Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  27
 Số lượt truy cập :  33269209
Lịch sử phát triển & vùng trồng hồ tiêu ở Việt Nam
Thứ sáu, 29-04-2016 | 13:50:58

Nguyễn Tăng Tôn

1. Lịch sử phát triển cây hồ tiêu ở Việt Nam

 

Ở Việt Nam, cây hồ tiêu mọc hoang được tìm thấy từ trước thế kỷ XVI, nhưng đến thế kỷ XVII mới được đưa vào trồng (Chevalier, 1925; Phan Hữu Trinh và ctv., 1987). Đến cuối thế kỷ XIX, hồ tiêu được trồng với diện tích tương đối khá ở Phú Quốc, Hòn Chồng và Hà Tiên (Kiên Giang), chủ yếu do người Hoa gốc ở đảo Hải Nam theo Mạc Cửu di cư vào Hà Tiên. Cũng trong khoảng thời gian này và đầu thế kỷ XX, cây hồ tiêu theo chân các chủ đồn điền người Pháp phát triển tới Bình Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Trị và Quảng Nam (Biard et Roule, 1942).

         

Một vài tài liệu cho thấy trong những năm đầu thế kỷ XX, diện tích hồ tiêu ở Việt Nam (chủ yếu ở Rạch Giá) có xu hướng giảm, từ gần 932 nghìn trụ năm 1910 giảm dần còn 346 nghìn trụ vào năm 1928, sau đó có tăng và đạt gần 544 nghìn trụ vào năm 1937 (Biard et Roule, 1942), với năng suất bình quân gần 1 kg/trụ, cao nhất là 1,33 kg/trụ vào năm 1928. Trong những thập niên 1940-1970 cây hồ tiêu phát triển rộng ra nhiều tỉnh miền Trung và Nam Bộ: Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai, với tổng diện tích khoảng 400ha và sản lượng chỉ dưới 600 tấn/năm (Tappan, 1972; trích dẫn bởi Phạm Văn Biên, 1989).

 

Sau năm 1975, nhất là từ năm 1983 đến năm 1990, do giá hạt tiêu trên thị trường thế giới và trong nước tăng cao, cây hồ tiêu được chú ý mở rộng diện tích, chủ yếu tại vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, đạt gần 9.200ha (FAO, 2000). Giá hồ tiêu cũng nằm trong quy luật biến động theo chu kỳ như giá các nông sản khác, giai đoạn 1991-1995 giá hồ tiêu giảm mạnh, diện tích hồ tiêu cũng giảm theo, dao động trong khoảng từ 6.500-8.800ha. Từ năm 1996, các nước sản xuất tiêu chính như Indonesia, Malaysia, Brazil mất mùa hồ tiêu vì khô hạn do ảnh hưởng của El Nino, cộng với cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực Đông Nam Á vào năm 1997, giá hồ tiêu xuất khẩu tăng liên tục từ 2.000 USD/tấn lên 4.000 USD/tấn vào khoảng giữa những năm 1997-1999, có lúc lên đến 6.000 USD/tấn, tạo cơ hội thuận lợi cho Việt Nam phát triển sản xuất hồ tiêu.

 

Từ năm 1997, diện tích hồ tiêu cả nước tăng liên tục, từ 9.800ha lên 52.500ha (năm 2004), nghĩa là tăng gấp hơn năm lần. Sản xuất hồ tiêu tập trung và tăng nhanh nhất ở vùng Đông Nam Bộ, năm 1997 là 5.893ha, đến năm 2004 đạt 26.900ha (chiếm 51,3% tổng diện tích hồ tiêu cả nước), chỉ riêng tỉnh Bình Phước đã đạt diện tích 13.500ha. Hồ tiêu mới phát triển ở Tây Nguyên sau năm 1975, song đến năm 2004 diện tích trồng hồ tiêu ở vùng này đã vượt 17.980ha, Đăk Lăk vươn lên đứng hàng thứ hai trong số 18 tỉnh có trồng nhiều hồ tiêu với hơn 11.000ha.

 

Năng suất hồ tiêu hầu như không tăng và có sự sai khác lớn giữa các vùng và tỉnh có trồng hồ tiêu. Năng suất bình quân năm 1997 đạt 2,08 tấn/ha, đến năm 2004 cũng chỉ đạt 2,22 tấn/ha. Năng suất hồ tiêu đạt cao nhất ở Đông Nam Bộ (2,43 tấn/ha), trong khi năng suất thấp nhất là ở Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Trung Bộ, chỉ khoảng 1,17-1,32 tấn/ha. Đặc biệt ở hai tỉnh Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu, với tổng diện tích thu hoạch gần 16.000ha đạt năng suất bình quân 2,5-2,6 tấn/ha.

