Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đổi thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị VN
Thứ hai, 20-03-2023 | 08:23:26
|
Việc đổi Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam không chỉ là đổi tên gọi mà đánh dấu bước chuyển biến mới trong chiến lược phát triển sản xuất các loại gia vị của VN.
Lãnh đạo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam chủ trì Đại hội bất thường đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN).
Ngày 17/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức Đại hội bất thường đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA).
Sự kiện này đánh dấu bước chuyển mình trong chiến lược phát triển sản xuất và xuất khẩu các loại gia vị của Việt Nam.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPA, cho biết Việt Nam đã khẳng định vị thế về sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới, hiện đứng thứ 3 về sản xuất và số 1 thế giới về xuất khẩu quế; đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu hoa hồi.
Ngoài ra các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như ớt, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu, nhục đậu khấu... Tổng giá trị xuất khẩu hồ tiêu và gia vị của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 1,4 tỷ USD.
Từ lâu, cây hồ tiêu và gia vị đã trở thành nguồn thu nhập chính của đại bộ phận nông dân Tây Nguyên (trồng hồ tiêu) và đồng bào vùng núi phía Bắc (trồng các loại gia vị khác như quế, hồi, ớt, đinh hương, nghệ, gừng...).
Tuy nhiên, ngoài hồ tiêu được dẫn dắt bởi VPA, xây dựng được thương hiệu quốc gia, cho đến thời điểm này, các loại gia vị khác của Việt Nam vẫn chưa được định vị rõ nét trên bản đồ gia vị thế giới. Giá trị thu về từ cây gia vị của nông dân chỉ ở mức thấp do chủ yếu bán ở dạng nguyên liệu và qua trung gian.
Theo bà Hoàng Thị Liên, vì thiếu vai trò dẫn dắt, điều phối cho cả ngành hàng gia vị nên hiện ngành này vẫn chỉ dừng lại ở mức độ phát triển tự phát dựa trên nguồn lực của từng cá thể, ở mức độ riêng lẻ từng doanh nghiệp. Việc phát triển rời rạc, thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và địa phương, giữa sản xuất và tiêu thụ chưa đủ sức tạo ra hiệu ứng lan toả cho cả ngành hàng phát triển xứng tầm với tiềm năng cũng như cơ hội. Đó là chưa kể đến khả năng xung đột lợi ích giữa các doanh nghiệp làm suy yếu khả năng cạnh tranh, bị khách hàng ép giá trên thị trường.
Do đó, việc đổi tên VPA thành VPSA sẽ bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu gia vị. Điều đó cũng có nghĩa hàng trăm ngàn người nông dân gắn bó với các loại cây gia vị được hỗ trợ trong quá trình sản xuất và kinh doanh thông qua việc tổ chức liên kết sản xuất với các doanh nghiệp mà VPSA sẽ là đầu mối tập trung.
Với việc mở rộng vai trò, VPSA sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư và hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ nhiều tổ chức, đặc biệt là các tổ chức quốc tế để phát triển bền vững, góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, tận dụng những lợi ích từ việc hội nhập quốc tế để thúc đẩy đưa sản phẩm gia vị Việt Nam ra thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết bên cạnh hồ tiêu thì các cây, sản phẩm gia vị khác cũng đang phát triển và vươn mạnh mẽ ra thị trường quốc tế do gia vị đã trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong bữa ăn của người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là quốc gia Hồi giáo (chiếm 1/4 dân số thế giới).
Theo đánh giá sơ bộ, thực tế phát triển của hồ tiêu và các loại cây gia vị của Việt Nam mới chỉ tương ứng với khoảng 50% tiềm năng. Điều đó có nghĩa nếu được quan tâm phát triển đúng mức, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu và các loại gia vị có thể đạt đến 2-3 tỷ USD/năm.
Ban chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (nhiệm kỳ 2021-2025) ra mắt Đại hội. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN).
Theo ông Nguyễn Như Cường, việc đổi tên này sẽ là điều kiện thuận lợi để ngành gia vị được đánh giá một cách đầy đủ về tình trạng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thông qua Hiệp hội đại diện để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, chia sẻ thông tin nhu cầu, kết nối thị trường nhằm nâng cao giá trị, vị thế cho các loại gia vị Việt Nam.
“VPSA cần phát huy tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa người sản xuất-doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhằm xây dựng chuỗi liên kết bền vững, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho nông dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng cần chủ động tham gia đề xuất cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, phản biện chính sách phát triển của toàn ngành," ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.
Đại hội đã biểu quyết thông qua việc đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam; đồng thời bầu ra Ban chấp hành Hiệp hội mới gồm 21 thành viên.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPA nhiệm kỳ 2021-2025, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch VPSA nhiệm kỳ 2021-2025./.
|
Trở lại In Số lần xem: 469 |
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|