Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  29
 Số lượt truy cập :  34069161
Hiên trạng sản xuất sắn việt nam, sâu bệnh hại chính & định hướng nghiên cứu
Thứ hai, 21-08-2017 | 18:45:15

Nguyễn Hữu Hỷ, Đinh văn Cường, Phạm Thị Nhạn

Trung tâm NC Thực nghiệm NN Hưng Lộc, IAS

1.         Tình hình sản xuất sắn ở Việt Nam

Ở Việt Nam, sắn cùng lúa và ngô là ba cây trồng được ưu tiên nghiên cứu phát triển trong tầm nhìn chiến lược đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Hiện nay cây sắn ngày càng nâng cao vị thế canh tranh so với nhiều loại cây trồng khác do có tính thích ứng rộng, hướng sử dụng đa dạng (tinh bột, tinh bột biến tính, thức ăn gia súc và nguyên liệu sinh học…). Từ những tính đa dụng như vậy, cây sắn đã chuyển đổi vai trò từ cây cây lương thực sang cây công nghiệp- cây trồng hàng hóa với tốc độ cao; năng suất, diện tích và sản lượng sắn đã tăng nhanh ở thập kỉ đầu của thế kỷ 21. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích trồng sắn của Việt Nam từ 16 năm trở lại đây đã tăng từ 237,6 ngàn ha (năm 2000) lên tới 566,5 ngàn ha (năm 2015). Các vùng trồng sắn chính của Việt Nam được tập trung chủ yếu là: Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Trung du miền núi phía Bắc; tổng diện tích sắn của 5 vùng sinh thái này chiếm khoảng 97% diện tích sắn cả nước.

 

Cùng với sự gia tăng diện tích, năng suất sắn được tăng cao; cụ thể năng suất sắn bình quân của cả nước năm 2000 đạt 7,58 tấn/ha, năm 2015 năng suất sắn đạt 18,84 tấn/ha, vượt gần gấp 2,5 lần năng suất so với năm 2000 (năng suất sắn của Việt Nam hiện tương đương khoảng 50% năng suất sắn của Ấn Độ, thấp hơn Campuchia 18% và thấp hơn Thái Lan 9%).

 

Khỏang cách năng suất sắn (yield gap) giữa giá trị tiềm năng và giá trị thực tế tại Việt Nam còn khá xa, bởi vì sắn thường được trồng tại các nông hộ nghèo, ít đất, đất bạc màu; đặc biệt là đất dốc bị xói mòn và thoái hóa. Thêm vào đó là đầu tư thâm canh thấp, ít về phân bón đã ảnh hưởng đến năng suất trung bình của cả nước. Hiện nay, các giống sắn chủ lực của Việt Nam đã và đang thoái hóa, cần được quan tâm phục tráng. Một số vùng trồng sắn chính bị dịch hại khá nghiêm trọng như chổi rồng, rệp sáp hồng và nhện đỏ, thối củ, khảm lá virus...          .

2.         Tình hình tiêu thụ và chế biến sắn tại Việt Nam

Sắn và sản phẩm từ sắn là mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng nóng trong những năm qua, sau khi nhu cầu nhập khẩu sắn từ các thị trường Trung Quốc và Đài Loan tăng mạnh. Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn, sau Thái Lan. Các sản phẩm sắn đã gia nhập nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/ năm.

 

Hiện nay cả nước có 13 nhà máy cồn sinh học với công suất 1.067,7 triệu lít/năm và 66 nhà máy chế biến tinh bột với công suất > 100 tấn bột khô/ ngày cùng hơn 2000 cơ sở chế biến nhỏ lẻ khác.

 

Tình hình xuất khẩu sắn của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng đạt 655 nghìn tấn cao hơn 68 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2016.

3.         Một số giống sắn đang sản xuất phổ biến tại Việt Nam

Một số giống sắn do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc- Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam giới thiệu cho sản xuất, đang được trồng phổ biến trên phạm vi cả nước như giống sắn: KM94, SM937-26, KM98-1, KM60, KM98-5, KM140, KM101, HL-S10, HL-S11 và KM7. Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh gần đây giới thiệu chuyển giao cho sản xuất giống sắn KM419. Ở phía Bắc nghiên cứu chọn tạo giống của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ, Viện Di truyền Nông nghiệp đã giới thiệu cho sản xuất  giống sắn như: KM98-7, NA1, Sa06, Sa21-12, HL2004-28, BK.