 

Sản lượng hồ tiêu cả nước tăng nhanh chủ yếu do diện tích thu hoạch tăng, từ 13.700 tấn trong năm 1997 tăng lên gần 96.000 tấn trong năm 2004. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2000-2005 không tăng, dao động trong khoảng 120-130 triệu USD/năm, chủ yếu do giá tiêu giảm mạnh và ở mức thấp kể từ năm 2000.

 

2. Các vùng trồng hồ tiêu chính ở Việt Nam

 

Hồ tiêu được trồng từ Nghệ An trở vào phía Nam, tổng số 18 tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu trên 100ha. Hồ tiêu còn được trồng rải rác ở một số tỉnh khác với tổng diện tích khoảng 650ha. Trong số các vùng trồng nhiều hồ tiêu, hai vùng có diện tích hồ tiêu tăng nhanh nhất là Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

 

Ở Đông Nam Bộ, chỉ riêng hai tỉnh Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu, tổng diện tích hồ tiêu đạt khoảng 21.000ha, ba tỉnh Tây Nguyên có diện tích hồ tiêu lớn là Đăk Lăk, Gia Lai và Đăk Nông, tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn ở Bắc Trung Bộ là Quảng Trị và ở Duyên Hải Nam Trung Bộ là Bình Thuận.

 

2.1 Vùng hồ tiêu Bình Phước

 

Điều kiện tự nhiên

 

Bình Phước có tổng diện tích đất tự nhiên 685.700ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 305.604ha, kế đến là đất dành cho lâm nghiệp và các loại đất khác. Theo Vũ Cao Thái và Phạm Quang Khánh (1994), Bình Phước có đủ các loại đất hiện diện ở nước ta bao gồm các loại đất miền đồi núi như đất đỏ, đen, xám đến các loại đất đồng bằng như đất phù sa, đất cát biển. Trong các loại đất trên thì đất đỏ chiếm tỷ lệ khá lớn, đất xám còn màu mỡ nhiều. Đặc điểm đa dạng của đất đai đã tạo nên những vùng sản xuất cây ăn quả cũng như cây công nghiệp truyền thống rất lâu đời trên địa bàn tỉnh.

 

Tỉnh Bình Phước chịu ảnh hưởng của khí hậu gió mùa, với các đặc trưng:

 

- Lượng mưa trung bình hàng năm 2.667 mm, tập trung từ tháng 5 đến tháng 10 (77,9% tổng lượng mưa cả năm).

- Lượng bốc hơi hàng năm 825mm, cao nhất vào tháng 2 và thấp nhất vào tháng 9.

- Độ ẩm trung bình hàng năm 81,7%, độ ẩm cao dần từ tháng 4 và bắt đầu giảm từ tháng 11, tháng có độ ẩm cao nhất là tháng 9.

- Tổng số giờ nắng trong năm 2.309 giờ, tập trung vào tháng 1 đến tháng 5, tháng có số giờ nắng cao nhất là tháng 4.

- Nhiệt độ trung bình hàng năm 26,50C, nhiệt độ cao vào tháng 4, nhiệt độ thấp nhất vào tháng 12.

 

Điều kiện kinh tế xã hội

 

Bình Phước là một trong những tỉnh nằm trong vùng miền Đông Nam Bộ có dân số 783.600 người và mật độ dân số 114 người/km2. Theo niên giám thống kê năm 2004 thì dân số ở vùng nông thôn của tỉnh là 664.500 người chiếm 84,8% dân số của tỉnh. Năm 2004, tổng sản phẩm trong tỉnh đạt khoảng 2.200 tỷ đồng trong đó nông lâm nghiệp chiếm 58,4% kế đến là công nghiệp-xây dựng và dịch vụ.

 

Sản xuất nông nghiệp

 

Cũng như các tỉnh khác ở Miền Đông Nam Bộ, Bình Phước có tổng diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao so với các loại đất khác (305.604ha), hơn nữa ở đây có đủ tất cả các loại đất của khu vực miền Đông Nam Bộ. Đây là một trong những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp nói chung cũng như phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày nói riêng.

 

Diện tích bình quân một hộ dân từ 1-2ha, cá biệt có hộ dân sở hữu đến 100ha. Bình Phước là một trong những tỉnh có địa hình đất đai cao, ít bị ngập trong mùa mưa nên cây công nghiệp dài ngày rất phù hợp và được nông dân đầu tư trồng nhiều. Các cây trồng dài ngày chủ lực trên địa bàn tỉnh hiện nay gồm điều, hồ tiêu, cà-phê, và các loại cây ăn quả như sầu riêng, xoài, nhãn và cam quýt.

