Kỹ thuật canh tác hồ tiêu
Thứ ba, 26-04-2016 | 05:45:14
|
||||||||||
Nguyễn Tăng Tôn và ctv.
1. Yêu cầu sinh thái của cây hồ tiêu
1.1 Khí hậu
- Phân bố địa lý
Hồ tiêu mọc hoang ở rừng nhiệt đới bang Tây Ghats và vùng phụ cận, thường là ở vùng đồng bằng và ít khi được tìm thấy ở độ cao trên 1.500m (Purseglove, 1968). Ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương, hồ tiêu được trồng nhiều ở Ấn Độ, Hải Nam (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam và một ít ở Campuchia (Sadanandan, 2000). Ngoài những vùng này, hồ tiêu còn được trồng phổ biến ở Brazil và Madagascar. Ngay cả ở vùng nhiệt đới, cây hồ tiêu thường được trồng tập trung ở những nơi có khí hậu nóng, ẩm. Yêu cầu đặc trưng về khí hậu của cây hồ tiêu là lượng mưa khá, nhiệt độ không thay đổi nhiều, ẩm độ cao, độ dài ngày không chênh lệch nhiều giữa các mùa trong năm.
Chevalier (1925) cho rằng hồ tiêu là cây trồng vùng xích đạo ẩm, thường ít khi vượt quá vĩ độ 15o Bắc và Nam. Tuy nhiên Biard và Roule (1942) tranh luận là hồ tiêu vẫn được trồng ở Quảng Trị và Nghệ An vùng Trung Bộ, ở vĩ độ trên dưới 20o. Ở Quảng Trị, hồ tiêu sinh trưởng tốt, trong khi ở Nghệ An hồ tiêu phát triển có chậm trong mùa đông.
- Lượng mưa
Hồ tiêu thích hợp trong điều kiện mưa đều, lượng mưa hàng năm trong khoảng 1.000-3.000mm, cây hồ tiêu vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường trong vùng ít mưa nhưng phân bố đều. Phân bố lượng mưa, tình trạng thoát nước và khả năng giữ ẩm của đất đóng vai trò quan trọng đối với cây hồ tiêu hơn là tổng lượng mưa. Lượng mưa khá là điều thuận lợi nếu đất thoát nước tốt, ngược lại hồ tiêu dễ bị bệnh. Khô hạn cũng là một yếu tố giới hạn sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu (Phan Quốc Sủng, 2000).
- Nhiệt độ
Hồ tiêu thích nghi tốt với khí hậu ôn hoà, không chịu được nhiệt độ thay đổi nhiều, nhiệt độ thấp nhất khoảng 10oC, thích hợp nhất trong khoảng 20-30oC, nhiệt độ đất ở độ sâu 30cm trong khoảng 25-28oC (Rethinam, 2004).
- Ẩm độ
Khí hậu nóng ẩm là điều kiện thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu, nhưng ẩm độ cao liên tục lại hạn chế sinh trưởng cây hồ tiêu và tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, phát triển. Cây hồ tiêu chịu được ẩm độ khoảng 63% trong mùa khô và 98% trong mùa mưa (Sadanandan, 2000).
- Ánh sáng
Hồ tiêu là cây ưa bóng trong giai đoạn cây con, ánh sáng tán xạ thích hợp cho yêu cầu sinh trưởng, phát dục và phân hoá mầm hoa. Giai đoạn hồ tiêu ra hoa, đậu quả, nuôi quả đến khi quả chín cây hồ tiêu cần nhiều ánh sáng (Chevalier, 1925; Phan Hữu Trinh và ctv., 1988; Phan Quốc Sủng, 2000). Việc có đủ ánh sáng trong giai đoạn nuôi quả giúp giảm rụng quả non và tăng dung trọng hạt tiêu (Yau and Azmil, 1989).
1.2 Đất trồng tiêu
Theo Phan Hữu trinh và ctv. (1988), Phan Quốc Sủng (2000) và Sadanandan (2000) đất thích hợp cho cây hồ tiêu cần có các đặc tính:
- Lý tính: Tầng đất canh tác trên 80cm, có mực nước ngầm sâu trên 2m, tơi xốp, có khả năng giữ nước tốt, thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình, dễ thoát nước vào mùa mưa; - Hoá tính: pH 5,5-6,5, tối thiểu 4,5 nhưng cần bón vôi để nâng lên trên 5, giàu N, K và Mg, khả năng trao đổi cation ở mức 20-30 meq/100g đất, tỉ lệ C/N ở tầng đất canh tác cao (15-25).
Ở Ấn Độ, hồ tiêu được trồng trên đất Alfisols (70%), Mollisol (10%), Oxisols (6%) và Entisols (4%) (Sadanandan, 1993; trích dẫn bởi Sadanandan, 2000). Ở Sarawak (Malaysia) tiêu được trồng trên đất phù sa, nhiều chất hữu cơ hoặc trên vùng đất sét pha cát (Lau, 2005). Ở Bangka (Indonesia) tiêu được trồng trên đất Podzolic vàng đỏ và đất cát pha sét (Rethinam, 2004).
2. Trụ tiêu (support)
Hồ tiêu là cây leo bám nên cần phải có trụ, trụ tiêu đóng vai trò quyết định trong đời sống cây hồ tiêu và chi phí cho trụ tiêu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong chi phí thiết lập vườn hồ tiêu mới (ICARD, 2005).