4.         Tình hình sâu bệnh hại chính trên cây sắn tại Việt Nam

Chiều hướng diện tích sản xuất sắn gia tăng liên tục trong những năm qua đã dần xuất hiện những sâu bệnh và rủi ro cao trong canh tác sắn của nông dân. Hiện nay đã xuất hiện những sâu bệnh nguy hiểm nếu không quan tâm kịp thời và phòng trừ có thể ảnh hưởng lớn đến năng suất.

 

Những dịch hại mới đây xuất hiện trên sắn như: Bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng, bệnh thối củ, bệnh khảm lá do vi rút, … ngày càng gia tăng mạnh ở diện rộng hơn và phân bổ ra nhiều vùng, làm thiệt hại đáng kể đến năng suất, chất lượng và thu nhập của nông dân trồng sắn.

4.1.      Bệnh chổi rồng trên cây sắn

            Nguyên nhân

Bệnh do Phytoplasma (Candidatus phytoplasma aurantifolia) gây ra, bệnh xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2005 và phát triển thành dịch trên diện rộng từ năm 2008- 2013. Bệnh hại chủ yếu trên giống sắn KM94 và gây thiệt hại trên diện rộng ở các tỉnh phía nam như: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định và Kon Tum.

Triệu chứng của cây sắn bị bệnh chổi rồng

- Giai đoạn cây con:

            Hom giống bị nhiễm bệnh sau khi trồng lên mầm kém, sinh trưởng kém, lóng thân ngắn, lá ngắn và nhỏ. Chồi ngọn rụt ngắn lại, cây thấp lùn, các mầm ngủ trên thân mọc nhiều chồi, cây sinh trưởng kém, lá chuyển màu vàng, rụng hoặc chết khô. Khi bệnh nặng bên trong thân gỗ của cây và hom sắn thâm đen, phần bấc trong thân cây chuyển màu nâu vàng, sau đó cây héo dần, rụng lá và chết cả cây.

- Giai đoạn cây sắn thu hoạch: 

Những cây nhiễm bệnh nhẹ,  mặc dù cây sinh trưởng bình thường nhưng đến thời kỳ thu hoạch ngọn cây bị chết khô, phần thân đoạn dưới bị chết, các chồi mọc thành dạng chùm, hình dạng dù, biểu hiện sinh trưởng của từng chồi giống như triệu chứng của giai đoạn cây con nhiễm bệnh chổi rồng, cây sắn ít củ và củ nhỏ hơn cây bình thường (năng suất giảm từ 30- 90%).

Điều kiện phát sinh& lây nhiễm

- Bệnh do Phytoplasma (Candidatus phytoplasma aurantifolia) gây ra, theo tài liệu nghiên cứu trên thế giới, phytoplasma còn gây hại trên các loài thực vật khác như cây hoa cẩm quỳ (Malvaviscus arborrus), dâm bụt (Hibicus rosasinensis), chanh leo (Passiflora)...

 

- Bệnh chổi rồng hại sắn lan truyền chủ yếu qua 2 con đường:

 

+ Hom giống đã nhiễm bệnh

 

+ Môi giới truyền bệnh là loài rầy được ghi nhận trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam các nghiên cứu vẫn chưa kết luận.

 

- Bệnh thường xuất hiện gây hại vào đầu mùa mưa (tháng 5- 6) và phát triển mạnh vào các tháng 1, 3 năm sau.

 

- Bệnh gây hại nặng trên giống sắn KM 94 và hại nặng ở những vườn sắn không đầu tư chăm sóc. Dùng hom giống bị bệnh để làm giống.

 

- Giai đoạn thu hoạch bệnh nặng hơn giai đoạn cây sắn non, bệnh gây hại nặng trên những ruộng sắn không có điều kiện thu hoạch để qua 2 năm.

Biện pháp phòng trừ:

Sử dụng những giống sắn từ vùng chưa bị bệnh và cây sắn sạch bệnh để làm giống, không vận chuyển hom sắn giống từ vùng bệnh sang vùng khác.

 

- Vườn bị bệnh, thu gom đốt triệt để thân và tàn dư của cây sắn bị bệnh để tiêu diệt nguồn bệnh, luân canh với cây trồng khác họ từ 1- 2 vụ, sau đó mới trồng lại sắn.

 

- Đối với diện tích sắn non, giai đoạn phát triển thân lá bị nhiễm bệnh nhẹ, cần nhổ tiêu hủy cây bệnh và rắc vôi vào hốc những cây bị bệnh để hạn chế sự lây lan.

 

- Bón phân đầy đủ và cân đối N, P, K theo qui trình canh tác sắn bền vững, trồng xen cây họ đậu để bổ sung dinh dưỡng cho đất, hạn chế xói mòn rửa trôi đất.

 

- Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh trên cây sắn để phòng trừ kịp thời, đặc biệt với rầy môi giới truyền Phytoplasma.

4.2.      Rệp sáp bột hồng hại sắn

            Nguyên nhân

            Do loài rệp sáp có tên khoa học là Phenacoccus manihotis gây hại trên cây sắn; Rệp sáp bột hồng xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2012, trong đó tỉnh Tây Ninh xuất hiện sớm nhất sau đó các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Nghệ An cùng xuất hiện lây lan thành dịch. 

Đặc điểm sinh học của Rệp sáp bột hồng

- Ở điều kiện nhiệt độ môi trường khoảng 280C, thời gian phát triển từ trứng đến trưởng thành đẻ trứng khoảng 33 ngày (vòng đời).

 

- Mỗi trưởng thành cái có thể đẻ 300- 500 trứng.

 

- Rệp sáp bột hồng hại sắn phát sinh phát triển mạnh trong các tháng mùa khô và các tháng có lượng mưa thấp (< 30mm).

 

- Trong quá trình sinh sống Rệp sáp bột hồng sống cộng sinh với một số loài kiến; Rệp phát sinh phát triển mạnh trong các tháng mùa khô.

 

- Cũng như một số loài rệp sáp giả khác, Rệp sáp bột hồng có khả năng sinh sản đơn tính, trưởng thành cái không cần giao phối vẫn có thể đẻ trứng và nở thành  con.

 

- Rệp non màu hồng, có 3 tuổi, râu đầu của rệp non tuổi 1 có 6 đốt, các tuổi tiếp theo có 9 đốt.

 

- Rệp trưởng thành cơ thể có dạng hình trứng, màu hồng và bao phủ bởi lớp sáp bột màu trắng; mắt hơi lồi; chân rết phát triển, cơ thể mang nhiều các tua sáp trắng rất ngắn ở phần bên mép thân và đuôi. Đôi tua sáp ở đuôi dài hơn các tua sáp khác. Chính điều này làm cho cơ thể rệp nhìn bên ngoài như có gai. Kích thước rệp trưởng thành dài khoảng 1,0 - 2,60mm rộng khoảng 0,5 - 1,4mm, râu đầu thường có 9 đốt.

Triệu chứng, tác hại & lây nhiễm

 Rệp sáp bột hồng gây hại ở điểm sinh trưởng của cây sắn, gây hiện tượng chùn ngọn, cây lùn. Trên lá, Rệp bám ở mặt sau lá, gây hại làm các lá sắn bị xoăn, biến vàng. Khi bị nhiễm với mật độ cao, toàn bộ lá cây bị rụng,  cây chết và làm năng suất củ giảm tới 80%.

Ngoài sắn là ký chủ chính, Rệp sáp bột hồng còn gây hại một số cây ký chủ: Cây nam sâm (Boerhavia diffusa), cây cói lác (Cyperus sp.), cây trạng nguyên (Euphorbia pulcherrima), cây cao su ceare (Manihot glaziovii)

Rệp sáp bột hồng lây lan qua hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, kiến, bám dính trên cơ thể động vật, người, công cụ và phương tiện vận chuyển…

Biện pháp phòng trừ

-Thường xuyên theo dõi đồng ruộng để phát hiện sớm các ổ rệp mới xuất hiện, tiến hành tiêu hủy triệt để: Khoanh vùng những diện tích bị nhiễm, thu gom cây bị nhiễm, áp dụng các biện pháp (đốt, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho toàn bộ diện tích nhiễm và lân cận). Có thể sử dụng các loại thuốc có các hoạt chất Thiamethoxam hàm lượng 350g/l, dạng thành phẩm SC; Imidacloprid hàm lượng 25%w/w, dạng thành phẩm WP; Nitenpyram hàm lượng 50% w/w, dạng thành phẩm; Dinotefuran hàm lượng 20% w/w, dạng thành phẩm WP. Sử dụng theo nồng độ khuyến cáo với lượng dung dịch nước thuốc đã pha là 600 lít/ha.