 

Sản xuất hồ tiêu

 

Trong năm 2003, diện tích hồ tiêu của tỉnh đạt khoảng 14.195ha, trong đó diện tích thu hoạch 8.350ha, sản lượng đạt 19.010 tấn. Đến năm 2004, diện tích hồ tiêu giảm 4,4% (13.571ha), nguyên nhân là do giá hồ tiêu ở mức thấp trong các năm gần đây và giá vật tư và công lao động tăng cao, ngoài ra sâu bệnh hại cũng là một nguyên nhân gây ra việc giảm diện tích hồ tiêu của tỉnh. Tuy tổng diện tích có giảm nhưng diện tích thu hoạch hồ tiêu tăng 19,6% (10.389ha) trong năm 2004 do các vườn tiêu mới trồng trong khoảng thời gian 1997-2002 đã cho thu hoạch, sản lượng tăng 23,7% (24.933 tấn) so với năm 2003.

 

Ở Bình Phước diện tích trồng hồ tiêu tập trung chủ yếu ở các huyện Lộc Ninh (3.758ha), Bình Long (3.519ha) và Bù Đốp (1.149ha), các huyện còn lại có trồng hồ tiêu nhưng diện tích không đáng kể (Cục Thống Kê Bình Phước, 2005). Diện tích trồng hồ tiêu trung bình/hộ khoảng 0,5-1,0ha tuy nhiên có rất nhiều hộ có diện tích trồng hồ tiêu đạt 2-3ha và cá biệt cũng có hộ lên đến vài chục hec-ta. 

 

2.2 Vùng tiêu Bà Rịa-Vũng Tàu

 

Điều kiện tự nhiên

 

Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo, ảnh hưởng của gió mùa, tổng lượng bức xạ cao và ổn định (bình quân 390-520 cal/cm2/ngày), nhiệt độ cao đều quanh năm, trung bình 27,480C, thấp nhất là tháng 1 (25,70C) và cao nhất là tháng 4 (28,90C), tổng tích ôn 9.2170C/năm, số giờ nắng 2.377 giờ/năm, trong đó các tháng mùa khô có số giờ nắng 193,2-271,5 giờ/tháng, ít bão và sương mù. Đây là những yếu tố thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển cây hồ tiêu.

 

Yếu tố chi phối lớn nhất của khí hậu đối với sản xuất hồ tiêu là mưa và phân bố mưa. Bà Rịa-Vũng Tàu có lượng mưa trung bình năm 1.933mm, tăng dần từ phía Nam lên phía Bắc. Mùa mưa tập trung lượng mưa cao, trong khi mùa khô kéo dài gay gắt nên ảnh hưởng đáng kể đến sinh trưởng của cây cũng như chi phí tưới, thoát nước. Nhìn chung, điều kiện khí hậu thời tiết cơ bản là thuận lợi cho việc phát triển hồ tiêu.

 

Tổng diện tích tự nhiên của Bà Rịa-Vũng Tàu là 197.537ha, với 9 nhóm đất chính, trong đó đất đỏ bazan và đất đỏ vàng chiếm 40,8%, đất xám 14,3% và đất cát biển 10,2%, còn lại là những nhóm đất khác. Đặc tính đa dạng về đất cho phép mở ra triển vọng phát triển được nhiều loại cây trồng, nhất là các cây công nghiệp có giá trị kinh tế.

 

Điều kiện kinh tế xã hội

 

Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dân số năm 2003 là 885.166 người, mật độ trung bình 448 người/km2. Dân số khu vực nông thôn hiện có trên 108.350 hộ với số nhân khẩu 525.991 người, chiếm 57,33% dân số trên địa bàn. Đây là nguồn nhân lực thuận lợi để phát triển trồng cây lâu năm. Tổng sản phẩm GDP năm 2003 của Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 62.000 tỷ đồng, tăng 24,74% so với năm 2002 và nộp vào ngân sách Nhà nước 41.000 tỷ đồng.

 

Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh từ các ngành hoạt động khai thác dầu khí, dịch vụ du lịch, đánh bắt và chế biến xuất khẩu thủy, hải sản. Trong đó phát triển trồng cây lâu năm đã góp phần cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn.

 

Sản xuất nông nghiệp

 

Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng diện tích tự nhiên 198.200 ha, đất phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp là 89.188 ha (chiếm 44,9% diện tích đất), trong đó diện tích đất đỏ bazan 63.934 ha (chiếm 32,36%) có nhiều thuận lợi và tiềm năng lớn để phát triển cây lâu năm. Cũng như các tỉnh khác ở miền Đông Nam Bộ, các cây trồng chính được người dân đầu tư chủ yếu ở Bà Rịa-Vũng Tàu như cây tiêu, điều, cao su, cà phê và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được thị trường tiêu thụ nhiều. Trong các loại cây trồng trên thì cây hồ tiêu chiếm 12% tổng diện tích đất.