Tại những vùng trồng hồ tiêu lâu đời ở Việt Nam, nông dân thường ưa sử dụng trụ gỗ vì cho rằng hồ tiêu leo bám dễ dàng, không bị cạnh tranh về nước, dinh dưỡng, ánh sáng như khi trồng trụ sống và không bị nóng làm hồ tiêu tàn lụi sớm như khi trồng với trụ bê-tông hoặc bồn gạch xây. Tuy vậy, thực tế sản xuất hiện nay cho thấy hồ tiêu có thể đạt được năng suất cao trên tất cả các loại trụ, nếu có chế độ chăm sóc phù hợp.
Các loại trụ sống rất phong phú như vông (Erythrina spp.), keo (Leucena leucocephala), lồng mức (Wrightia annamensis), đỗ quyên (Gliricidia sepium), mít (Artocarpus heterophyllus), muồng cườm (Adenanthera pavonina), cóc rừng (Spondias pinnata) và gòn (Ceiba spp.) đang được sử dụng ở nhiều vùng trồng hồ tiêu trọng điểm hiện nay như Đăk Lăk, Bình Phước, Quảng Trị và Phú Yên. Đặc biệt ở Quảng Trị, do có gió Lào khô nóng, cây trụ sống tỏ ra đặc biệt thích hợp cho việc trồng hồ tiêu, các thử nghiệm trồng hồ tiêu trên trụ bê-tông và bồn gạch không mấy thành công ở vùng này.
Ở Ấn Độ, cây trụ gỗ vẫn còn được sử dụng phổ biến, bên cạnh đó cây hồ tiêu được cho leo lên một vài loài cây trụ sống như cau (Areca catechu), vông, đỗ quyên, sồi lá bạc. Trồng hồ tiêu bằng trụ cau là mô hình đa dạng hoá sản phẩm vườn hồ tiêu hiệu quả vì cau là sản phẩm có giá trị và được tiêu dùng phổ biến ở Ấn Độ (Sadanandan, 1974).
Trụ tiêu ở Indonesia là trụ gỗ, các bức tường gạch, một số vùng trồng hồ tiêu với cây trụ sống như keo dậu, cây gòn và cây ăn quả. Ở Sarawak (Malaysia), hồ tiêu được trồng chủ yếu với trụ gỗ (thường được gọi là gỗ thép Borneo), hiện đang có chương trình khuyến khích dùng trụ sống thay cho trụ gỗ (Lau, 2005).
3. Nhu cầu dinh dưỡng và bón phân cho cây hồ tiêu
3.1 Nhu cầu dinh dưỡng của cây tiêu
Hồ tiêu là cây trồng lâu năm, do đó tùy từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển, cây hồ tiêu cần các chất dinh dưỡng với liều lượng và tỷ lệ khác nhau.
Đạm đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành các bộ phận của cây hồ tiêu, hình thành chồi, phát triển thân, lá và quả. Việc bón đạm cần phải cân đối với các loại phân khác. Thiếu đạm, cây kém phát triển; thừa đạm, quả ít, sâu bệnh nhiều. Lân giúp rễ tiêu phát triển, thúc đẩy quá trình hình thành mầm hoa; thiếu lân, cây cằn cỗi, lá vàng. Kali giúp cây quang hợp tốt, giảm rụng quả, tăng sức kháng bệnh của cây, tăng chất lượng hạt. Hồ tiêu cần kali trong giai đoạn ra quả; thiếu kali lá xoắn, bìa lá khô, xám đầu (Lê Đức Niệm, 2001).
Theo van der Vorm (2005), cây hồ tiêu trồng với mật độ 1.750 cây/ha hút một lượng dinh dưỡng từ đất là 250kg N, 35kg P2O5 , 205kg K2O, 20kg MgO và 45kg CaO. Hàm lượng dinh dưỡng trong lá khoảng 3,1-3,4% N; 0,16-0,18% P; 3,4-4,3% K; 0,44% Mg và 1,67% Ca. Từ đó suy ra yêu cầu phân bón hàng năm cho mỗi trụ tiêu khoảng 100g N, 40g P2O5 và 140g K2O (tương đương 250-70-350 kg/ha/năm N-P2O5-K2O), lượng phân này có thể tăng lên gấp đôi trong điều kiện thâm canh cao. N có thể chia ra nhiều lần bón, P và K được khuyến cáo bón một lần. Có thể dùng phân N-P-K-Mg (12-12-17-2) bón cho hồ tiêu. Trong điều kiện đất chua có thể bổ sung vôi, bón định kỳ hai năm với liều lượng 200-500 g/trụ.
