Quy trình kỹ thuật canh tác ngô lai trên vùng đất lúa chuyển đổi tại đồng bằng sông Cửu Long
Thứ hai, 14-12-2015 | 14:32:27
|
||||||||||||||||
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam và Công ty TNHH Dekalb Việt Nam
Thời vụ: Thời vụ chuyển đổi chính: Vụ Đông Xuân: 20/10-25/12; Xuân Hè: 01/02-20/03; Hè Thu: 20/4-15/6 (lưu ý chọn giống ngắn ngày để tránh lũ).
Giống: Giống ngô trồng trên đất lúa chuyển đổi phải đạt: Thời gian sinh trưởng từ chín trung bình đến chín sớm; Rễ chân kiềng khỏe, chống đổ ngã; Chống chịu úng, chịu bệnh đốm lá, gỉ sắt, khô vằn; Chịu mật độ cao, phù hợp trên đất phèn nhẹ, ít mặn; Tán lá gọn, chịu trồng dày; Khả năng kết hạt tốt, sạch bệnh; Tiềm năng năng suất cao.
Làm đất: Trên các chân đất cát pha, đất xám bạc màu có thể làm đất theo phương pháp cày bừa, san phẳng ruộng. Trên các chân đất thịt, đất phù sa áp dụng hình thức tỉa chay- không cần làm đất. Trước khi thu hoạch lúa Đông Xuân 10-15 ngày, tháo cạn nước, để đất đủ độ ẩm, tranh thủ thời vụ gieo ngay không cần tưới nước. Trường hợp ruộng khô quá có thể tưới tràn làm mềm đất trước khi gieo hạt. Xử lý rơm rạ hoặc thân cây ngô vụ trước bằng Trichoderma, dọn sạch cỏ ở ruộng kể cả bờ bao, bằng cách phun thuốc trừ cỏ. Xử lý đất bằng regent hoặc basudin 10 H, với lượng 25 kg/ha, rải trước gieo hạt để trừ dế, kiến và phòng tránh sâu ăn tạp. Nếu ruộng ngô dễ bị úng ngập, phải lên liếp (lên luống). Làm rãnh mạng xương cá và thiết lập hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh, giúp thoát nước triệt để khi có mưa và tưới nước cho ngô trong suốt vụ. Mặt liếp rộng 120 cm, rãnh rộng 20 cm - sâu 30 cm. Hàng gieo rộng 65-70 cm (2 hàng trên mỗi luống).
Phương thức làm rãnh thoát nước: Vụ Đông Xuân: Nếu những vùng đất thấp thì tiến hành làm rãnh: Bề mặt liếp: 1,0 m, rãnh thoát nước: 20 cm, chiều sâu rãnh thoát nước: 20-30 cm. Vụ Xuân Hè và Hè Thu: bắt buộc phải làm rãnh thoát nước: Bề mặt liếp: 1,2 m, rãnh thoát nước: 20 cm, chiều sâu rãnh thoát nước: 20-30 cm.
Gieo hạt: Vụ Đông Xuân, Xuân Hè mật độ 89.000-95.000 cây/ha, hàng cách hàng 60-65 cm, cây cách cây 18 cm (mỗi hốc gieo 1 hạt); hoặc gieo hàng cách hàng 65-70 cm, hốc cách hốc 35-40 cm, mỗi hốc gieo 2 hạt (không tỉa). Vụ Hè Thu mật độ 77.000-87.000 cây/ha, hàng cách hàng 65-70 cm, hốc cách hốc 18-20 cm (mỗi hốc gieo 1 hạt); hoặc gieo hàng cách hàng 60-65 cm, hốc cách hốc 35-40 cm, mỗi hốc 2 hạt (không tỉa). Nếu độ phì đất tốt, đủ điều kiện quản lý sâu bệnh, tưới nước, giống thích hợp trồng dày và chăm bón đầy đủ thì trồng ở mật độ cao. Ngược lại thì trồng ở mật độ thấp hơn.
Kỹ thuật gieo hạt: Trên các chân đất không cần làm đất: sau khi rút hết nước, có thể dùng máy rạch hàng để tạo rãnh bỏ hạt. Gieo độ sâu từ 2-3 cm, đất ẩm gieo nông hơn, đất khô gieo sâu hơn. Sau gieo, lấp đất lại. Trên các chân đất đã lên liếp: sử dụng chọc lỗ bỏ hạt ngay trên liếp, chọc xuống đất với độ sâu 2-3 cm, đất ẩm gieo nông hơn, trộn phân hoặc tro đậy hạt, hoặc gạt gốc rạ đậy hạt. Sau gieo nên tủ rơm rạ (đã xử lý Trichoderma) lên mặt ruộng để hạn chế cỏ dại, giảm bốc thoát hơi nước, tiết kiệm lao động tưới. Lưu ý không sử dụng rơm rạ trên ruộng lúa trước đó bị nhiễm bệnh khô vằn để tủ cho ngô.
Phân bón: Liều lượng phân cho 1 ha: lượng nguyên chất: 160 – 200 kg N + 80 – 100 kg P2O5 + 80 – 100 kg K2O. Nếu độ phì đất tốt, đủ điều kiện quản lý sâu bệnh, tưới nước, giống thích hợp trồng dày, chăm sóc kịp thời, trồng ở mật độ cao, tiềm năng năng suất cao thì bón ở mức cao. Ngược lại thì bón ở mức thấp. Có thể áp dụng 1 trong 3 công thức sau:
Cách bón
- Nên bổ sung phân hữu cơ (đặc biệt là nhóm đất không được phù sa bồi đắp hàng năm): 5-7 tấn/ha phân chuồng, nếu không có phân chuồng có thể thay thế bằng phân vi sinh với lượng là 2-3 tấn/ha.
Tưới nước & quản lý nước: Luôn đảm bảo đủ ẩm cho ngô, nhưng không đọng vũng nước sau mưa hoặc sau tưới. Tưới nước nên kết hợp với các kỳ bón phân. Trong mùa mưa, cần hết sức lưu ý thoát nước kịp thời cho ngô, tránh để ngô bị ngập quá 24 giờ vì năng suất sẽ bị giảm đáng kể. Từ khi gieo đến 20 ngày tuổi, nếu đất có đủ độ ẩm, không cần tưới nước. Nếu cây con có biểu hiện thiếu nước (lá nhỏ, lá quăn) phải tưới bổ sung bằng kỹ thuật tưới phun (sử dụng máy cole có gắn vòi sen tưới nước). Sau 20 ngày tuổi đến khi thu hoạch có thể tưới tràn. Bơm nước theo các đường rãnh trên ruộng, quan sát thấy nước tràn giáp bề mặt đất tiến hành rút nước triệt để ra ngay khỏi ruộng. Cần tưới từ 5-7 lần trong suốt quá trình từ gieo đến sau trỗ 20 ngày, tùy theo điều kiện đất đai và mức độ hạn trong vụ.
Quản lý cỏ dại: Sau khi gieo, lấp tro hoặc trấu xong, có thể dùng thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm phổ biến hiện nay trên thị trường như Mezine 80WP, với liều lượng sử dụng là 2,5-3,0 kg/ha, pha với 400 lít nước. Nếu ruộng vẫn còn cỏ sau khi mọc thì phun thuốc trừ cỏ hậu nẩy mầm Gramoxone 20SC, với liều dùng 3 lít/ha, pha với 400 lít nước, lưu ý khi phun cần gắn phễu chụp để tránh thuốc dính vào cây bắp.
Phòng trừ sâu bệnh: Theo dõi phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời trong quá trình cây bắp sinh trưởng phát triển. Thời kỳ cây con, lưu ý có thể thấy sâu xám, sâu ăn tạp. Sau đó có thể thấy sâu đục thân, sâu đục trái. Rệp rầy có thể gây hại khi cây bắp chuẩn bị trỗ cờ đến tung phấn xong. Phòng trừ theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật tại địa phương.
Thu hoạch và sơ chế: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm là điều kiện cho nấm mốc phát triển. Do các vi sinh vật gây hại gây ra tổn thất lớn cho nông sản ở giai đoạn sau thu hoạch, trong đó do nấm mốc chiếm một phần đáng kể. Ngoài việc gây tổn thất về lượng ngô, nấm mốc còn sinh ra các độc tố đặc biệt nguy hiểm với sức khỏe cho con người và động vật kinh tế. Độc tố aflatoxin do Aspergillus flavor, Aspergillus parasiticus và Aspergillus monimus tạo ra là độc tố nguy hiểm nhất và thường nhiễm trên ngô, gây ngộ độc cho người và gia súc, như gây tác dụng cấp tính, gây tổn thương (ung thư gan), thậm chí với liều lượng cao có thể gây tử vong. Vì vậy khi thu hoạch ngô cần hết sức lưu ý:
+ Thu hoạch khi ngô chín hoàn toàn hoặc chín sinh lý (dấu hiệu chín sinh lý khi chân hạt có vết đen hoặc 75% số cây có lá bi khô), độ ẩm đạt 28-30% là có thể thu hoạch. Có thể thu hoạch muộn hơn nếu thời tiết cho phép. + Phơi nắng hoặc sấy đến khi ẩm độ hạt còn 14-15% thì đóng bao cất trữ nơi thoáng mát, khô ráo.
Áp dụng cơ giới hóa: Đối với sản xuất ngô tại ĐBSCL, có thể sử dụng các máy công cụ lắp theo các đầu máy kéo, đó là máy lên liếp, máy thu hoạch. Có thể sử dụng công cụ gieo hạt, máy tách hạt. Có thể cải tiến lò sấy lúa sang sấy ngô tại ĐBSCL. |
||||||||||||||||
Trở lại In Số lần xem: 5270 | ||||||||||||||||
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|