 

Sản xuất hồ tiêu

 

Hầu hết các huyện trong tỉnh đều có trồng hồ tiêu (riêng huyện Côn Đảo diện tích không đáng kể). Tuy nhiên, diện tích hồ tiêu tập trung chủ yếu ở một số huyện như Châu Đức (5.330,5ha), Xuyên Mộc (1.244,7ha), Tân Thành (366,5ha), và thị xã Bà Rịa (263,5ha). Đây là những địa phương có diện tích đất đỏ bazan nhiều, thích hợp cho cây hồ tiêu phát triển. Các huyện thị còn lại có diện tích hồ tiêu không đáng kể. Ở Bà Rịa-Vũng Tàu sự chênh lệch về diện tích giữa các hộ, các vùng cũng rất lớn, diện tích bình quân/hộ khoảng 0,4ha. Tổng sản lượng hồ tiêu toàn tỉnh năm 2003 đạt 9.911 tấn, chủ yếu từ các vùng trồng hồ tiêu có diện tích lớn.

 

Diện tích trồng mới hồ tiêu gia tăng nhiều nhất ở huyện Châu Đức (1.192,3 ha), các địa phương khác diện tích trồng mới tăng không đáng kể. Diện tích hồ tiêu bị hủy bỏ chủ yếu ở Xuyên Mộc (188ha) do đây là khu vực nhiễm bệnh chết nhanh do Phytophthora gây chết hàng loạt trong một vài năm trước đây. Một số vườn bị bệnh nặng không khắc phục được buộc phải hủy bỏ và chuyển đổi sang trồng điều.

 

Từ năm 2001 đến nay, diện tích hồ tiêu có xu hướng giảm, từ 8.413ha xuống 7.246ha vào năm 2003. Lý do diện tích giảm là giá hồ tiêu ở mức thấp, không kích thích nông dân trồng mới, và một số diện tích được chuyển sang trồng các cây khác.

 

2.3 Vùng Tây Nguyên

 

Điều kiện tự nhiên

 

Tây Nguyên có khí hậu nhiệt đới gió mùa được chia làm hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa được bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa bình quân hàng năm là 1800mm chủ yếu phân bố trong các tháng mùa mưa. Mùa khô kéo dài 5-6 tháng, do vậy chủ động nước tưới là điều rất cần thiết để mở rộng sản xuất nông nghiệp. Chế độ nhiệt và ẩm nhìn chung thích hợp cho nhiều loại cây trồng phát triển và phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây hồ tiêu. Biên độ nhiệt ngày và đêm cao là điều kiện thuận lợi để tích lũy chất thơm cho một số loại nông sản phẩm.

 

Trên địa bàn Tây Nguyên đất có địa hình đồi dốc chiếm hơn 85%, bề mặt thoáng, ít bị chia cắt, thuận tiện cho việc tổ chức, quản lý và sản xuất nông nghiệp cũng như kinh doanh. Các cây trồng chính ở Tây Nguyên chủ yếu là cao su, cà phê, hồ tiêu và điều. Ngoài ra còn có các loại cây ăn quả, bắp lai, đậu đỗ, lúa.

 

Tây Nguyên có năm nhóm đất chính:

 

- Đất Feralit nâu đỏ phát triển trên đá macma kiềm và trung tính còn gọi là đất bazan, có tầng đất canh tác dày hơn 1m. Tầng A có màu nâu đỏ hoặc nâu thẫm, hàm lượng hữu cơ khá cao, thành phần cơ giới thịt nhẹ hoặc trung bình. Loại đất này khá màu mỡ, thích hợp cho nhiều loại cây công nghiệp và cây ăn quả có giá trị cao.

- Đất Feralit đỏ vàng phát triển trên đá macma acid (Fa), loại đất này phân bố trên các kiểu địa hình núi thấp, bình nguyên và đồi thấp. Tầng đất mặt dưới 50cm, thường có lẫn đá sỏi. Hàm lượng hữu cơ khá, thành phần cơ giới thịt nhẹ hoặc trung bình, đất chua.

- Ba nhóm đất còn lại là Feralit vàng đỏ phát triển trên đá phiến hoặc đá biến chất, đất bồi dốc tụ ven sông hoặc chân núi và đất ngập nước chiếm tỷ lệ thấp.