Theo Sadanandan (2000), cây hồ tiêu là một cây trồng có nhu cầu dinh dưỡng rất lớn, phản ứng mạnh với phân bón và yêu cầu rất nghiêm ngặt với tỉ lệ cân đối giữa các yếu tố dinh dưỡng. Giai đoạn sau thu hoạch, cây hồ tiêu hút lượng dinh dưỡng lớn, chủ yếu là N và P để hồi phục và phát triển thân, lá và rễ, đồng thời thúc đẩy quá trình hình thành mầm hoa với thời gian ngắn nằm trọn trong mùa khô. Giai đoạn nuôi quả tương đối dài (6-7 tháng) diễn ra trong mùa mưa, cây cần lượng N và K lớn tương đương nhau, sau đó đến P, Ca và Mg. Tỷ lệ N:P2O5:K2O tương đương 2,0:1,0:2,0 hoặc 2,0:1,0:2,5 là tương đối hợp lý, giúp cây hồ tiêu sinh trưởng tốt cho năng suất cao. Lượng dinh dưỡng cây hút ở giai đoạn 8 năm tuổi khoảng 183-292kg N, 49-56kg P, 376-405kg K và lượng dinh dưỡng này chủ yếu tập trung ở thân, lá, và quả.
3.2 Bón phân cho cây hồ tiêu
Ở các vùng trồng hồ tiêu lớn trên thế giới, chế độ phân bón được khuyến cáo cho cây hồ tiêu có khác nhau, căn cứ vào tính chất đất cũng như khả năng năng suất hồ tiêu của từng vùng. Tuy nhiên, mọi khuyến cáo về bón phân cho hồ tiêu đều thống nhất cho rằng phân hữu cơ là loại phân cơ bản không thể thiếu được trong canh tác hồ tiêu.
Kết quả nghiên cứu bón phân cho hồ tiêu ở Bangka (Indonesia) cho thấy rằng hàng năm cây hồ tiêu cần bổ sung lượng dinh dưỡng cho sự phát triển rễ, thân, lá, cành trên một hec-ta là: 90-180kg N, 6,5-13kg P2O5, 90-142kg K2O, 62kg Canxi, 9-19kg Mg. Như vậy theo nghiên cứu này thì lượng phân cần cho một hec-ta hồ tiêu là: 143-243kg N, 10-27kg P2O5, 127-202kg K2O, 68-86kg Ca, 12-29kg Mg.
Wong (1986; trích dẫn bởi Yacob và Sulaiman, 1992) xác định với mật độ trồng 1.600 trụ/ha, mỗi năm vườn tiêu từ 3-8 tuổi hấp thu một lượng dinh dưỡng là 200kg N- 80kg P2O5-188kg K2O.
Theo Dierolf và ctv. (2001), liều lượng N-P-K cân bằng cho vườn hồ tiêu có năng suất 3 tấn/ha là 400N-200P2O5-500K2O kg/ha/năm, bón kèm 10 tấn phân hữu cơ và một lượng vôi nhất định. Nghiên cứu lượng phân bón cho hồ tiêu kinh doanh ở Bangka (Indonesia), Wahid và ctv. (1990) khuyến cáo sử dụng phân hỗn hợp NPKMg 12-12-17-2 với lượng 400-600 g/trụ cộng với 500g dolomit, bón mỗi năm hai lần là thích hợp hơn cả.
Theo tài liệu của tổ chức Krishiworld, tỷ lệ phân bón thích hợp bón cho hồ tiêu đầu kinh doanh là 1 N - 1,6 P2O5 - 0,6 K2O, ứng với mức bón 100-160-60 g/trụ/năm N-P2O5-K2O.
Trong một thí nghiệm 33 (NPK) cho hồ tiêu trên đất đỏ tại Nam Bahia (Brazil), các tác giả đã xác định liều lượng N và P205 cho năng suất hồ tiêu cao nhất là 132 kg N và 240 kg P2O5, không thấy ảnh hưởng có ý nghĩa của phân kali đến năng suất hồ tiêu trong thí nghiệm này (Rafael và ctv., 1986).
Nghiên cứu tương quan giữa dinh dưỡng lá và năng suất tiêu đen (Nybe và ctv., 1989) đã xác định hai loại phân P và K ảnh hưởng mạnh nhất đến năng suất hồ tiêu.
Theo khuyến cáo Hiệp hội Nghiên cứu Cây gia vị Ấn Độ, liều lượng phân bón áp dụng cho cây hồ tiêu trên đất đỏ vùng nhiệt đới có hàm lượng dinh dưỡng các nguyên tố chính trong đất từ thấp đến trung bình là 140g N, 55g P2O5, 270g K2O kết hợp 600g vôi và 10kg phân chuồng/trụ/năm. Tỷ lệ N-P-K được khuyến cáo áp dụng là 2,5-1-5, với mức bón lân thấp, kali gấp hai lần phân đạm (Package of practices).
Nghiên cứu về ảnh hưởng của chất điều hoà sinh trưởng và nguyên tố vi lượng đến sự rụng gié quả và năng suất hồ tiêu cũng đã được nhiều tác giả đề cập. Nồng độ thấp của chất 2,4-D kích thích quả tiêu phát triển. Phun IAA ở nồng độ 50ppm, ZnSO4 ở nồng độ 0,5% làm giảm rụng gié là 63,6% và 48,4% so với đối chứng không phun. Salvi và ctv. (1988) đã ghi nhận rằng phun chất điều hoà sinh trưởng làm giảm rụng gié, tăng trọng lượng quả và tăng hiệu quả kinh tế (Geetha and Nair, 1990). Một nghiên cứu của IISR đã chỉ ra rằng đối với giống Subhakara và Sreekara bón 150-60-270 kg/ha N-P2O5-K2O kết hợp với Zn, B và Mo theo tỷ lệ 5:1:2 đã cho năng suất hồ tiêu cao hơn không bổ sung vi lượng (IISR, 1997).
Nhiều tác giả cho biết phân bón tổng hợp chứa từ 12-14% N, 10-12% P2O5, 12-18% K2O, 2-4% MgO và vi lượng, lượng bón là 1.600 g/gốc/năm (đối với hồ tiêu từ 3-8 năm tuổi), chia làm bốn lần bón trong 6 tháng mùa mưa.
Các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy: Với mật độ tiêu 1.750 cây/ha, hàng năm cây hồ tiêu lấy đi từ đất khoảng 115kg N, 5kg P2O5, 120kg K2O và 20kg MgO. Do vậy các loại phân NPK tổng hợp có tỷ lệ 15-10-15, 18-12-18 và 18-6-18 là rất phù hợp trên cây hồ tiêu.
Theo khuyến cáo của Chính phủ Brazil (IPEAN, 1996; trích dẫn bởi Sadanandan, 2000) lượng phân bón cho cây hồ tiêu tùy thuộc vào khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất, đặc biệt là dinh dưỡng lân và kali biến động rất lớn giữa các loại đất. Nhưng nhìn chung, lượng phân trung bình cho hồ tiêu là 200-300g NPK (12:12:17) + 500g dolomite + 300g lân nung chảy/cây/năm là hợp lý. Với phân hữu cơ, có thể sử dụng 1-2kg khô dầu bông hoặc 3-5kg phân chuồng hoai/gốc/năm. Cần sử dụng phân bón lá để bổ sung Mn, Mg, B và Mo thường xuyên cho nhu cầu của cây hồ tiêu.
Các nghiên cứu về chế độ bón phân cho cây hồ tiêu ở nước ta chưa nhiều. Nguyễn Thị Thúy và Lương Đức Loan (1986) nghiên cứu tác dụng của K và Ca cho cây hồ tiêu trên đất nâu đỏ bazan đã khẳng định vai trò của các yếu tố này đối với năng suất hồ tiêu. Trên nền 100g N và 100g P2O5/trụ, mức bón K cho năng suất cao nhất là 120g K2O/trụ, tăng 51% năng suất so với đối chứng không bón. Nếu bón phối hợp K với vôi thì hiệu lực càng rõ hơn. Mức bón 500g vôi + 120-240g K2O/gốc năng suất đạt 2,01-2,21kg tiêu đen/trụ. Hiệu suất 1kg K2O đạt từ 4,33-12,33kg tiêu đen.
Theo Trần Văn Hoà (2001), lượng phân bón tùy thuộc vào đất, giống và tuổi cây, trong đó phân hữu cơ đóng vai trò quan trọng và tỷ lệ NPK phù hợp cho cây hồ tiêu là (2:1:4). Lượng phân khoáng có thể chia 4 lần bón. Lần 1 giúp cây phục hồi sau thu hoạch, lần 2 giúp thúc quá trình phân hóa mầm hoa (sau khi vào mùa mưa nửa tháng), lần 3 và 4 nhằm tăng đậu quả và nuôi quả.
Bảng 1.1 Khuyến cáo lượng phân bón cho cây hồ tiêu
Nguồn: Trần Văn Hoà (2001)
Theo Lê Đức Niệm (2001), lượng bón hàng năm phụ thuộc vào mật độ và khoảng cách trồng:10kg phân chuồng hoai mục, 300-400g urê, 450-600g super lân, 200-250g clorua kali và 200-300g vôi/gốc/năm tương đương 300-400kg N, 150-200kg P2O5 và 250-400kg K2O/ha/năm. Phân chuồng, lân, vôi, 1/4 N và 1/4 K được bón sau khi thu hoạch, lượng N và K còn lại chia làm ba lần bón vào đầu, giữa và cuối mùa mưa.
4. Nhu cầu nước và tưới nước cho cây hồ tiêu
Hồ tiêu là loại cây thân leo có bộ rễ nông và phân bố hẹp nên rất mẫn cảm với nhu cầu nước tưới. Thiếu nước tưới trong mùa khô hay bị úng nước trong mùa mưa đều làm cho hồ tiêu sinh trưởng kém, năng suất thấp hoặc bị chết.
Nước tưới đóng vai trò quan trọng đối với cây hồ tiêu, một nghiên cứu về ảnh hưởng của tưới nước trên giống hồ tiêu Karimunda và Panniyur-1 từ năm 1988-1996 ở Panniyur và Kerala (Ấn Độ) cho thấy tưới nước với tỷ lệ IW/CPE=0,25 làm tăng năng suất lên hơn 90% (Satheesan và ctv., 1997).
Một nghiên cứu khác của IISR cũng cho thấy rằng lượng nước tưới cho một trụ tiêu từ 7-10 lít/ngày trong mùa khô sẽ đạt năng suất cao nhất 4,07 kg/trụ/năm so với đối chứng 1,33 kg/trụ/năm (IISR, 1997). Một mô hình tưới tiết kiệm nước trên hồ tiêu tại Đồng Nai với chu kỳ tưới 3 ngày/lần, lượng nước tưới 20 lít/trụ/lần đã được đánh giá có hiệu quả cao so với đối chứng (Nguyễn Thị Thanh Mai, 2003). Đối với tưới nhỏ giọt, chu kỳ 3 ngày/lần, lượng nước tưới 280-320 lít/trụ/tháng là phù hợp nhất cho tiêu Sẻ 4-5 năm tuổi, trồng với khoảng cách 5x5m (Huỳnh Ngọc Tư và ctv., 2003).