 

- Không vận chuyển cây sắn từ vùng nhiễm Rệp sáp bột hồng sang vùng khác.

 

- Không sử dụng sắn ở vùng bị nhiễm Rệp sáp bột hồng làm hom giống.

 

- Xử lý hom giống sắn bằng cách ngâm trong dung dịch nước thuốc BVTV 30 phút trước khi trồng.

 

- Thu gom, diệt nguồn Rệp sáp bột hồng trên đồng ruộng để hạn chế phát tán của chúng.

 

- Tạo vườn sắn thông thoáng, bón phân cân đối để cây sắn sinh trưởng phát triển tốt. Bảo vệ thiên địch (bọ rùa, bọ cánh gân, ong ký sinh…), nhân thả ong ký sinh Apoanagyrus lopezi, sử dụng chế phẩm sinh học để kiểm soát rệp.

 

- Nghiên cứu, chọn lọc đưa vào sản xuất các giống sắn chống chịu đối với rệp sáp bột hồng.

4.3      Bệnh thối củ sắn

            Nguyên nhân

Bệnh thối củ sắn có nhiều tác nhân gây bệnh, ngoài bệnh thối nhũn củ do bị úng nước còn có loại bệnh thối củ khác, theo các nhà khoa học, bệnh thối củ khoai sắn (không bị úng nước) do nhóm nấm Fusarium sp, Rhizoctonia sp, nhóm vi khuẩn Xanthomonas sp, Erwinia sp, Pseudomonas sp, bệnh xuất hiện trong điều kiện mưa nắng thất thường trong mùa mưa, và bệnh xuất hiện trên những ruộng sắn thâm canh cao, canh tác sắn nhiều năm. Đặc biệt tại tỉnh Tây Ninh đã xuất hiện bệnh thối củ sắn trên diện tích rộng tại các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu, Tân Biên, Tân Châu.   Khi bị bệnh sắn giảm năng suất (có những vụ sắn năng suất giảm đến 40- 50% và hàm lượng tinh bột thấp (ảnh hưởng đến giá bán).

Biện pháp ngăn ngừa bệnh thối củ sắn

- Chọn đất trồng sắn ở những nơi cao không bị ngập úng cục bộ.

 

- Không chọn hom giống ở những vườn sắn bị bệnh (hom khỏe).

 

- Vệ sinh đồng ruộng sau khi đã thu hoạch xong vụ, tốt nhất luân canh một vụ cây trồng khác sau đó như lúa, cây đậu hoặc cho đất nghỉ một thời gian.

 

- Bón phân NPK cân đối, không quá lạm dụng phân đạm nhất giai đoạn hình thành củ.

 

- Khi bị bệnh phun tưới thuốc trừ bệnh có gốc đồng, nhóm thuốc có Carbendazim ( thuốc Carmanthai 80 WP), hoặc kasumin.

4.4       Bệnh khảm virus trên sắn (Cassava mosaic disease)

Triệu chứng của bệnh khảm virut trên sắn lần đầu tiên được báo cáo vào năm 1894 tại Tanzania sau đó nhanh chóng xuất hiện ở hầu hết các nước trồng sắn của Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh. Tại khu vực châu Á, bệnh này xuất hiện tại Ấn độ, Sarilanca, Campuchia. Lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 04 năm 2017 tại 3 huyện biên giới của tỉnh Tây Ninh giáp với Campuchia là Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành sau đó lan nhanh ra các huyện khác, tính đến tháng 07 năm 2017 diện tích sắn bị nhiễm bệnh này lên đến 1.581 ha.

Triệu chứng bệnh và phương thức lan truyền

Bệnh lây truyền phổ biến qua bọ phấn trắng (có rất nhiều loài bọ phấn trắng nhưng loài điển hình có thể truyền bệnh trên cây sắn là Bemisia tabaci) và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh. Biểu hiện của bệnh khảm là trên lá cây sắn xuất hiện những vết vàng loang lổ xen lẫn phần xanh. Khi cây trồng bệnh nặng, vết vàng loang rộng ra trên phiến lá sắn, làm lá biến dạng nhăn nheo, cuốn lại và nhỏ dần.  Đây là loại bệnh rất nguy hiểm và khó phòng trừ, làm giảm năng suất và chất lượng củ sắn. Nếu cây sắn bị nhiễm bệnh lúc còn non sẽ không cho thu hoạch, không phòng trị kịp thời, bệnh này sẽ lây lan nhanh ra các vùng khác.

Biện pháp phòng trừ

- Cần làm tốt công tác kiểm dịch thực vật nhập khẩu và kiểm dịch nội địa.

 

Sử dụng những giống sắn khỏe, sạch bệnh để làm giống, không vận chuyển hom sắn giống từ vùng bệnh sang vùng khác.

 

- Vườn bị bệnh, thu gom đốt triệt để thân và tàn dư của cây sắn bị bệnh để tiêu diệt nguồn bệnh. Đối với diện tích sắn giai đoạn phát triển thân lá bị nhiễm bệnh nhẹ, cần nhổ tiêu hủy cây bệnh và rắc vôi vào hốc những cây bị bệnh để hạn chế sự lây lan.

 

- Bón phân đầy đủ và cân đối N, P, K theo qui trình canh tác sắn bền vững.

 

- Luân canh cây sắn với cây trồng khác phù hợp như các loại cây họ đậu, không nên trồng sắn độc canh trên một chân đất.

 

- Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh trên cây sắn để phòng trừ kịp thời, đặc biệt với bọ phấn trắng môi giới truyền vi rút khảm lá sắn.

 

- Để phòng trừ loại sâu này phải sử dụng thuốc phun theo khuyến cáo hướng dẫn của Cục BVTV như thuốc; Ikuzu 20WP với liều lượng 320g/ha và Longanchess 750WP liều lượng 300g/ha phun 400 lít/ha, phun ướt đều toàn bộ tán lá sắn...

5.         Định hướng nghiên cứu

- Kết hợp giữa phương pháp lai tạo giống cổ truyền và phương pháp chọn tạo giống hiện đại (ứng dụng công nghệ sinh học, chuyển gen hoặc đột biến gen) tạo ra những giống sắn có năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt là các giống sắn kháng các loài sâu- bệnh hại chính.

 

- Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác sắn tiên tiến, xây dựng và mở rộng mô hình canh tác sắn đạt năng suất và hiệu qủa kinh tế cao theo hướng bền vững phù hợp với từng vùng sinh thái, đưa năng suất sắn Việt Nam tương đương với các nước có năng suất hàng đầu trong khu vực.

 

- Kết hợp với các tổ chức Quốc tế trong việc ứng dụng các công nghệ cao trong công tác nghiên cứu, nhân và đưa nhanh giống sắn sạch bệnh, kháng bệnh ra sản xuất.

 

- Kết hợp với các nhà máy chế biến tinh bột để phát triển vùng nguyên liệu ổn định diện tích trồng sắn theo quy hoạch.

Trở lại      In      Số lần xem: 11114

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Hơn 120 quốc gia ký kết Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu
  • Một số giống đậu tương mới và mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long
  • Các nước cam kết chống biến đổi khí hậu
  • 12 giống hoa được công nhận bản quyền
  • Thảo luận việc quản lý nước theo cơ chế thị trường
  • Lượng nước ngầm trên Trái đất đạt 23 triệu kilômét khối
  • Sản xuất hồ tiêu thế giới: Hiện trạng và Triển vọng
  • Triển vọng tích cực cho nguồn cung ngũ cốc toàn cầu năm 2016
  • Cây trồng biến đổi gen với hai tỷ ha (1996-2015); nông dân hưởng lợi >150 tỷ usd trong 20 năm qua
  • Cơ hội cho gạo Việt
  • Việt Nam sẽ áp dụng cam kết TPP cho thêm 40 nước
  • El Nino có thể chấm dứt vào cuối tháng 6
  • Chi phí-hiệu quả của các chương trình bệnh động vật "không rõ ràng"
  • Xuất khẩu hồ tiêu: Gậy ông đập lưng ông
  • Đất có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí nhà kính
  • Quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam
  • Những cách nổi bật để giải quyết những thách thức về hệ thống lương thực toàn cầu
  • Lập bản đồ các hộ nông dân trồng trọt trên toàn thế giới
  • Hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô
  • Nếu không được kiểm soát, cỏ dại sẽ gây thiệt hại kinh tế tới hàng tỷ USD mỗi năm
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD