Xử lý nguồn thải hữu cơ cao bằng mô hình biogas cải tiến và ứng dụng quỹ tín dụng carbon trong bảo vệ môi trường
Thứ bảy, 31-08-2013 | 02:22:46
|
||||||||||
Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi ở nhiều địa phương nước ta phát triển mạnh, nhất là ở các huyện Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường...(tỉnh Vĩnh Phúc) đời sống người dân ngày một đi lên. Đi kèm với việc phát triển chăn nuôi là lượng chất thải phát sinh lớn gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Ngoài lượng chất thải rắn, lỏng, ngành chăn nuôi đóng góp 18% hiệu ứng nóng lên của trái đất do thải ra các khí gây hiệu ứng nhà kính.
Nhiều hộ gia đình đã sử dụng thiết bị khí sinh học (mô hình biogas) để xử lý lượng chất thải phát sinh, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy vậy cho đến nay lượng chất thải này vẫn chưa được xử lý triệt để, đặc biệt dịch thải sau biogas chưa đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường. Vì vậy, cần thiết lập quá trình xử lý hiệu quả chất thải trong thiết bị khí sinh học gắn với việc xử lý dịch thải sau biogas làm giảm cao nhất các khí gây hiệu ứng nhà kính đặc biệt là khí mê tan vào môi trường và tận dụng triệt để nguồn năng lượng phục vụ sinh học, sản xuất.
Mô hình hệ thống biogas cải tiến xử lý tăng cường dịch thải
Xuất phát từ thực tiễn trên, tập thể các nhà khoa học Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên triển khai đề tài Xử lý nguồn thải hữu cơ cao bằng mô hình biogas cải tiến và ứng dụng quỹ tín dụng carbon trong bảo vệ môi trường. Đề tài chủ yếu tập chung nghiên cứu thiết kế mô hình biogas cải tiến quy mô 20-30m3 xử lý thích ứng cho quy mô hộ chăn nuôi của huyện Yên Lạc. Hệ thống hóa các tính toán công nghệ và thiết kế đáp ứng cho quy mô xử lý công suất lớn hơn. Từ đó ứng dụng mô hình biogas cải tiến này tại xã Nguyệt Đức-Yên Lạc-Vĩnh Phúc. Ngoài ra, đề tài còn thiết lập các hướng dẫn kỹ thuật để giảm tải lượng khí nhà kính cho hệ xử lý chất thải chăn nuôi và thực phẩm hàm lượng hữu cơ cao.
Trong quá trình thực hiện, đề tài đã tiến hành điều tra khảo sát trên 4.100 hộ làm nghề chăn nuôi lợn, chế biến thực phẩm và chất lượng môi trường tại huyện Yên Lạc. Trên cơ sở kết quả khảo sát được, đề tài tiến hành xây dựng hệ hầm biogas cải tiến đạt hiệu xuất xử lý cao thông qua các bước sau: tải lượng COD qua bể xử lý UASB tăng cường, giá trị các chất ô nhiễm giảm 75% so với đầu vào; sau khi xử lý tại bể lọc sinh học kết hợp xử lý thuỷ sinh thực vật cây thủy trúc, lượng ô nhiễm đã giảm 40% so với hệ bể UASB; ở hệ cuối giảm tiếp 52% trước khi thải ra ao/rãnh thải; hàm lượng COD tại đầu ra tại ao sinh học là 39 mg/l hiệu quả xử lý đạt 80,5%.
Ngoài thực hiện mô hình, nhóm thực hiện đề tài tham gia phổ biến ứng dụng mô hình biogas vào thực tiễn bằng cách phối hợp tập huấn truyền đạt kinh nghiệm cho địa phương để họ có thêm kinh nghiệm xây dựng biogas và xử lý dịch thải sau biogas. Mô hình được nhiều hộ chăn nuôi đến tham quan và trao đổi kinh nghiệm. Khí sinh học từ hầm biogas của hộ gia đình có thể sử dụng cung cấp nguồn nhiên liệu đốt, đun nấu, giúp giảm chi phí điện năng và nhiên liệu đốt. Hộ gia đình có thể chạy máy phát điện phục vụ thắp sáng và bơm nước.
Nghiên cứu xử lý nguồn thải hữu cơ cao bằng mô hình biogas cải tiến và ứng dụng quỹ tín dụng carbon trong bảo vệ môi trường được doanh nghiệp, người dân, chính quyền địa phương ủng hộ. Hiệu quả chuyển hóa nguồn thải hữu cơ thành nhiên liệu sinh học đã và đang là phương pháp hữu hiệu từng bước giải quyết bài toán ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi, nông nghiệp, thực phẩm theo hướng tăng trưởng xanh, tái sử dụng chất thải và chống biến đổi khí hậu do giảm phát thải khí nhà kính.
Mai Lan - VAST. |
||||||||||
Trở lại In Số lần xem: 1900 | ||||||||||
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|