Kết quả điều tra khảo sát cũng cho thấy khi sử dụng hệ thống tưới phun dưới tán cho hồ tiêu thì lượng nước tối ưu cần cho cây phát triển tốt từ 35-40 lít/trụ/lần tưới, trong khi tưới bồn truyền thống thì lượng nước tối ưu cần từ 100-120 lít/trụ/lần tưới. Thực tế chu kỳ tưới thay đổi tuỳ thuộc vào độ bốc thoát hơi nước, lượng mưa hàng tháng và thời kỳ sinh trưởng của cây.
Hệ thống vi tưới (micro-irrigation) được áp dụng từ thế kỷ 19 và phát triển mạnh trong những năm 60 khi chất dẻo Polyethylene được ứng dụng rộng rãi. Sau đó, việc bón phân qua hệ thống tưới (fertigation) cũng được ứng dụng ở các nước nông nghiệp phát triển nhằm tăng hiệu quả sử dụng và giảm chi phí bón phân. Đây là kỹ thuật mũi nhọn giúp phát triển nông nghiệp ở những nơi gặp khó khăn nguồn nước như ở Úc, Nam Phi và Trung Đông. Hiện nay hệ thống tưới tiết kiệm nước này được một số nhà vườn trồng hồ tiêu ở nước ta sử dụng trên những khu vực khó khăn về nguồn nước tưới (Huỳnh Ngọc Tư và ctv., 2003).
5. Quản lý sâu bệnh hại hồ tiêu
Sự gây hại do sâu bệnh gây ra trên cây hồ tiêu ở Việt Nam được ghi nhận từ đầu thế kỷ 20, diện tích trồng hồ tiêu (tính bằng số lượng trụ tiêu) ở Hà Tiên, Phú Quốc, Rạch Giá, và Bà Rịa từ 930.000 trụ năm 1910 giảm xuống còn khoảng 540.000 trụ năm 1927 do bệnh thối gốc cây hồ tiêu (Barat, 1952). Công trình nghiên cứu của Barat (1952) tập trung nhiều vào biện pháp canh tác, dù vậy ông đã tìm thấy một số loài nấm bệnh như Phytophthora sp., Pythium complectens, Fusarium solani var. minus, Botryodiplodia Theobromae, Gloeosporium sp., Pestalozzia sp., và một số côn trùng hại như Tricentrus subangulatus (Homoptera: Membracidae), rệp sáp Pseudococcus citri Risso., Ferrisia virgata Ckll. Số lượng thành phần các loài gây hại (nấm bệnh, côn trùng, tuyến trùng) được bổ sung thêm với công trình nghiên cứu của Phạm Văn Biên (1989). Thành phần của các loài gây hại trên cây hồ tiêu tương tự nhau ở các vùng trồng hồ tiêu chính trên thế giới (Duarte và ctv., 2002; Gumbek, 2002; Kularatne, 2002; Manohara và Rizal, 2002).
Nhóm côn trùng thường gây hại trực tiếp cho cây hồ tiêu được ghi nhận là rệp sáp Pseudococcus citri, rệp sáp giả Ferrisia virgata, Planococcus citri, Lophobaris piperis; tuy nhiên các côn trùng gây hại còn mang thêm vai trò tác nhân lan truyền các bệnh virus cho cây hồ tiêu (de Silva và ctv., 1996; de Silva và ctv., 2002; Eng và ctv., 1993). Theo Gumbek (2002) các côn trùng gây hại chính trên cây hồ tiêu tại Sarawak (Mã Lai) là sâu đục thân Lophobaris piperis, bọ xít lưới Diconocoris hewitte, và bọ xít mép Dasynus piperis.
Khoảng 10 giống tuyến trùng được phát hiện ở vùng miền Đông Nam Bộ (Phạm Văn Biên, 1989), loài Meloidogyne spp. rất phổ biến ở các vùng trồng hồ tiêu gây hiện tượng bướu rễ tiêu. Theo Eng (2002) tuyến trùng Meloidogyne có sự quan hệ giữa bệnh do nấm Pythium sp. và Fusarium sp., tuyến trùng chích hút tạo vết thương vùng rễ cây hồ tiêu gây nên các vết thương tạo cơ hội cho nấm Fusarium tấn công rễ tiêu. Năng suất hồ tiêu sẽ giảm nghiêm trọng với sự kết hợp của hai tác nhân tuyến trùng rễ Meloidogyne và virus. Các động tác làm cỏ vệ sinh vườn cũng vô tình tạo vết thương cho nấm xâm nhập.
Theo Kularatne (2002) các bệnh quan trọng nhất trên cây hồ tiêu gồm bệnh chết nhanh do Phytophthora, bệnh chết chậm do Fusarium, và bệnh lá nhỏ do virus ở Mã Lai. Đối với bệnh chết nhanh, nấm Phytophthora sp. là tác nhân gây bệnh chính. Bệnh chết nhanh trước tiên được ghi nhận là do nấm Phytophthora palmivora var piperis, nhưng sau đó nấm được đặt lại tên Phytophthora palmivora MF4 (Tsao và ctv., 1985). Tên nấm bệnh được Alizadeh và Tsao (1985) đã xác định lại chủng P. palmivora MF4 phân lập từ cây ca cao và hồ tiêu với tên P. capsici, theo nghĩa rộng, và cuối cùng là Phytophthora capsici sensu lato (Tsao và Alizadeh, 1988). Bệnh rất nguy hiểm, nấm gây bệnh tấn công trên tất cả các phần của cây hồ tiêu, và ở tất cả các thời kỳ sinh trưởng của cây, trường hợp nấm bệnh tấn công vào rễ hoặc cổ rễ sẽ gây cây chết đột ngột (chết ẻo, hoặc héo rũ) (Phan Quốc Sủng, 2000). Bệnh thường phát triển nhiều trong mùa mưa, những lá bên dưới sẽ dễ nhiễm nấm bệnh sau những cơn mưa lớn vào đầu mùa mưa. Nấm bệnh xâm nhập vào cây trực tiếp qua biểu bì hoặc gián tiếp qua khí khổng. Cây bị nhiễm bệnh ở cổ rễ sẽ chết héo thình lình, lá chuyển sang màu đen, khô sớm nhưng còn dính lại trên cây. Ngược lại, nếu cây bị nhiễm từ rễ, lá bị héo vàng, và cây rụng lá từ từ. Việc làm cỏ trong vườn hồ tiêu bị bệnh sẽ làm phát tán bệnh nhanh hơn (Manohara và ctv., 2002), và nấm gây bệnh có thể tồn tại 20 tuần trong đất ở độ thủy dung 100%. Theo Wong (2002), bệnh thối rễ chết nhanh do P. capsici gây thất thoát sản lượng từ 5-10% hàng năm ở Mã Lai.
Đối với bệnh chết chậm, biểu hiện sự sinh trưởng chậm, lá có màu vàng nhạt, lá hoa và quả rụng dần từ gốc đến ngọn, các đốt cũng rụng dần từ trên xuống gốc (Phan Quốc Sủng, 2000). Hiện tượng vàng của cây có thể do sự cộng hợp của các tác nhân Fusarium sp., Rhyzoctonia sp., và tuyến trùng Meloidogyne sp., rệp sáp hại rễ, và do cây thiếu dinh dưỡng. Hiện chưa có biện pháp phòng trị hữu hiệu cho cây bị nhiễm Fusarium (Wong, 2002a).
Bệnh virus trên cây hồ tiêu có biểu hiện các ngọn bị chùn lại, lá non quăn tít, đọt chùn, cây không phát triển và lùn hẳn lại. Virus đã được phát hiện trên những cây hồ tiêu có triệu chứng lùn Nam Ấn (Sarma và ctv., 2001), virus gây bệnh được truyền qua các tác động cơ học cắt cành và ghép cành. Ở Mã Lai, rệp sáp giả Ferrisia virgata là tác nhân lan truyền bệnh virus PYMV (Piper Yellow Mottle Virus), cây ớt Capsicum annuum có biểu hiện các lá bị quăn queo khi được lây nhiễm nhân tạo với hai loài rệp Aphis gossypii và Myzus persicae đã sống trên cây hồ tiêu bị bệnh (Eng và ctv., 1993). Ở Sri Lanka, theo de Silva (1996) loài rệp sáp giả Planococcus citri (Hoptera: Pseudococcidae) có khả năng lan truyền bệnh PYMV. Triệu chứng khảm vàng lá cây tiêu là một hỗn hợp của PYMV và CMV (Cucumber Mosaic Virus). PYMV được xác định là tác nhân gây bệnh chính, lây truyền bởi việc cắt ghép, vectơ lan truyền có thể kể thêm là bọ xít lưới Diconocoris distanti (Hemiptera: Tingidae). Virus PYMV không lan truyền bởi tác nhân cơ học hoặc qua hạt giống. Nguồn virus CMV phân lập có thể lây nhiễm nhân tạo thành công trên cây chỉ thị bằng tác động cơ học và bằng rệp Aphis gossypii, nhưng không thành công với rệp đào Myzus periscae, tuy nhiên việc lây nhiễm ngược lại cho cây hồ tiêu thì không thể hiện triệu chứng bệnh (de Silva và ctv., 2002).
Bhat và ctv. (2003) đã ghi nhận mối quan hệ giữa virus Badna với cây bệnh trên cơ sở triệu chứng học, vectơ truyền bệnh, quan sát với kính hiển vi điện tử, và phản ứng huyết thanh. Virus có phản ứng dương tính với BSV (Banana Streak Virus) và ScBV (Sugarcane Bacilliform Virus) với phương pháp DAC-ELISA (Direct Antigen-Coated Enzyme Linked Immuno Sorbent Assay).
Thành phần sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu tuy ít nhưng rất phức tạp với mối quan hệ giữa các tác nhân và môi trường. Vì vậy trong việc phòng trừ không thể tách riêng lẻ một thành phần sâu bệnh nào. Một số tác giả cũng đã cố gắng soạn thảo, đúc kết kinh nghiệm để truyền bá kiến thức trồng và bảo vệ vườn hồ tiêu (Việt Chương, 1999; Trần Văn Hòa, 2001; Lê Đức Niệm, 2001, Phan Quốc Sủng, 2000, Phan Hữu Trinh và ctv., 1988).
Sarma và Saju (2004) với khái niệm quản lý bệnh hại tổng hợp (IDM, Integrated Disease Management) đã đề xuất nên chú ý việc sử dụng các tác nhân phòng trừ sinh học thân thiện với môi trường. Nấm đối kháng M. anisoplae được thương mại hoá có thể sử dụng phòng trừ các đối tượng côn trùng hại giữ vai trò vectơ truyền bệnh như rệp sáp (Nguyễn Xuân Thanh và Phạm Thị Thùy, 2005). Biện pháp loại bỏ tàn dư thực vật có thể là vật thể mang các trứng, sâu non, và nhộng của sâu đục thân Lophobaris piperis (Coleoptera: Curculionidae), bọ xít lưới Diconocoris hewitte (Hemiptera: Tingidae), và bọ xít mép Dasynus piperis (Hemiptera: Coreidae) là biện pháp khả thi, mặc dù theo đánh giá các dịch hại này ít gây giảm năng suất trực tiếp (Gumbek, 2002).
Nghiên cứu về bệnh thối nõn dứa do nhóm nấm Phytophthora gây ra, Ngô Vĩnh Viễn và ctv. (2003) thấy rằng độ pH của đất có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của nấm bệnh, đất có độ pH cao bệnh phát triển nặng hơn so với đất chua phèn có độ pH thấp. Vùng trồng dứa ở nông trường Lê Minh Xuân (TP. Hồ Chí Minh) và Nông trường Tân Lập (Tiền Giang) là đất phèn có pH từ 3,5-4,2 không có sự hiện diện của nấm Phytophthora, trong khi đó vùng Đồng Giao (Ninh Bình) có pH đất từ 5,7-7,9 có tỷ lệ cây thối nõn 5,2-68,4%. Vì vậy, trong phòng trừ bệnh trên cây hồ tiêu, cần chú ý đến ảnh hưởng của độ pH đất đến sự phát triển của bệnh.
Theo Eng (2002), chỉ có thể áp dụng biện pháp tổng hợp phòng bệnh cho cây hồ tiêu như dùng giống kháng, vật liệu trồng sạch bệnh, vườn ươm sạch bệnh, luân canh, quảng canh, loại bỏ tàn dư thực vật và rửa sạch dụng cụ làm vườn.
Đối với bệnh hại quan trọng chết nhanh gây thối rễ, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp: thoát nước tốt cho vườn, tạo sự thông thoáng cho vườn trong mùa mưa, loại bỏ chôn vùi các tàn dư thực vật quanh gốc tiêu trong mùa mưa, vệ sinh vườn làm sạch cỏ dại, đốt bỏ cành nhánh bị bệnh, tưới đẫm gốc tiêu với dung dịch Bordeaux 1%. (Kularatne, 2002; Manohara và Rizal, 2002).
Eng (2001) cho rằng có thể sử dụng biện pháp sinh học phòng trừ tuyến trùng rễ với nấm Verticilium chlamydosporium và Paecilomysec lilacinus ký sinh trứng tuyến trùng. Biện pháp phòng trừ tổng hợp cần được xây dựng trong đó có biện pháp tăng cường sự hoạt động của các tác nhân phòng trừ sinh học có sẵn trong môi trường rễ tiêu nhất là các loài nấm Paecilomysec lilacinus và Pasteuria penetrans.
Anith và ctv. (2002) đã thành công trong việc phân lập dòng vi khuẩn đối kháng với Phytophthora capsici từ vùng rễ cây hồ tiêu, đã chọn được chủng PN-026, có khả năng hạn chế Phytophthora capsici gây héo cây trong vườn ươm.
Đối với nấm đối kháng trong phòng trừ sinh học, cần quan tâm đến các thông số môi trường có khả năng ảnh hưởng đến tác nhân phòng trừ sinh học này trong đất. Các thông số có thể kể đến là nhiệt độ đất, ẩm độ đất, pH đất, thuốc trừ sâu, các ion kim loại, và các vi khuẩn đối kháng của nấm trong đất, kể cả kỹ thuật canh tác. Nhiệt độ thấp cũng có thể làm giảm hoạt tính của nấm (Eng, 2001; Kredics và ctv., 2003).
Bệnh chết nhanh gây thối rễ do Phytophthora capsici, điều trị bằng metalaxyl, hoặc acid phosphoric, fosetyl-Al rất có hiệu quả (Manohara và Rizal, 2002; Wong, 2002). Thuốc Phosacide 200 nồng độ 4% và Alliette 80WP nồng độ 0,2% có hiệu quả trừ bệnh Phytophthora (Viễn và ctv., 2003).
Trên cây sầu riêng, Phosphonate được bơm trực tiếp vào mạch gỗ và libe của cây hạn chế được bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây chảy nhựa thân cây sầu riêng. Biện pháp này khi sử dụng cần kết hợp với việc làm vệ sinh vườn, tỉa cành, tránh tưới nước vào gốc và thân cây, có hệ thống thoát nước tốt (Huỳnh Văn Thành, 2003). Kinh nghiệm được Wong (2002b) thử nghiệm trên các gốc tiêu có đường kính rễ 7,5-10mm với dung dịch acid phosphoric 1-2%.
Theo Eng (2002), cây bị bệnh virus không thể chữa trị được, nên có thể sử dụng cây sạch bệnh, vật liệu nhân giống cần được lấy từ những cây khỏe mạnh.
Biện pháp đầu tiên khi phát hiện có cây bệnh hiện diện trong vườn là loại bỏ và tiêu huỷ các bộ phận bị bệnh của dây tiêu. Đây là một khâu rất quan trọng để ngăn ngừa sự lan truyền của bệnh (Phạm Văn Biên, 1989; Nguyễn Ngọc Châu, 1995).
Các biện pháp tủ gốc trong mùa nắng và thiết lập các hệ thống mương rãnh thoát nước tốt cho vườn hồ tiêu sẽ làm cho năng suất vườn cây được cải thiện (Phan Kim Hồng Phúc, 2000) đồng thời hạn chế được tuyến trùng gây hại (Trần Văn Hòa, 1999).
Việc kết hợp bón phân hữu cơ và vô cơ một cách cân đối cho cây hồ tiêu đã được nhiều tác giả đề cập đến. Bởi vì phân hữu cơ ngoài các chất đa lượng, còn có các chất vi lượng, có tác dụng cải thiện lý hóa tính đất, tăng khả năng thoát và giữ nước, hạn chế được sự phát triển của một số tuyến trùng và nấm bệnh trong đất thông qua việc thúc đẩy hoạt động của vi sinh vật đối kháng.
Theo De Waard (1979), việc sử dụng phân bón ở liều lượng 400kg N, 180kg P, 480kg K, 425kg Ca và 112kg Mg kết hợp tủ gốc có thể phòng bệnh vàng lá.
Các thí nghiệm bón phân chuồng ủ hoai cho hồ tiêu tại Quảng Trị cho biết ở các công thức bón phân hữu cơ đã làm giảm mật độ tuyến trùng Meloidogyne incognita so với đối chứng không bón phân hữu cơ (Nguyễn Ngọc Châu, 1994).
Biện pháp sinh học cũng đang rất được chú trọng nghiên cứu để phòng trị các bệnh nguy hiểm trên cây hồ tiêu. Đây là biện pháp sử dụng những sinh vật hoặc những sản phẩm của chúng để ngăn chặn hay giảm thiệt hại do vi sinh vật có hại gây ra.
6. Tỉa cành tạo tán cây trụ sống và cây hồ tiêu
Kỹ thuật tạo tán để trụ tiêu có được hình dáng thích hợp và có nhiều cành mang quả là biện pháp kỹ thuật được quan tâm ở nhiều nước trồng hồ tiêu. Tùy theo vật liệu trồng ban đầu là dây thân hay dây lươn (cành vượt) các biện pháp tạo hình cho hồ tiêu có thể khác nhau. Hồ tiêu trồng bằng dây thân có thể dùng kỹ thuật cắt dây để tạo hình trong khi đó trồng bằng dây lươn thường được áp dụng kỹ thuật đôn dây.
Trong sản xuất hồ tiêu ở nước ta hiện nay, số dây thân được giữ lại trên trụ tùy theo mật độ trụ, kích thước trụ và tập quán canh tác của mỗi vùng. Ở nhiều vùng trồng hồ tiêu như Bình Phước, Đăk Lăk, Gia Lai, sau khi hồ tiêu được cắt tạo hình một lần (khi hồ tiêu được 10-12 tháng tuổi) thường để cho các mầm phát triển tự do thành dây thân mới và số dây thân có thể biến động trong khoảng 6-15 dây trên trụ gỗ, 20-40 dây trên trụ gạch xây. Do đặc tính ưa bóng nhẹ của hồ tiêu, nếu số dây thân trên trụ ít, không che chắn được nhau, hồ tiêu có thể sinh trưởng kém, nhưng nếu số dây thân quá dày, trong mùa mưa độ ẩm cao có thể là điều kiện tốt để nấm bệnh phát triển.
Ở Malaysia, các nhà khoa học đã khảo sát các kỹ thuật tạo hình theo ba phương pháp gọi là Kuching, Sarikei và Semongok, trong đó hồ tiêu được cắt dây thân một hay nhiều lần để tạo độ rậm rạp cần thiết. Sau bảy năm thí nghiệm, người ta đã kết luận không có sự khác nhau có ý nghĩa giữa các phương pháp tạo hình mặc dù phương pháp Sarikei (dây thân được cắt một lần vào sáu tháng sau khi trồng sau đó nuôi ba dây thân mới từ dây được cắt) cho năng suất trội hơn cả. Chong và Shahmin (1981) chỉ ra rằng không có sự khác biệt có ý nghĩa về năng suất giữa các cây hồ tiêu có 3, 4 hoặc 5 dây thân. Trong một thí nghiệm khác, Chong và Yau (1985) chỉ ra rằng trụ tiêu có năm dây thân cho năng suất cao hơn bảy hoặc chín dây thân. Vì vậy số dây thân để lại cho một trụ tùy theo đường kính trụ, thường 3-5 dây. |
||||||||||
Trở lại In Số lần xem: 6570 | ||||||||||
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|