Kết quả nghiên cứu về cây trụ tiêu
Thứ năm, 05-05-2016 | 15:13:44
|
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Phòng NC. Cây công nghiệp, IAS
Trụ tiêu là nơi để cây tiêu leo bám trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển nên trụ tiêu đóng vai trò quyết định trong đời sống cây tiêu và chi phí cho trụ tiêu chiếm tỉ trọng khá lớn trong chi phí thiết lập vườn tiêu mới. 1. Một số kết quả nghiên cứu về cây trụ choái trên thế giớiẤn Độ là nước trồng tiêu lâu đời nhất, với nhiều hình thức canh tác khác nhau như chuyên canh, trồng trong vườn gia đình, trồng kết hợp trong các đồn điền cây công nghiệp, cây ăn trái. Ở Ấn Độ, cây trụ gỗ vẫn còn được sử dụng phổ biến, bên cạnh đó cây tiêu được cho leo lên một vài loài cây trụ sống như cau (Areca catechu), vông, đỗ quyên, sồi lá bạc. Trồng hồ tiêu bằng trụ cau là mô hình đa dạng hoá sản phẩm vườn tiêu hiệu quả vì cau là sản phẩm có giá trị và được sử dụng phổ biến ở Ấn Độ (Sadanandan, 1974).
Ở Indonesia, trụ trồng tiêu chủ yếu là trụ gỗ, các bức tường gạch, một số vùng trồng tiêu với cây trụ sống như keo dậu, anh đào, cây gòn và cây ăn quả. Cây trụ chết tại Indonesia được sử dụng phổ biến trong các vùng trồng tiêu như Bangka và tây Kalimantan. Ở Sarawak (Malaysia), tiêu được trồng chủ yếu với trụ gỗ (thường được gọi là gỗ thép Borneo), hiện đang có chương trình khuyến khích dùng trụ sống thay cho trụ gỗ (Lau, 2005).
Ở Sri Lanka sử dụng cả hai loại trụ sống và trụ chết cho cây tiêu. Cây trụ sống như: Glyricidia sepium, cây xoài, cây mít, cây cau. Trồng cây anh đào làm cây trụ sống trước khi trồng tiêu khoảng sáu tháng. Cây trụ chết cũng góp phần cho sự sinh trưởng và phát triển của cây tiêu như cây Eucalyptus (Eucalyptus citrdora hoặc Eucalyptus microcorus) nhưng loại cây này không được sử dụng rộng rãi vì mối mọt tấn công nhiều và quan trọng là cây có thể bị gãy là ảnh hưởng đến năng suất cây tiêu (George và ctv, 2005).
Trồng tiêu trên cây trụ sống làm giảm tỷ lệ bệnh đen trái (Wong và ctv, 2002). Hai loại cây trụ sống: cây anh đào (Gliricidia sepium) và cây vông (Erythrina indica) được khuyến cáo thay thế cho trụ gỗ cho cây tiêu. Dây tiêu leo bám lên cây trụ sống có tỷ lệ bệnh thấp hơn là phát triển trên cây trụ gỗ, kết quả làm tăng năng suất tiêu (Paulus và ctv, 2004). 2. Kết quả nghiên cứu về cây trụ choái tại Việt NamCây tiêu là cây leo bò nên cần có trụ để cho tiêu bám, vật liệu dùng làm trụ tiêu trong sản xuất khá phong phú nhưng mức độ phổ biến của từng loại trụ tại các vùng điều tra rất khác nhau. Sự khác biệt này chịu tác động bởi nguồn vật liệu làm trụ sẵn có tại chỗ, khả năng đầu tư của từng địa phương và cả điều kiện khí hậu từng vùng. Tiêu là cây leo bám nên trụ tiêu là một phần quan trọng trong toàn bộ đời sống của cây tiêu. Trong thực tế sản xuất hồ tiêu nước ta, hồ tiêu được trồng trên nhiều loại trụ khác nhau là trụ gỗ, các loại cây trụ sống, trụ bằng gạch hoặc bê tông. Nhà vườn thường ưa trồng tiêu trên trụ gỗ chết vì cho rằng tiêu leo bám, phát triển tốt trên trụ gỗ, không bị cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng như khi trồng trên cây trụ sống, hoặc không bị nóng dây tiêu như khi sử dụng trụ làm bằng vật liệu xây dựng.