 

Phần lớn diện tích hồ tiêu được trồng trên đất bazan bằng phẳng hoặc dốc nhẹ. Đây là loại đất lý tưởng cho các cây công nghiệp do có tầng canh tác dày, thoát nước tốt và khá màu mỡ.

 

Điều kiện kinh tế xã hội

 

Khu vực Tây Nguyên có tổng diện tích 54.473km2 với dân số 4.674.200 người và mật độ dân số khoảng 86 người/km2. Dân số ở khu vực nông thôn 3.405.800 người.

 

Theo số liệu thống kê năm 2001, dân số Chư Sê là 112.500 người trong đó dân tộc Kinh chiếm 46,5% còn lại là các dân tộc Ja Rai, Ba Na và các dân tộc khác. Đồng bào Kinh sống tập trung ở thị trấn và các tụ điểm dân cư dọc theo quốc lộ 14, quốc lộ 25. Một bộ phận lớn của dân tộc Kinh là các hộ đi xây dựng kinh tế mới theo kế hoạch và dân di cư tự do từ phía Bắc vào. Phần lớn lao động làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng cà phê, hồ tiêu, làm công nhân trong các nông trường cao su, chăn nuôi và kết hợp buôn bán. Đời sống kinh tế khá cao. Các buôn làng người dân tộc thường ở xa đường giao thông, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, trình độ học vấn thấp, thường sinh hoạt theo phong tục tập quán riêng của từng cộng đồng. Phần lớn các hộ đồng bào dân tộc trồng cây ngắn ngày để tự túc lương thực và thực phẩm, như lúa rẫy, bắp, sắn, bầu bí và rau đậu các loại.

 

Nông lâm nghiệp là hướng kinh tế chủ đạo của huyện Chư Sê, trong đó trồng trọt là lĩnh vực quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn. Chư Sê có địa hình bằng phẳng thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh, có quốc lộ 14 là huyết mạch giao thông và quốc lộ 25 chạy qua thuận tiện cho việc giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa với các tỉnh Duyên Hải miền Trung và các tỉnh phía Nam. Sản phẩm hàng hóa chủ yếu của Chư Sê là cà-phê, hồ tiêu, cao su, thực phẩm và hoa quả. Việc vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện.

 

Đời sống nhân dân Chư Sê ngày càng được cải thiện, thu nhập đầu người bình quân tăng rõ rệt, trong giai đoạn 1999-2000 bình quân tăng 20,1 USD/năm. Thực tế cho thấy ở một bộ phận lớn dân cư đời sống trở nên khá giả, nhiều hộ giàu có vốn sản xuất hàng tỷ đồng. Tuy vậy, một bộ phận khác vẫn ở trong tình trạng nghèo đói, nhất là các hộ người dân tộc có thu nhập bình quân đầu người thấp. Huyện cũng đã có những chính sách hợp lý để thực hiện xóa đói giảm nghèo, đặc biệt chú ý nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc, tăng cường hạ tầng cơ sở cho các xã khó khăn.

 

Sản xuất hồ tiêu

 

Hồ tiêu là cây trồng tạo công ăn việc làm, đem lại nguồn thu nhập chủ lực cho hàng vạn hộ nông dân trên địa bàn huyện Chư Sê. Trong các tỉnh Tây Nguyên, huyện Chư Sê của tỉnh Gia Lai là một trong những huyện có diện tích hồ tiêu lớn nhất vùng. Theo số liệu niên giám thống kê năm 2003, huyện Chư Sê có 1.825ha hồ tiêu với tổng sản lượng 5.020 tấn tiêu đen. Tuy nhiên, diện tích thực tế cao hơn nhiều. Theo ước tính của phòng Kinh tế huyện, số liệu không chính thức về diện tích hồ tiêu lên đến 3.000ha, sản lượng niên vụ 2005 vừa qua ước tính lên đến 10.000 tấn tiêu đen.

 

Hồ tiêu được sản xuất dưới hình thức sản xuất nông hộ với quy mô từ vài trăm trụ đến vài ngàn trụ, trung bình khoảng 1.000-2.000 trụ, cá biệt có hộ trên 10.000 trụ. Tuy vậy số này rất ít và chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng số hộ trồng tiêu của huyện. Do chi phí đầu tư ban đầu rất lớn nên hầu hết nông hộ đều trồng mở rộng diện tích dần qua các năm tiếp theo. Thường trong một vườn tiêu có từ 2-4 độ tuổi. Nhìn chung các vườn tiêu ở Chư Sê còn khá trẻ. Các vườn tiêu trẻ dưới năm tuổi ở Chư Sê chiếm tỷ lệ cao ở một số xã như Nhơn Hòa, IaBlang và Thị Trấn. Chứng tỏ diện tích tiêu được mở rộng khá nhanh trong các năm vừa qua. Các vườn tiêu trẻ sẽ đạt năng suất cao trong các năm kế tiếp và đây sẽ là nguồn cung cấp hồ tiêu dồi dào.

