnh là một đốm nhỏ màu nâu vàng hoặc nâu, sau đó chuyển thành màu nâu đen có tâm màu trắng xám, vết bệnh có thể liền nhau và lan rộng khắp bề mặt của lá làm giảm diện tích quang hợp. - Biện pháp phòng trừ: Bón phân cân đối đúng liều lượng, gieo trồng mật độ hợp lý, ruộng đậu phải thông thoáng, thoát nước tốt. Chỉ phun thuốc nếu bệnh phát triển nặng bằng Mancozeb, Carbendazim, Champion.
+ Bệnh héo cây con (Rhizoctonia solani): xuất hiện trong điều kiện mưa nhiều, ẩm độ cao, nấm lan truyền trong đất và xác bã thực vật, bệnh nhiễm từ giai đoạn cây con. - Triệu chứng: nấm bệnh có vệt màu nâu tối và đen trên phần thân cây giáp mặt đất làm cho thân cây khô thắt lại, gây thối cổ rễ. Bệnh nặng gây cho thân vàng úa, lá héo rủ, cây non đổ rạp. - Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, đốt tiêu huỷ tàn dư thực vật, cày ải, phơi đất trước khi gieo trồng, tạo điều kiện cho đất tơi xốp và thoát nước tốt. Dùng các loại thuốc như Validacin, Carbendazim phun xịt khi cây mới chớm bệnh. 3. Thu hoạch và bảo quảnThu hoạch lúc nắng ráo, thu đợt 1 khi có tỷ lệ trái chín 70 - 80%, nên thu tập trung để tiện chăm sóc, sau khi thu đợt 1 có thể phun phân bón lá và các chế phẩm kích thích ra hoa để giữ được bộ lá xanh lâu và tăng cường tỷ lệ đậu quả cho đợt thu sau. Trong mùa nắng có thể để trái chín hoàn toàn thu cùng một đợt nhưng không được để tách hạt ngoài đồng. Phơi mỏng dưới nắng sau 2 - 4 giờ, đập tách hạt và làm sạch. Có thể phơi khô trái từng đợt thu, bảo quản trong bao PP rồi đập tách hạt sau.
Hạt đậu xanh rất dể bị mọt, nếu muốn để lại làm giống cần phải phơi hạt khô đạt ẩm độ 12% để nguội 4 - 6 giờ và bảo quản riêng. Bảo quản trong điều kiện nông hộ thì dùng chum vại, để dưới và trên lớp hạt một lớp tro bếp dày từ 1 - 2 cm, đậy kín.
4. Phương pháp chọn và giữ giống trong điều kiện nông hộCần có các biện pháp chọn và giữ giống để duy trì những đặc tính tốt của giống trong sản xuất, tránh sự thoái hoá nhanh của giống. Áp dụng tiêu chuẩn 4 tốt: ruộng tốt, cây tốt, trái tốt và hạt tốt. Khử lẫn sau khi mọc 5 - 7 ngày và trước khi ra hoa (28 - 32 ngày). Có thể chọn đám, chọn hổn hợp hoặc chọn cá thể, thu hoạch, tách hạt, phơi khô bảo quản riêng để duy trì các tính trạng tốt cuả giống. [1] Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật NN Miền Nam 2. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ thuộc Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm. |
Trở lại In Số lần xem: 20785 |
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|