Nguồn gốc nguyên thủy của cây tiêu sống dưới tán rừng nên bản chất cây tiêu là cây ưa ánh sáng tán xạ, do vậy quá trình quang hợp của cây chỉ thực hiện tốt trong điều kiện có che bóng. Trồng tiêu trên cây trụ sống sẽ tạo được tiểu môi trường phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây tiêu. Cây dùng làm trụ tiêu phải thỏa mãn các yêu cầu sau: - Cây có đời sống lâu, sinh trưởng nhanh, khỏe, thân cứng và thẳng, ít bị sâu bệnh. Cây ít phân cành hoặc có vị trí phân cành cao. - Cây có vỏ tương đối nhám để tiêu dễ bám và không tróc vỏ hàng năm. - Bộ rễ ăn sâu để ít cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu ở lớp đất mặt và để khỏi bị đổ ngã. Nếu chọn cây thuộc bộ đậu càng tốt, vì cây có thể bổ sung thêm đạm cho đất. - Cây có tán lá thưa, ít che sáng, có khả năng chịu xén tỉa nhiều lần.
Cây trụ sống có thể trồng bằng cành hoặc bằng hạt. Trồng bằng cành có ưu điểm là có thể sử dụng cành lớn để trồng nhưng lại ít chủ động trong nhân giống cành để lập vườn tiêu và tỷ lệ cành chết cao khi trồng gặp hạn. Cây trụ sống trồng bằng hạt trong những năm đầu thường sinh trưởng chậm nên không đáp ứng kịp thời cho nhu cầu leo bám của cây tiêu, thường phải trồng trước khi trồng tiêu 2 - 3 năm, do vậy làm chậm tiến độ sản xuất.
Tại những vùng trồng tiêu lâu đời ở Việt Nam nông dân thường thích sử dụng trụ gỗ vì cho rằng tiêu leo bám dễ dàng, không bị cạnh tranh về nước, dinh dưỡng, ánh sáng như khi trồng trụ sống và không bị nóng làm tiêu tàn lụi sớm như khi trồng với trụ bê-tông hoặc bồn gạch xây. Tuy vậy, thực tế sản xuất hiện nay cho thấy tiêu có thể đạt được năng suất cao trên tất cả các loại trụ, miễn là có chế độ chăm sóc phù hợp. Các loại trụ sống rất phong phú như vông (Erythrina spp.), keo dậu (Leucena leucocephala), lồng mức (Wrightia annamensis), đỗ quyên (Gliricidia sepium), mít (Artocarpus heterophyllus), muồng cườm (Adenanthera pavonina), cóc rừng (Spondias pinnata) và gòn (Ceiba spp.) đang được sử dụng ở nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm hiện nay như Đăk Lăk, Bình Phước, Quảng Trị và Phú Yên. Đặc biệt ở Quảng Trị do có gió Lào khô nóng, cây trụ sống thích hợp cho việc trồng tiêu, các thử nghiệm trồng tiêu trên trụ bê-tông và bồn gạch không mấy thành công ở vùng này.
Các kết quả điều tra của Đào Thị Lan Hoa và ctv. (2001; trích dẫn bởi Tôn Nữ Tuấn Nam, 2002) cho thấy tỷ lệ cây tiêu bị vàng lá chết chậm của vườn trồng trên trụ gỗ cao hơn hẳn vườn trồng trên trụ sống. Điều này có thể được giải thích do cây trụ sống đã điều hòa điều kiện tiểu khí hậu trong vườn tiêu như chế độ nhiệt, ẩm độ đất, ánh sáng và vì thế làm giảm sự rối loạn sinh lý của cây tiêu khi chịu ánh sáng trực tiếp của mặt trời.
Theo Nguyễn Tăng Tôn (2005) trồng tiêu trên trụ sống có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với các loại trụ khác như năng suất ổn định, tỉ lệ cây bị bệnh vàng lá có chiều hướng thấp hơn. Chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn so với các loại trụ khác, rút ngắn thời gian hoàn vốn, đạt hiệu quả kinh tế cao cả suốt chu kì của cây tiêu. Các loài cây trụ sống thích hợp để trồng tiêu gồm: keo dậu (Leucena leucocephala), muồng cườm (Adenanthera povonina), muồng đen (Cassia siamea), lồng mức (Wrightia annamensis). Trong thời gian kiến thiết cơ bản không nên rong tỉa trụ sống nhiều làm hạn chế sinh trưởng trụ sống. Trong thời kỳ kinh doanh cần rong tỉa mạnh để đảm bảo năng suất tiêu.
Ở Đông Nam Bộ trước đây trụ gỗ chiếm đa số các vườn trồng tiêu nhưng hiện nay trụ sống chiếm trên 92%, trụ bê tông và gạch xây chiếm tỷ lệ không đáng kể, một số ít dùng để trồng xen vào giữa hai hàng cây trụ sống. Cũng như ở Đông Nam Bộ, ở khu vực Tây Nguyên trước đây trụ tiêu được sử dụng phổ biến nhất là trụ gỗ (trên 80%). Trong những năm qua, tài nguyên rừng cạn kiệt, cùng với chính sách bảo vệ rừng của Nhà nước, việc phá rừng lấy gỗ để làm trụ tiêu không còn nữa cho nên hiện nay đa số nông dân chuyển sang trồng tiêu với cây trụ sống (90%). Cây trụ sống được sử dụng gồm vông (Erythrina sp.), keo dậu (Leucaena leucocephala), lồng mức (Wrightia annamensis), anh đào (Gliricidia sepium), muồng cườm (Adenanthera pavonina), muồng đen (Cassia siamea), mít (Artocarpus heterophyllus). Các loại trụ còn lại chiếm tỷ lệ thấp (10%).
Ở Quảng Trị, trụ tiêu được dùng phổ biến là trụ sống (98%), còn lại các loại trụ gỗ, trụ gạch, trụ bê tông chiếm tỷ lệ rất thấp (2%). Các hộ nông dân ở Quảng Trị chủ yếu sử dụng trụ sống vì vào mùa hè nắng nóng nhiệt độ cao có khi lên đến 40oC nếu dùng cây trụ gạch, trụ bê tông thì cây trụ hấp thụ nhiệt gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu. Cây trụ sống được sử dụng bao gồm lồng mức, cây mít và cà phê mít, vông, núc nác, ươi (Scaphium macropodum), cây hoa sữa (Alstonia scholaris). Trong đó, cây lồng mức chiếm tỷ lệ cao nhất, phần lớn cây con được khai thác từ rừng đem về và một ít ươm từ hạt (Bảng 1).
Bảng 1. Tỷ lệ các hộ sử dụng trụ trồng tại khu vực điều tra
Nguồn: Tổng hợp số liệu điều tra (Nguyễn Tăng Tôn, 2005) 2.1 So sánh hiệu quả cây trụ sốngCây tiêu là cây leo bám nên trụ tiêu đóng vi trò quyết định đối với đời sống cây tiêu. Việc sử dụng trụ cho cây tiêu rất đa dạng như trụ gỗ chết, trụ bêtông, trụ gạch xây và trụ sống. Mỗi loại trụ đều có ưu nhược điểm nhất định, tuy nhiên để đẩy mạnh nghề trồng tiêu trên diện rộng theo hướng bền vững, phù hợp với khả năng đầu tư của người dân, việc sử dụng cây trụ sống là giải pháp thiết thực.
Nguyễn Tăng Tôn và cộng sự (2009) đã thực hiện thí nghiệm so sánh trên sáu loại cây trụ sống bao gồm: lồng mức (Wrightia annamensis), keo dậu (Leucaena leucocephala), muồng đen (Cassia siamea), muồng cườm (Adenanthera pavonina), anh đào (Gyiricidia sepium) và lõi thọ (Gmelina arborea). Các cây được trồng từ hạt gồm keo dậu, muồng đen, muồng cườm. Các cây được trồng từ hom gồm anh đào, lõi thọ và cây lồng mức, cây đưa vào trồng có chiều cao đạt từ 1,2 đến 1,5m. Thí nghiệm được bố trí chính quy trên đất xám tại Bến Cát, Bình Dương, giống tiêu Vĩnh Linh, khoảng cách trồng 2,5 x 3,0m, mật độ 1.330 trụ/ha. Cây tiêu và cây trụ sống được trồng vào năm 2006.
Kết quả theo dõi về sinh trưởng cây trụ choái và sinh trưởng phát triển cây tiêu trên các Bảng sau. Trong sáu nghiệm thức trồng cây trụ sống, cây lồng mức có tỷ lệ cây chết cao nhất khi trồng chiếm 50% so với tổng số cây ban đầu, kế đến là nghiệm thức trồng cây anh đào 33%, các nghiệm thức còn lại tỷ lệ cây bị chết không đáng kể, tỷ lệ cây chết thấp nhất nghiệm thức trồng cây lõi thọ 2%. Trên đồng ruộng, cây lõi thọ sinh trưởng nhanh, thân cây thẳng, đường kính thân phát triển nhanh, các cây còn lại như: cây muồng đen, cây keo dậu và cây muồng cườm có tốc độ sinh trưởng nhanh, cây mọc thẳng nhưng đường kính thân không phát triển nhanh bằng cây lõi thọ.
Bảng 2. Tỷ lệ (%) cây trụ sống bị chết ở các nghiệm thức thí nghiệm
Vào năm trồng đầu tiên, nghiệm thức trồng cây lõi thọ đạt chiều cao cao nhất (351,5cm) không khác biệt so với nghiệm thức trồng cây muồng cườm, keo dậu, muồng đen và rất khác biệt so với hai nghiệm thức trồng cây lồng mức và cây anh đào. Năm 2008 và 2009 chiều cao cây trụ sống giữa các nghiệm thức khác biệt có ý nghĩa thống kê, cao nhất vẫn là nghiệm thức trồng cây muồng đen và không khác biệt so với các nghiệm thức trồng cây lõi thọ, cây keo dậu và cây muồng cườm nhưng lại rất khác biệt với hai nghiệm thức trồng cây anh đào và cây lồng mức (Bảng 3).
Bảng 3. Chiều cao cây trụ sống ở các nghiệm thức thí nghiệm
Ghi chú: Trong cùng một cột các chữ giống nhau thì khác biệt không có ý nghĩa ở mức P<0,05
Qua các năm theo dõi, nghiệm thức trồng cây lõi thọ có đường kính thân cao nhất, đường kính thân thấp nhất là nghiệm thức trồng cây lồng mức và cây anh đào (Bảng 4).
Bảng 4 Đường kính thân cây trụ sống ở các nghiệm thức thí nghiệm
Ghi chú: Trong cùng một cột các chữ giống nhau thì không khác biệt ở mức P<0,05, NS: không sự khác biệt ý nghĩa ở mức P<0,05
Như vậy sau 36 tháng trồng cây trụ sống phục vụ cho việc leo bám của cây tiêu thì nghiệm thức trồng cây muồng cườm và lõi thọ đạt hiệu quả cao nhất thích hợp cho sự phát triển của cây tiêu, cây lồng mức sinh trưởng chậm khả năng phát triển đường kính thân không cao, không đáp ứng được nhu cầu của cây tiêu. Bên cạnh đó, các nghiệm thức khác như cây muồng cườm và cây keo dậu có khả năng phát triển nhanh về chiều cao và đường kính thân nên thích hợp cho cây tiêu. Trong hai năm đầu, chiều cao cây tiêu ở các nghiệm thức không có sự khác biệt về mặt thống kê, chiều cao cây tiêu dao động 158,0-165,2cm (năm 2008) đạt cao nhất ở nghiệm thức trồng cây anh đào, thấp nhất là nghiệm thức trồng cây keo dậu.
Năm 2009, chiều cao cây giữa các nghiệm thức có sự khác biệt có ý nghĩa, nghiệm thức trồng cây lõi thọ đạt cao nhất 275,0cm, không khác biệt so với nghiệm thức trồng cây muồng cườm và khác biệt có ý nghĩa so với các nghiệm thức còn lại. Chiều cao cây tiêu ở hai nghiệm thức trồng cây lồng mức và cây anh đào đạt thấp nhất. Chiều cao và đường kính thân cây trụ là yếu tố quyết định cho sự leo bám của cây tiêu. Sự sinh trưởng của hai cây lồng mức và cây anh đào kém về chiều cao lẫn đường kính thân, giảm khả năng leo bám của cây tiêu. Vì thế, cây tiêu sinh trưởng kém ở hai nghiệm thức này (Bảng 5).
Bảng 5. Chiều cao cây tiêu ở các nghiệm thức cây trụ sống
Ghi chú: Trong cùng một cột các chữ giống nhau thì có khác biệt không ý nghĩa ở mức P<0,05, NS: không khác biệt ý nghĩa ở mức P<0,05
Riêng về đường kính tán tiêu ở các nghiệm thức qua các thời điểm theo dõi có sự khác biệt không có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức p<0,05. Sau 36 tháng sau trồng, đường kính tán tiêu đạt cao nhất ở nghiệm thức trồng cây lõi thọ 75cm, thấp nhất vẫn là nghiệm thức trồng cây lồng mức 70,2cm (Bảng 6).
Bảng 6. Đường kính tán cây tiêu ở các nghiệm thức cây trụ sống
Ghi chú: NS: không khác biệt ý nghĩa ở mức P<0,05
Năng suất cây tiêu trong thí nghiệm so sánh cây trụ sống trong vụ năm 2008 dao động 302-450 kg/ha đạt cao nhất ở nghiệm thức trồng cây lõi thọ và thấp nhất là nghiệm thức trồng cây anh đào. Qua vụ thu hoạch năm 2009, năng suất tiêu tăng lên và dao động trong khoảng từ 656-960 kg/ha, thấp nhất là nghiệm thức trồng cây anh đào, lúc này chiều cao và đường kính cây trụ sống đã phù hợp cho sự leo bám của cây tiêu nên năng suất giữa các nghiệm thức ổn định.
Bảng 7. Các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất cây tiêu trên các loại trụ sống
Ghi chú: NS: không khác biệt ý nghĩa ở mức P<0,05
Kết quả thí nghiệm cho thấy cây trụ sống được trồng từ cây lõi thọ, muồng cườm phù hợp cho sự sinh trưởng của cây tiêu. Các nghiệm thức trồng cây trụ sống từ cây lồng mức và cây anh đào cho cây tiêu sinh trưởng kém. 2.2 Tình hình sử dụng trụ tiêu ở Gia LaiKết quả nghiên cứu gần đây của Tôn nữ Tuấn Nam và Hoàng Thanh Hương (2004) về việc sử dụng các loại trụ tiêu cũng cho thấy thời gian đầu tiêu trồng trên trụ sống phát triển chậm hơn trên trụ chết đó là do chưa có các biện pháp canh tác phù hợp, chưa đảm bảo diện tích leo bám ban đầu cho tiêu. Tuy vậy về lâu dài, trồng tiêu trên trụ sống tỏ ra có nhiều ưu thế vượt trội do năng suất ổn định, điều kiện tiểu khí hậu vườn cây được cải thiện theo hướng phù hợp hơn với yêu cầu sinh lý của cây tiêu, tỷ lệ cây nhiễm bệnh vàng lá có chiều hướng thấp hơn và giữ gìn được độ phì nhiêu đất đai. Khả năng thu hồi vốn đầu tư khi trồng tiêu trên trụ sống nhanh hơn trồng tiêu trên trụ gỗ, trụ bê tông...
Kết quả điều tra của Tôn Nữ Tuấn Nam và cộng sự (2012) tại Gia Lai cho thấy, vật liệu dùng làm trụ tiêu trong sản xuất phổ biến nhất là trụ gỗ, tiếp đến là trụ bê tông, tiêu trồng trên cây trụ sống chiếm diện tích không đáng kể. Mức độ phổ biến của từng loại trụ chịu tác động bởi nguồn vật liệu làm trụ sẵn có tại chỗ và khả năng đầu tư của từng địa phương.
Bảng 8. Tình hình sử dụng trụ tiêu trong sản xuất tiêu ở Gia Lai
+ + +: > 80 % diện tích; + +: 35 - 60 % diện tích; +: < 10 % diện tích
Đăk Đoa là huyện có diện tích tiêu trồng trụ gỗ thấp thất trong các huyện điều tra thì diện tích tiêu trồng trên trụ gỗ cũng chiếm đến 58 %. Bên cạnh các diện tích tiêu trồng trên trụ gỗ thì một số lượng không nhỏ các hộ trồng tiêu đã cho rằng trụ gỗ ngày càng hiếm trên thị trường và giá cả lại cao nên đã chuyển dần sang trồng tiêu trên trụ bê tông với tỷ lệ 37 % số hộ được điều tra. Tiêu trồng trên trụ sống chiếm diện tích không đáng kể khoảng 5 % số hộ điều tra.
Ở huyện Chư Sê và Chư Prông do điều kiện gần rừng, hơn 80 % diện tích tiêu của 2 huyện này đều sử dụng cây trụ gỗ tốt làm trụ. Tiêu trồng trên cây trụ sống chỉ chiếm diện tích khoảng 8 % diện tích điều tra ở Chư Sê. Riêng ở Chư Prông chưa có hộ được điều tra nào trồng tiêu trên trụ sống. Các nông hộ trồng tiêu trên cây trụ sống ở Chư Sê khi được hỏi lý do chọn cây sống làm trụ thì phần lớn hộ cho rằng do điều kiện kinh tế hộ còn khó khăn, thiếu vốn đầu tư mua cây trụ gỗ nên trồng cây sống có chi phí thấp hơn. Hầu như không có hộ nào chọn cây trụ sống vì cho rằng cây sống phù hợp với điều kiện sinh thái của cây tiêu, từ đó giúp vào việc sản xuất bền vững, ổn định hơn. Các loại cây sống được sử dụng làm trụ ở vùng này là cây gòn, keo dậu hạt lớn, lồng mức. Người trồng tiêu ở đây chưa thích sử dụng cây trụ sống để trồng tiêu vì việc chăm sóc vườn tiêu trồng trên cây trụ sống trong những năm đầu phức tạp hơn trồng trên cây trụ gỗ. Các loại trụ trồng bằng cành lớn như gòn, cây muồng đen có thể trồng tiêu cùng năm với trồng trụ, nhưng các loại trụ này có chi phí /trụ khá cao từ 30.000 - 35.000 đ/trụ và nếu trồng không đúng kỹ thuật thì tỷ lệ cây trụ sống được sau khi trồng chỉ vào khoảng 70 %. Các loại trụ trồng bằng hạt như lồng mức, keo dậu… cần phải được trồng trước khi trồng tiêu 1 - 2 năm. Nếu trồng cùng năm phải trồng kèm cây trụ tạm cho tiêu leo khi cây trụ còn nhỏ.
Tài liệu tham khảo- Nguyễn Tăng Tôn và cộng sự, 2005. Nghiên cứu các giải pháp công nghệ và thị trường để phát triển vùng hồ tiêu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Kc.06.11 - Nguyễn Tăng Tôn và cộng sự, 2010. Nghiên cứu tuyển chọn giống và các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến phục vụ phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu. Đề tài cấp Bộ - Tôn Nữ Tuấn Nam, Hoàng Thanh Hương, Bùi Văn Khánh (2004). Nghiên cứu các loại hình trụ tiêu thích hợp để thay thế cho cây trụ gỗ chết nhằm hạn chế nạn phá rừng ở Đăk Lăk. Đề tài khoa học cấp tỉnh. - Tôn Nữ Tuấn Nam và ctv., 2012. Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP tại Gia Lai. - George. C. K., Anandan Abdullah, and Keith Chapman (2005). Pepper production Guide for Asia and the Pacific. IPC. - Lau, J.L.C. 2005. Malaysian pepper industry outlook. Paper presented at Pepper and Spices Outlook held at Caravelle Hotel, Ho Chi Minh City, 30-31 May, 2005. - Paulus AD. et al (2004). The rational use of pesticides and control of residues for pepper production in Malaysia. Journal of the Pepper Industry, volume 1, no 1/2004. - Sadanandan, A.K. 1974. Raise intercrops in arecanut plantation for higher returns. Arecanut and Spices Bulletin, 5:36-39. - Wong, Mee-Hua. 2002. Fungal diseases of black pepper and their management in Sarawak, Malaysia. Paper presented at the Symposium on Pests and Diseases on Pepper. Sarawak, Malaysia, 24 Sep. 2002. |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Trở lại In Số lần xem: 10590 | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|