 

2.4 Vùng tiêu Quảng Trị

 

Điều kiện tự nhiên

 

Mùa khô ở Quảng Trị kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 và chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam. Nhiệt độ không khí có lúc lên đến 39-400C, nắng hạn kéo dài gây ra hiện tượng thiếu nước trầm trọng. Mưa tập trung từ tháng 9 đến tháng 11, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên thường có mưa phùn kéo dài sang tận tháng 2 năm sau. Mùa mưa ở đây thường chịu ảnh hưởng của các trận bão lớn ven biển Miền Trung, nhiệt độ không khí giảm làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, đó là đặc trưng khí hậu của Quảng Trị ở các huyện đồng bằng. Riêng huyện Hướng Hoá điều kiện khí hậu có phần ôn hòa hơn vì nó chịu chi phối bởi khí hậu của vùng Tây Trường Sơn. Ở đây mùa mưa đến sớm hơn, mưa rải đều từ cuối tháng 4 đến tháng 11, nhiệt độ không khí trung bình vùng này dao động từ 18,2-25,60C, nhiệt độ cực đại chỉ 35,70C. Tuy nhiên, thời gian có nhiệt độ cao như vậy không kéo dài như một số vùng trồng tiêu khác của Quảng Trị như Cam Lộ, Vĩnh Linh hay Gio Linh, nhiệt độ tối thấp không dưới 120C vào một số ngày của tháng 1, 2, 3 và không kéo dài nên thời tiết khí hậu vùng này khá thuận lợi cho một số cây công nghiệp như cà-phê, hồ tiêu, cao su.

 

Đất trồng hồ tiêu ở Quảng Trị chủ yếu là nhóm đất đỏ vàng hoặc nâu vàng phát triển trên đá bazan. Một số xã ở huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh trồng hồ tiêu trên đất sa phiến thạch và đất dốc tụ. Đất trồng hồ tiêu của các huyện chủ yếu tập trung ở vùng đồi, do vậy huyện nào có diện tích đất đồi nhiều thì huyện đó có tỷ lệ diện tích trồng hồ tiêu so với diện tích đất tự nhiên cao hơn các huyện khác.

 

Diện tích và tỷ lệ diện tích trồng hồ tiêu so với đất tự nhiên chỉ dao động từ 2,56-14,0%. Huyện có diện tích lớn nhất là huyện Cam Lộ (922ha) chiếm 14% đất tự nhiên. Riêng huyện Hướng Hoá mặc dù diện tích đồi núi nhiều, đất tự nhiên và đất nông nghiệp lớn hơn huyện Cam Lộ song diện tích trồng hồ tiêu không lớn vì phần lớn ở đây là đất rừng, đất nông nghiệp so với đất tự nhiên chỉ chiếm 10%, mặt khác tập quán trồng hồ tiêu chưa trở thành truyền thống như các nơi khác, ngoài ra tỷ lệ đồng bào thiểu số khá đông và họ chưa quen với việc trồng trọt các cây công nghiệp lâu năm. Diện tích trồng hồ tiêu ở vùng này tập trung chủ yếu vào các gia đình người Kinh đi xây dựng kinh tế mới.

 

Điều kiện kinh tế xã hội

 

Quảng Trị là một trong những tỉnh nằm ở vùng Duyên Hải miền Trung của Việt Nam với diện tích 4.745km2, dân số khoảng 616.600 người và mật độ dân số 130 người/km2. Theo niên giám thống kê năm 2004 thì dân số ở vùng nông thôn là 466.000 người, đây là một trong những lợi thế để đáp ứng cho nhu cầu lao động của tỉnh nói chung cũng như phát triển nghành nông nghiệp nói riêng.

 

Sản xuất nông nghiệp

 

Quảng Trị có tổng diện tích đất tự nhiên 474.600ha bao gồm đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất chuyên dùng và đất ở. Trong bốn nhóm đất kể trên thì đất dùng cho lâm nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt 33,7% (160.300ha) kế đến là đất dùng cho sản xuất nông nghiệp khoảng 73.800ha, chiếm 15,5% diện tích đất toàn tỉnh. Tuy diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao nhưng diện tích bình quân trên nông hộ lại thấp, khoảng 0,57 ha/hộ. Đối với người nông dân Quảng Trị thì ngoài tập quán trồng các loại cây ngắn ngày như lúa, bắp, khoai, sắn thì các cây trồng lâu năm cũng được người dân đầu tư trồng rất nhiều như cà phê, chè, cao su, hồ tiêu, dâu tằm và thuốc lá.

 

Sản xuất hồ tiêu

 

Diện tích cây hồ tiêu của Quảng Trị năm 2001 là 2.025ha, hàng năm có bổ sung thêm diện tích trồng mới, tuy nhiên việc tăng diện tích của các vùng không lớn, chỉ khoảng 100-200 ha/năm. Diện tích tăng thêm chủ yếu tập trung vào các huyện trọng điểm như Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ, các huyện khác diện tích mở rộng hàng năm không đáng kể. Quy mô diện tích năm 2004 là 2.484ha và gần như ổn định ở con số này. Trong các huyện có trồng tiêu ở Quảng Trị thì huyện Cam Lộ là một trong những huyện có diện tích trồng tiêu lớn nhất, chiếm 14,1% so với đất nông nghiệp. Diện tích trồng hồ tiêu bình quân ở Quảng Trị khoảng 0,3 ha/hộ. Sự chênh lệch về diện tích giữa các hộ khá lớn. Diện tích hồ tiêu vào giai đoạn cho thu hoạch dao động khoảng 1.000-1.500ha và tập trung chủ yếu vào các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Các huyện khác một mặt do quỹ đất giành cho cây hồ tiêu bị hạn chế, mặt khác những năm gần đây giá tiêu hạt trên thị trường ở mức thấp nên hồ tiêu cũng chỉ phát triển ở mức vừa phải.

 

Năng suất hồ tiêu Quảng Trị thấp hơn so với năng suất ở các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, chỉ đạt 10,3 tạ/ha vào năm 2000. Những năm gần đây năng suất có xu hướng tăng khá rõ, đạt 13,4-13,8 tạ/ha trong hai năm 2003 và 2004. Do diện tích hồ tiêu tăng không đáng kể trong những năm gần đây nên nông dân trồng hồ tiêu có cơ hội đầu tư thâm canh cao hơn trên vườn hồ tiêu sẵn có của mình. Mặc dù diện tích hồ tiêu tăng không đáng kể nhưng nhờ năng suất tăng khá nên sản lượng hồ tiêu năm 2004 tăng gấp 2 lần so với năm 2000 và 2001.

 

2.5 Vùng tiêu Phú Quốc

 

Điều kiện tự nhiên

 

- Lượng mưa trung bình hàng năm 2.950mm, tập trung từ tháng 5 đến tháng 10, với 81,5% tổng lượng mưa cả năm.

 - Lượng bốc hơi (đo theo Piche) hàng năm 1.165mm, cao nhất vào tháng 12 và thấp nhất vào tháng 10.

 - Độ ẩm trung bình hàng năm 82%, độ ẩm cao dần từ tháng 5 và bắt đầu giảm từ tháng 10, tháng có độ ẩm cao nhất là tháng 9.

 - Tổng số giờ nắng trong năm 2.302 giờ, tập trung vào tháng 1 đến tháng 4, tháng có số giờ nắng cao nhất là tháng 3.

 - Nhiệt độ trung bình hàng năm 27,3oC, nhiệt độ cao nhất 34,5oC vào tháng 3 và tháng 4, nhiệt độ thấp nhất 19,1oC vào tháng 1.

 

Huyện Phú Quốc là quần đảo nằm ở cực Tây Nam vùng biển phía Tây của nước ta, có tọa độ địa lý 103,8-104,1 độ kinh Đông, 10-10,4 độ vĩ Bắc. Đảo có dạng hình tam giác, rộng ở phía Bắc và hẹp dần ở phía Nam, chiều dài lớn nhất theo hướng Bắc Nam (49km), chiều rộng lớn nhất ở Bắc đảo (27km), chu vi đảo khoảng 150km.

 

Huyện đảo Phú Quốc có tổng diện tích đất tự nhiên 59.305ha, trong đó 7.761ha đất nông nghiệp. Đất trồng hồ tiêu ở Phú Quốc phần lớn được khai hoang từ đồi núi, bao gồm đất xám trên đá macma axít, đá cát, đất xám có tầng loang lổ đỏ vàng và đất vàng nhạt trên đá cát. Đất Phú Quốc thuộc loại nghèo dinh dưỡng, cát chiếm tỷ lệ cao trong thành phần cơ giới, chất hữu cơ từ 1,0-1,4%, đất chua, pHKCl 5,1, hàm lượng Ntổng số 0,08-0,12, Ptổng số 0,03-0,04 và Ktổng số 0,02-0,09 (Phân Viện Qui hoạch và Thiết kế Nông nghiệp miền Nam, 1999).

 

Điều kiện kinh tế xã hội

 

Trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực trong nhiều ngành kinh tế. Tuy nhiên đối với hai ngành nông nghiệp và thủy sản là hai ngành thế mạnh của huyện đang nằm trong tình trạng đi xuống, nhất là ngành nông nghiệp. Với kết quả nhiều cuộc điều tra định kỳ và các cuộc điều tra khác phối hợp với thông tin thu thập từ các cơ quan, ban ngành đoàn thể, phòng Thống kê ước tính dự kiến GDP tăng 8,99% trong năm 2004, nhưng không đạt kế hoạch đề ra do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là ngành thủy sản, ngành kinh tế chủ lực giảm 3,61%, ngành nông lâm nghiệp giảm 5,8%.

 

Sản xuất hồ tiêu

 

Hồ tiêu là cây trồng chủ lực của huyện đảo, sản phẩm hồ tiêu Phú Quốc đã nổi tiếng trong và ngoài nước từ lâu. Cũng như các địa phương trồng hồ tiêu khác, ngành nông nghiệp huyện đang gặp nhiều khó khăn do giá tiêu hạt giảm liên tục và ở mức thấp trong mấy năm gần đây, buộc lòng nông dân phải bán đất để lấy tiền trả nợ ngân hàng và đảm bảo cuộc sống gia đình.

 

Ở Phú Quốc, hồ tiêu được trồng tập trung tại ba xã: Cửa Dương, Cửa Cạn và Dương Tơ. Năm 2001, diện tích hồ tiêu toàn huyện là 775ha, đạt sản lượng 1.690 tấn, đến năm 2004 diện tích giảm 245ha chỉ còn 530ha, với sản lượng 1.364 tấn (Phòng Thống kê huyện Phú Quốc, 2004). Theo kết quả sơ bộ tổng hợp từ cuộc điều tra cây hồ tiêu vừa qua, diện tích hồ tiêu giảm mạnh nhất ở xã Cửa Cạn với 90,1ha, xã Cửa Dương giảm 90ha và xã Dương Tơ giảm 48,6ha. Do diện tích giảm, chỉ khoảng 24ha hồ tiêu trồng mới kể từ năm 2003 chưa cho thu hoạch, phần lớn diện tích còn lại đã cho thu hoạch với năng suất bình quân khoảng 2,7 tấn/ha, thấp hơn năng suất bình quân trên 3,0 tấn/ha trong những năm 2001-2002, chủ yếu do mức đầu tư và chăm sóc giảm.

Trở lại      In      Số lần xem: 21053

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Bệnh chết nhanh ( Thứ tư, 27/04/2016 )
  • Bệnh chết chậm (vàng lá) ( Thứ tư, 27/04/2016 )
  • Cây trụ sống phục vụ canh tác hồ tiêu ( Thứ sáu, 29/04/2016 )
  • Lịch sử cây hồ tiêu ( Thứ sáu, 29/04/2016 )
  • Loài tiêu hoang dại ( Thứ hai, 01/08/2016 )
  • Yêu cầu của nhà nhập khẩu hồ tiêu ( Thứ sáu, 20/05/2016 )
  • Cây che phủ đất ( Thứ tư, 27/04/2016 )
  • Đất trồng hồ tiêu ( Thứ hai, 01/08/2016 )
  • Thời vụ trồng hồ tiêu ( Thứ ba, 26/04/2016 )
  • Cơ sở phân tử của virus gây bệnh hồ tiêu (Piper Yellow Mottle Virus) ( Thứ sáu, 29/04/2016 )
  • Sâu đục thân ( Thứ năm, 28/04/2016 )
  • Kỹ thuật nhân giống vô tính ( Thứ hai, 25/04/2016 )
  • Kỹ thuật trồng hồ tiêu hữu cơ ở Ấn Độ ( Thứ tư, 27/04/2016 )
  • Sản xuất hồ tiêu hữu cơ ở Việt Nam ( Thứ ba, 26/04/2016 )
  • Bệnh thán thư ( Thứ năm, 28/04/2016 )
  • Bệnh tiêu điên (Stunted disease) ( Thứ năm, 28/04/2016 )
  • Thực vật học ( Thứ hai, 25/04/2016 )
  • Bọ xít lưới ( Thứ năm, 28/04/2016 )
  • Bọ cánh cứng ( Thứ năm, 28/04/2016 )
  • Rệp sáp dính ( Thứ năm, 28/04/2016 )
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD