Chào mừng Quý độc giả đến với trang thông tin điện tử của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin nổi bật
Thành tích

Huân chương Ðộc lập

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Huân chương Lao động

- Hạng 1 - Hạng 2 - Hạng 3

Giải thưởng Nhà nước

- Nghiên cứu dinh dưởng và thức ăn gia súc (2005)

- Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (2005)

Giải thưởng VIFOTEC

- Giống ngô lai đơn V2002 (2003)

- Kỹ thuật ghép cà chua chống bệnh héo rũ vi khuẩn (2005)

- Giống Sắn KM 140 (2010)

Trung tâm
Liên kết website
lịch việt
Thư viện ảnh
Video
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam Cà chua bi

Thống kê truy cập
 Đang trực tuyến :  26
 Số lượt truy cập :  33271697
Chiếc áo mới Rạch Giá - Hà Tiên
Chủ nhật, 05-09-2021 | 21:11:25

“Tới Cà Mau, Rạch Giá,

Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng” (Sơn Nam).

 

Tứ thơ ấy đã cuốn hút thời trai trẻ của tôi lên đường, dấn thân lập nghiệp ở miền Tây Nam bộ, tại Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long.

 

Tôi có dịp về công tác ở Kiên Giang từ 1983 đến 1984, để thực tập luận án nghiên cứu sinh về lúa nước sâu. Từ Giồng Riềng, Gò Quao, tôi xuống vùng miệt thứ U Minh Thượng ở hai huyện An Biên và Vĩnh Thuận, “muỗi vắt nhiều hơn cỏ, chướng khí mù như sương”.

 

Ngược lên nông trường Mỹ Lâm, nông trường Bình Sơn (Hòn Đất), đất phèn đỏ quạch, thu được mẫu lúa hoang Oryza rufipogon mà mức độ đa dạng di truyền rất cao ở đúng cái “túi phèn”. Tôi quay về vùng lúa nổi thuộc hệ thống kênh Cái Sắn (huyện Tân Hiệp). Có đêm phải ngủ tạm trên kệ hàng ở một chòi lá của chợ quê Giồng Riềng.

 

Kết quả khích lệ là sau những ngày cực nhọc, số mẫu lúa điều tra được cứ nhiều lên, tư liệu ghi chép đầy mấy cuốn sổ tay. Đó cũng là thời gian tôi thuộc nhiều bài ca vọng cổ và chuyện kể dân gian.

 

Hơi vọng cổ, nương bờ tre bay vút

Điệu hò ơ, theo nước chảy chan hoà. (Sơn Nam)

 

Tỉnh Kiên Giang có địa hình đồng bằng, núi rừng và hải đảo. Có vùng phù sa Tây Sông Hậu. Có vùng phèn ngập lũ Tứ giác Long Xuyên. Có vùng nhiễm mặn bán đảo Cà Mau. Có vùng đồi núi, hải đảo ở Phú Quốc và Kiên Hải. Thật là của báu trời ban.

 

Năm 1757, Mạc Thiên Tích thành lập trấn Hà Tiên. Lúc đó, Rạch Giá theo tổ chức hành chính là “đạo Kiên Giang” thuộc “trấn Hà Tiên”. Năm 1808, đạo Kiên Giang được đổi thành huyện Kiên Giang. Năm 1832, vua Minh Mạng đặt ra tỉnh Hà Tiên, một trong Nam Kỳ lục tỉnh. Giai đoạn 1847-1867, tỉnh Hà Tiên được gọi là phủ An Biên, gồm 3 huyện: Hà Châu, Kiên Giang và Long Xuyên. Vua Tự Đức giao trả lại Kampot, Vũng Thơm về Cao Miên.

Huyện Hà Châu (nguyên đất Hà Tiên) gồm 5 tổng: Hà Nhuận, Nhuận Đức, Hà Thanh, Thanh Di và Phú Quốc. Huyện Kiên Giang (nguyên đất Rạch Giá) gồm 4 tổng: Kiên Định, Giang Ninh, Kiên Hảo, Thanh Giang. Huyện Long Xuyên (nguyên đất Cà Mau) gồm 2 tổng: Long Thủy và Quảng Xuyên.

 

Theo Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Hà Tiên của nhà Nguyễn kéo dài từ Cà Mau đến Hà Tiên; có lúc sang tận Kampot, Kompong Som. Nhà sử học Đào Duy Anh viết: “Vũng Thơm, Cần Bọt, Sài Mạt là dải đất từ lỵ sở Hà Tiên đến Sài Mít… Đến đời Tự Đức triều Nguyễn mới trả về nước Cao Miên”. Thực dân Pháp chiếm Hà Tiên vào năm 1867. Một năm sau, Pháp tách Hà Tiên ra khỏi Rạch Giá. Hạt Hà Tiên có 5 tổng. Hạt Rạch Giá có 7 tổng. Năm 1871, Pháp lại tách Cà Mau ra khỏi Rạch Giá. Tách rồi nhập nhiều lần rất lộn xộn.

 

Chữ Hà Tiên có từ câu chuyện “nằm mơ thấy tiên trên sông Giang Thành của Mạc Cửu”.  Khi xưa, người Khmer gọi sông này là Tà Ten hay Prêk Ten (sông Prêk). Non nước hữu tình, tiên nữ thường hay xuất hiện chốn trần gian.

 

Năm 1679, Mạc Cửu (gốc gác ở Lôi Châu – Trung Quốc) không quy phục nhà Thanh, rời bỏ quê hương lưu lạc đến vùng đất này. Ông chiêu tập lưu dân khai hoang mở đất, lập nên xứ Hà Tiên. Ông phát triển dịch vụ buôn bán rất giỏi. Hà Tiên trở nên trù phú.

 

Đầu thế kỷ 17, vua Cao Miên đã phong cho Mạc Cửu chức Ốc Nha để cai quản vùng đất này. Cao Miên bị quân Xiêm La thường xuyên quấy nhiễu. Năm 1708, Mạc Cửu đã thần phục Chúa Nguyễn Phúc Chu để nhận được sự bảo hộ và giúp đỡ của Chúa Nguyễn. Từ đó vùng đất này thuộc về Việt Nam.

Đầu thế kỷ 18, Hà Tiên là một thị trấn buôn bán sầm uất. Hải cảng Hà Tiên giao thương với các thương thuyền phương Tây, Ấn Độ, Trung Đông trong hải trình từ Tây sang Đông và ngược lại. Thời Pháp thuộc, hồ tiêu bắt đầu được trồng rải rác ở Kampot, Hà Tiên, Phú Quốc, sau này chuyển về vùng đất đỏ Đông Nam bộ. Giống du nhập có lẽ từ Kerala, Ấn Độ. Nghề thủ công mỹ nghệ phát triển. Hoạt động thủy sản hết sức nhộn nhịp.

 

Hà Tiên có thế mạnh về kinh tế. Văn hóa cũng phát triển theo. Thi ca là một đặc trưng điển hình. “Hà Tiên thập vịnh”, mười bài thơ ca ngợi cảnh đẹp được thiên nhiên ban tặng. “Bình San điệp thúy” là một trong mười cảnh đẹp nhất của Hà Tiên, đứng trên núi Bình San. Một bên là núi Voi Phục, bên kia là biển Tây, nước xanh đến tận chân trời. “Thạch động thôn vân” là có câu chuyện cổ tích Thạch Sanh chém chằn tinh, cứu công chúa.

 

Xà Xía bây giờ là cửa khẩu giao lưu buôn bán hết sức năng động với cư dân xứ Chùa Tháp. Dọc theo biển là thắng cảnh nổi tiếng “Hòn Chông”. Có hòn Phụ Tử là biểu tượng của Kiên Giang, hiện bị sụp mất một hòn do giông bão. Ở đây có di tích Chùa Hang, có Giếng Tiên với sự tích Nguyễn Ánh gặp nạn. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ, không khí trong lành.

 

Chiều xuống đứng bên cầu nghe sóng biển,

Nắng thu vàng chiếu rạng bến bờ...

Trăng lấp lánh lung linh bến nước,

Đoàn tàu về loang loáng trên sông. (Lê Giang - Kiên Giang mình đẹp lắm)

 

Từ kho tàng dân ca “Hát sắc bùa”, vợ chồng cô Lê Giang đã phát triển thành một bản nhạc để đời “Kiên Giang mình đẹp lắm”. Đây là kết quả rất đáng trân trọng. Bài hát mà mỗi lần nghe đều xúc động vô cùng, đặc biệt lúc xa nhà. Có lần tôi sang Melbourne (Úc) gặp bạn Nguyễn Hữu Hồng vào năm 2003. Bạn là người Rạch Giá, bài hát quê hương đã gợi nỗi nhớ nhà đến nao lòng.

Đất nông nghiệp rộng lớn chiếm 64,2% tổng diện tích tự nhiên. Đất rừng có diện tích 123 nghìn ha, chủ yếu là rừng phòng hộ. Tỷ lệ che phủ rừng 12%. Nguồn đá vôi có trữ lượng 440 triệu tấn. Có nhà máy xi măng Kiên Lương được khánh thành từ 1964 (Vicem Hà Tiên). Sản lượng than bùn ước khoảng 150 triệu tấn. Diện tích canh tác lúa lớn nhất nước gần nửa triệu ha; diện tích gieo trồng xoay quanh con số 722 nghìn ha. Sản lượng 4,3 triệu tấn/năm. Lúa chất lượng cao chiếm hơn 70% diện tích gieo trồng. Dứa là cây đặc sản của Tắc Cậu. Diện tích chỉ đứng sau vùng dứa Tân Phước của Tiền Giang. Kiên Giang có bờ biển dài 200 km, diện tích mặt biển 63 nghìn cây số vuông. Kinh tế biển còn tiềm năng nhiều lắm so với các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thương hiệu “nước mắm Phú Quốc” lừng danh trong nước và quốc tế.

 

Nông nghiệp được mở rộng trên vùng đất hoang vu ấy nhờ cải tiến thủy lợi rất đáng nể phục. Đó là kênh Cái Sắn, kênh Thoại Hà và hệ thống thủy lợi thoát lũ ra biển Tây.

 

Kênh Cái Sắn hay kênh Rạch Sỏi là con kênh đào chạy dài từ sông Hậu đến biển Tây. Dài 58 km. Kênh đi qua ba tỉnh An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang. Kênh chạy song song với quốc lộ 80 và kênh Thoại Hà. Chữ Cái Sắn có thể xuất phát từ tiếng Phù Nam cổ; “cái” có nghĩa là “dòng chảy”. Người ta còn giải thích nó theo tiếng Khmer Nam bộ, như một cách đọc trại từ chữ “Cà Xăng”.

 

Kênh Cái Sắn được khởi công tháng 2 năm 1922 và hoàn thành tháng 9 năm 1923. Công việc được người Pháp tiến hành bằng xáng múc, rộng 30 mét. Vàm Cái Sắn là điểm khởi đầu của con rạch tự nhiên Cái Sắn, người ta tiếp tục đào thẳng để nối liền với con rạch tự nhiên khác có tên “Rạch Sỏi”.

 

Người ta truyền miệng đó là nhờ sáng kiến của điền chủ Nguyễn Ngọc Chơn, Long Xuyên? Trong chương trình tái định cư Cái Sắn của Việt Nam cộng hòa; hệ thống kênh đầu nguồn cách nhau 1-2 km, từ Láng Sen đến Mông Thọ. Cho nên quốc lộ 80 là đường bộ có nhiều cây cầu nhất trên một đoạn dài 60 km. Hệ thống này nối vào kênh Thoại Hà ở Tây Bắc; nối với vào rạch Cờ Đỏ, Giồng Riềng ở Đông Nam.

 

Đây là tiền đề để vùng lúa nổi trở thành lúa cao sản 2-3 vụ, ở dinh điền Cái Sắn hiện nay. Nguyên là vùng trũng nhiễm phèn, lúa mùa chủ lực là giống Trung Hưng, Đuôi Trâu, năng suất bấp bênh. Kênh Cái Sắn được sử dụng như ranh giới của Tứ giác Long Xuyên. Bây giờ Cái Sắn là một trong những vựa thóc lớn của Đồng bằng sông Cửu Long.

Kênh Thoại Hà (Thụy Hà hay Đông Xuyên) nối con rạch Long Xuyên qua Định Thành, xuôi chảy về hệ thống đường thủy của Rạch Giá. Đây là công trình thoát lũ đầu tiên của nhà Nguyễn ở lục tỉnh. Kênh khởi công vào đầu năm 1818. Thoại Ngọc Hầu đã huy động khoảng 1.500 nhân công, tận dụng lạch nước cũ mà đào, do đó, công việc khá thuận lợi. Chiều rộng 20 tầm (51,2 mét), chiều dài 12.410 tầm (gần 32 cây số).

 

Văn bia Thoại Sơn ghi chép như sau: “Mùa thu năm Đinh Sửu (1817), lão thần kính, được vua trao ấn phù giữ trấn Vĩnh Thanh. Mùa xuân năm Mậu Dần (1818) vâng chỉ đốc suất đào kênh Đông Xuyên. Từ ngày thụ mệnh vua, sớm khuya kính sợ, đốn cây rậm, bới bùn lầy, đào kênh dài đến 12.410 tầm, trải qua một tháng thì xong việc, nghiễm nhiên trở thành ra một sông to, luôn luôn ghe thuyền qua lại tiện lợi”.

 

Vua Gia Long khen ngợi, cho phép đặt tên kênh “Thoại Hà”, đồng thời núi Sập là “Thoại Sơn”. Đây là chính sách thủy lợi rất tích cực của nhà Nguyễn. Đến hôm nay, kênh vẫn còn có giá trị lớn về giao thông, thương mại, nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt.

 

Thoát lũ ra biển Tây là sáng kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông cùng với các nhà khoa học, lãnh đạo tỉnh An Giang, Kiên Giang tiến hành khảo sát thận trọng.  Hệ thống kênh thoát lũ và kiểm soát lũ ra biển Tây đã được thực hiện. Nhiều phản biện gay gắt lắm!

 

Hệ thống kênh thoát lũ T4, T5, T6 được tiến hành từ năm 1997 đến 1999. Kênh T5 có quy mô lớn nhất. Kênh T3 được nạo vét mở rộng. Nạo vét sâu kênh Vĩnh Tế. Năm 1996, Chính phủ cho khởi động công trình tiêu thoát lũ ra biển Tây với các hạng mục chính gồm: đập cao su Tha La và Trà Sư, ngăn dòng chảy lũ tuyến 7 đổ vào Tứ giác Long Xuyên.

 

Tuyến kênh T5 và T6 băng qua khu vực bắc Hà Tiên tiến về phía biển Tây. Chính phủ mở thêm các nhánh kênh phụ tương ứng với T5, T6, rồi xây dựng các cống điều tiết mặn Tuần Thống, Lung Lớn. Công trình đã làm chậm lũ đầu mùa gần một tháng, giảm độ sâu ngập lụt đầu mùa khoảng 30 cm đến 50 cm, giảm độ sâu ngập lụt chính vụ khoảng 10 cm đến 15 cm, rút ngắn thời gian duy trì lũ ở cấp mực nước cao từ 10 ngày đến 20 ngày.

 

Ngần ấy tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển lúa đông xuân, hè thu, thu đông. Nó tăng cường việc lấy phù sa từ sông Hậu vào tận đồng sâu của Tứ giác Long Xuyên.

Ngày 10/7/2009, HĐND tỉnh An Giang đã quyết định đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt và dựng bia tưởng niệm cố Thủ tướng. Kênh có chiều dài 48 km. Đoạn chảy qua xã Lạc Quới (Tri Tôn) dài 11 km; xã Vĩnh Phú (Giang Thành) 14 km, xã Vĩnh Phú (Kiên Lương) 23 km.

 

Lần đầu tiên trong lịch sử khai phá Đồng bằng sông Cửu Long, dòng nước mang phù sa đã được chuyển tới “rốn phèn” của Tứ giác Long Xuyên, cùng với các kênh trục như: kênh Xáng Vịnh Tre, Cây Dương, Mặc Cần Dưng.

 

Năm 2000, cơn lũ lịch sử của vùng ĐBSCL đã minh chứng hiệu quả của hệ thống thủy lợi ấy. Kênh Vĩnh Tế, T5 và các kênh trong hệ thống thoát lũ đã chuyển tải đến 13 tỉ m3 nước. Có  8 tỷ m3 nước đổ vào nội đồng để tháo chua, rửa phèn (trước đó là 2,5 tỉ m3).

 

Tứ giác Long Xuyên có diện tích 489.935 ha, trong đó lớn nhất là An Giang với 245.083 ha chiếm 52%. Tứ giác này vào năm 1997 có 253.186 ha bị nhiễm phèn nặng, 12.100 ha bị nhiễm mặn. Nhiệm vụ thoát lũ ra biển Tây, dẫn nước ngọt từ sông Hậu vào sâu trong nội đồng, rửa phèn, góp phần giảm mức độ ngập lụt, bảo vệ cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng phát triển sản xuất, đã hoàn thành. “Túi phèn” ngày nào đã trở thành vựa lúa của cả nước. Làng xóm nông thôn đổi mới đến mức kinh ngạc, so với thập niên 1980.

Năm 2016, chúng tôi đến Hà Tiên thăm Mũi Tàu, nơi có bức tượng Mạc Cửu bằng đá xanh cao 7 mét sừng sững bên núi Tô Châu soi bóng xuống Đông Hồ. Di tích liên quan đến dòng họ Mạc gắn liền với công cuộc khai mở đất Hà Tiên vào thế kỷ 18. Lăng Mạc Cửu nằm trên ngọn “Bình San diệp thúy”. Đền thờ Mạc Cửu nằm dưới chân núi Bình San.

 

Mạc Cửu là triều thần nhà Minh, sinh năm 1655 tại Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Ông đưa cả gia đình cùng đoàn tùy tùng đến Hà Tiên định cư, biến vùng hoang vu này thành một bến cảng phồn vinh.

 

Cổng đền thờ Mạc Cửu có hai câu liễn đối bằng chữ Hán do nhà Nguyễn ban tặng, dịch Nôm như sau: “Một nhà trung nghĩa, danh thơm cả họ; Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu”. Ở đây có rừng mai trắng do gia đình mang từ Trung Quốc sang trồng từ 1720. Hàng cây ngọc lan tỏa bóng mát trên đường đi vào lăng, quyến rũ lạ lùng. Thỉnh thoảng một tiếng chuông ngân buồn, từ “Phù Dung cổ tự” làm không gian trầm lắng, hư vô. Chùa do Mạc Thiên Tích lập nên vào năm 1846, để nàng ái cơ Phù Cừ tu hành.

 

Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức viết rằng: “Núi Phù Dung: cách trấn thự về phía tây bắc hơn một dặm. Ở đây hang hố xanh rậm lâu đời; chùa Phù Dung ở phía tây nam chân núi, tiếng chuông mõ pha trộn, tiếng kinh kệ lẫn tiếng ồn ào của phố thị, thật là cảnh nửa tăng nửa tục”.

 

Ngôi chùa cổ đã sập hoàn toàn khi quân Xiêm tấn công sang Hà Tiên. Chùa được xây lại trên nền đất cao với nhiều bậc đá xanh. Nữ sĩ Mộng Tuyết đã viết thiên tiểu thuyết “Nàng Ái Cơ”. Soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà đã sáng tác vở cải lương “Áo cưới trước cổng chùa”. Tất cả đều xuất phát từ câu chuyện tình giữa Mạc Thiên Tích và ái cơ Phù Cừ đầy cảm xúc.

Mạc Cửu (1655-1735), tên tiếng Anh là “Mo Jiu”. Ông là tướng nhà Minh, quê gốc ở Lôi Châu thuộc Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 1671, ông mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người lên thuyền rời Phúc Kiến. Nhiều ngày trên biển cả, phái đoàn Mạc Cửu đổ bộ lên một vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan.

 

Thoạt tiên họ đến Oudong xin tị nạn. Nội bộ Chân Lạp có loạn. Mạc Cửu gặp Nặc Ông Thu (Ang Sur, Jayajettha III) rồi ở lại hợp tác cho đến năm 1681. Các thôn ấp rải rác được lập nên, từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Rồi một ngày Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, nằm sát mé biển, thuận tiện cho giao thương giữa Giang Thành với sông Cái Lớn, Gành Hào, Ông Đốc.

 

Ông lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển: Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Kompong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Lưu dân gốc Hoa nghe tin đồn. Do đó, họ đi từ nhiều nơi trong vịnh Thái Lan đến đây lập nghiệp. Một lãnh địa phồn vinh có cái tên “Căn Khẩu quốc” ra đời. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc, nghĩa là vùng đất giàu có.

 

Năm 1708, Mạc Cửu liên lạc được với Chúa Nguyễn Phúc Chu. Năm 1714, Mạc Cửu xin làm thuộc hạ của Chúa Nguyễn. Ông được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu. Năm 1724, Mạc Cửu dâng luôn toàn bộ đất đai và được phong làm đô đốc cai trị lãnh thổ Căn Khẩu, đổi tên thành “Long Hồ dinh”.

 

Từ 1729, nơi đây là vùng đất trù phú nhất vịnh Thái Lan. Năm 1735, Mạc Cửu mất. Ông được vua nhà Nguyễn phong tước “Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ Nghị công”.

 

 

Con là Mạc Sĩ Lân, sau đổi thành Mạc Thiên Tứ, được phong làm đô đốc, kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh. Gia đình họ Mạc được nhà Nguyễn nâng lên hàng vương tôn. Long Hồ dinh đổi tên thành trấn Hà Tiên.

 

Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng chúa Nguyễn lãnh thổ phủ Tầm Bôn (Cần Thơ) và phủ Lôi Lập (Long Xuyên). Năm 1758, chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn (Ang Ton II) lên làm vua. Chân Lạp tặng thêm lãnh thổ Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc). Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ: Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Chưng Rừm), Sài Mạt (Cheal Meas) và Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ xã Sré Ambel đến làng Peam).

 

Như vậy toàn bộ vùng biển ven bờ đảo Phú Quốc, Mạc Thiên Tứ dâng hết cho Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Tất cả các vùng đất mới sát nhập vào trấn Hà Tiên. Chúa Nguyễn giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị. Mạc Thiên Tứ là người trọng văn học, thường mời các bạn văn sĩ tài nghệ tới đàm đạo thơ văn.

 

“Chiêu Anh Các” được mở với nhiều bài thơ xướng họa “Hà Tiên thập cảnh” lừng danh. Mười cảnh đẹp được ông nêu lên vào năm Bính Thìn 1736 như sau:

 

Kim dự lan đào

Bình san điệp thuý

Tiêu tự thần chung

Giang thành dạ cổ

Thạch động thôn vân

Châu nham lạc lộ

Đông hồ ấn nguyệt

Nam phố trừng ba

Lộc trĩ thôn cư

Lư khê ngư bạc

 

Chiêu Anh Các vừa là một tao đàn, vừa là một nghĩa thục, thờ Khổng Tử. Mạc Thiên Tích có mẹ là người Việt, bà Bùi Thị Lam, quê quán ở Biên Hòa.

Nhóm “Hà Tiên tứ tuyệt” gồm có Đông Hồ, Mộng Tuyết (vợ ông), Lư Khê và Trúc Hà.

 

Sau cuộc khai phá mang dấu ấn lịch sử của họ Mạc, Hà Tiên được cả nước biết đến, bởi nhóm văn đàn này, giai đoạn 1926-1928, với tác phẩm lừng danh của Đông Hồ: “Trác Chi lệ ký tập”.

 

Đông Hồ tên thật là Lâm Tấn Phác (1906-1969). Ông xuất thân là nhà giáo, sau là nhà thơ nổi tiếng, nghiên cứu tiếng Việt và trở thành nhà văn hóa lớn của Hà Tiên, Kiên Giang. Ông đọc và viết thường xuyên cho tạp chí văn học “Nam Phong”. Đây là sự kiện rất hiếm cho người miền Nam đầu thế kỷ 20. Thầy giáo Lâm ở “Đông Hồ ấn nguyệt”, một trong mười cảnh đẹp Tà Tiên, cho nên Lâm Tấn Phác lấy bút danh này.

 

Đông Hồ viết nhiều, bao gồm văn, thơ, ký, khảo cứu và văn học sử. Từ năm 1920 đến 1960, ông trải nghiệm các thể loại thơ cũ đến thể loại thơ mới, từ văn xuôi biền ngẫu đến văn xuôi hiện đại. Ông và vợ là nữ sĩ Mộng Tuyết (1914-2007), đã từng làm rạng rỡ văn học đất Hà Tiên, bởi các tác phẩm của mình. Phần trích dẫn hai bài thơ sau đây của Đông Hồ là ví dụ:

 

Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,

Em đâu còn áo mặc đi chơi.

Bán thơ nhân dịp anh ra chợ,

Đành gởi anh mua chiếc mới thôi! (Mua áo)

Như đợi, như chờ, như nhớ tưởng,

Đợi, chờ, tưởng, nhớ bóng tình quân (Cô gái xuân)

Bài thơ “Nhớ Vợ Hiền” đăng trên tạp chí Nam Phong (tháng 4-1928) đã làm nên tên tuổi Đông Hồ lúc khởi đầu văn nghiệp. Người vợ đầu tiên tên là Linh Phượng, chết sớm, để lại cho ông một cháu gái.

 

Chăn gối cùng nhau những ấm êm,

Bỗng làm ngọc nát, bỗng châu chìm.

Đầm đìa giọt thảm khăn hồng thấm,

Lạnh lẽo đêm xuân giấc mộng tìm.

Hình dạng mơ màng khi thức ngủ,

Tiếng hơi quanh quẩn nếp y xiêm.

Bảy năm vui khổ, nghìn năm biệt,

Sớm gió chiều mưa lắm nỗi niềm.

 

Bài “Vần mảnh” được phá cách, rất mới vào thời đó, cũng là phong cách đặc biệt Đông Hồ:

 

Khách rằng: Xưa nay phàm lịch sử của danh lam thắng cảnh:

 

Hoặc có cái lịch sử của tay cung kiếm anh hùng;

 

Hoặc có cái lịch sử của khách yên hà ngâm vịnh.

 

Tôi mê thơ Đồng Hồ khi còn là học sinh trung học Tây Ninh. Nếu không có ông, chắc tôi cũng không biết nhiều về Hà Tiên và Chiêu Anh Các.

Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài (1926-2008) sinh tại làng Đông Thái, An Biên, Rạch Giá. Dân U Minh Thượng thứ thiệt! Ông học tiểu học tại quê nhà, rồi lên trung học tại Cần Thơ. Năm 1954, ông về Rạch Giá. Một năm sau ông lên Sài Gòn cộng tác với các báo: Nhân loại, Công lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, Lẽ sống. Ông qua đời ngày 13 tháng 08 năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh vì tuổi già.

 

Nhà văn hóa Nam Bộ ra đi, để lại một di sản đồ sộ trong văn học và lịch sử. Tôi có dịp gặp ông nói chuyện về văn minh miệt vườn tại nhà khách huyện Thốt Nốt, trong chuyến công tác điều tra lúa nổi, khoảng 1984 hay 1986?

 

Tập thơ “Lúa reo” là tác phẩm đầu tay của nhà văn Sơn Nam. Tập thơ được Hội Văn hoá kháng chiến Kiên Giang ấn hành năm 1948. Tiếp sau đó là hai truyện ngắn “Bên rừng Cù Lao Dung” và “Tây đầu đỏ”. Tuy nhiên, “Hương Rừng Cà Mau” mới là tác phẩm nổi đình đám của ông, được xuất bản năm 1962. Tiếp theo đó là Chim quyên xuống đất (1963), Hình bóng cũ (1964), Vạch một chân trời (1968), Hai cõi U Minh, Vọc nước giỡn trăng, Bà chúa hòn với văn phong bình dị, đậm chất Nam Bộ.

 

Nhiều công trình khảo cứu rất giá trị như  Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Bến Nghé xưa, Văn minh miệt vườn Gia Ðịnh xưa, Giới thiệu Sài Gòn xưa, Ấn tượng 300 năm,.. luôn nằm trong ba lô trên đường tôi đi công tác. Thời sinh viên, Hương Quê là tác phẩm được thầy Thái Công Tụng trích dẫn nhiều đoạn, để minh họa thêm về đất phèn ở miền Nam trong bài giảng khoa học đất. Sơn Nam viết về rừng U Minh, quê hương ông trong “Tháng Chạp chim về” như sau:

“Con chim già sói đứng cao nghệu trên cây gòn, day mỏ qua phía nhà ông Tư. Ông Tư đứng tần ngần, lấy tay che mắt nhìn nó, cố sức nhìn kỹ từ nét mặt như hỏi han sức khỏe của người bạn già quen thuộc, biết giữ thủy chung đạo bằng hữu. Ông nói:

 

- Mấy chục năm rồi, năm nào tháng Tết nó cũng về đây vài ngày. Năm nay nó già nhiều rồi. Đầu sói hơn mọi năm, cháu thấy không?

 

Như lời ông Tư, tôi thấy rõ ràng một đốm trắng ở giữa đầu con chim nọ. Là kẻ sanh sau đẻ muộn tôi nào gặp con chim này hồi mấy mươi năm về trước để so sánh cho biết nó già nhiều hay già ít? Mặt trời gần lặn rồi, nền trời đỏ khé. Con già sói đứng sững đó, im lìm như đúc bằng đồng đen, phía sau có hào quang. Nó nhìn ông Tư, râu tóc bạc phếu. Ông Tư nhìn nó. Có lẽ ông nghĩ đến phận mình mà nãy sinh ra bao mối cảm hoài.”

 

Cuộc đời “la cà” của Sơn Nam là linh hồn của bộ sưu tập câu chuyện miền Nam, được ông hình tượng hóa thành chính mình như sau:

 

Phong sương mấy độ qua đường phố,

Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.

 

 

Nhà thơ Kiên Giang tên thật Trương Khương Trinh là nhà thơ, ký giả, soạn giả cải lương, nổi tiếng với bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”. Ông còn được xem là thầy của hai soạn giả nổi tiếng khác là Hà Triều và Hoa Phượng. Ông còn có bút danh là Hà Huy Hà.

 

Kiên Giang là người con của Rạch Giá, sinh ngày 17/2/1929 và mất ngày 31/10/2014, thọ 85 tuổi. Ông là người cùng làng với Sơn Nam, xã Đông Thái, huyện An Biên. Họ là bạn thân đến lúc chết, được nằm cùng trong khu mộ của tỉnh Bình Dương.

 

Ông học ở Cần Thơ, rồi lên Sài Gòn tiếp tục học trường tư thục Lê Bá Cang. Ông đã từng cộng tác với các tờ nhật trình: Tiếng chuông, Tiếng dội, Lập trường, Điện tín, Tia sáng (trước 1975). Từ bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” (Bến Tre, 1957), nhạc sĩ Anh Bằng đã chuyển thể rất thành công bài hát “Chuyện tình hoa trắng”. Tác phẩm cải lương “Người vợ không bao giờ cưới” đã giúp cô Thanh Nga trở thành ngôi sao trong nghệ sĩ cải lương.

 

Ông từng làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh qua 3 nhiệm kỳ. Mười sáu tác phẩm cải lương và vài chục bài vọng cổ của ông để lại cho đời một gia sản quý báu của người con đất phương nam Rạch Giá.

 

Lâu quá không về thăm xóm đạo

Từ ngày binh lửa xoá không gian

Khói bom che lấp chân trời cũ

Che cả người thương, nóc giáo đường…

Màu gạch nhà thờ còn đỏ thắm,

Như tình nồng thắm thuở ban đầu.

Nhưng rồi sau chuyến vu quy ấy,

Áo tím nàng thơ đã nhạt màu. (Hoa trắng thôi cài trên áo tím)

“U Minh, Rạch Giá, thị quá sơn trường,

Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua.”

 

Tôi và Nguyễn Duy Bảy xuống đò tắc ráng tại bến chợ Rạch Sỏi, thực hiện chuyến đi khảo sát U Minh (sau tết 1984) để điều tra lúa mùa địa phương. Tắc ráng lướt sóng qua Xẻo Rô, sông Cái Lớn, Cái Bé.

 

Hồi ấy chưa có cây cầu bắc qua Tắc Cậu, đường bộ kém phát triển. Chúng tôi lang thang ở miệt Thứ, chủ yếu bằng tắc ráng và cuốc bộ. Tắc ráng lướt qua các chợ Thứ Ba, Thứ Sáu, Thứ Bảy, Thứ Tám, Thứ Chín, Thứ Mười Một. Chợ họp sớm tại giao lộ sông, rạch.

 

Chợ nổi Miệt Thứ là những chiếc ghe lớn, như những ngôi nhà nổi, bềnh bồng trên sông. Tiếng rao mời ngọt lịm. Hơn 30 năm rồi ký ức vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Bây giờ có đường bộ nối Cà Mau – Rạch Giá, hiện đại, đi lại nhanh và thuận tiện lắm. Miệt thứ ngày xưa hoang vu, cho đến nổi:

 

Má ơi đừng gả con xa,

Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.

Sương khuya ướt đẫm giàn bầu,

Em về miệt thứ bỏ sầu cho ai. (Ca dao)

 

Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Vùng này gọi là Thập Câu, tức mười con rạch. Từ con rạch thứ nhất tới rạch thứ mười xếp đặt thành hàng đều nhau, nước từ rừng tràm chảy thông ra biển, sinh ra rất nhiều cá tôm”. Nó bắt đầu từ Thứ Hai cho đến Thứ Mười Một, bởi rạch Thứ Một là kênh xáng Xẻo Rô dài 35 km do người Pháp đào từ đầu thế kỷ 20, từ sông Cái Lớn cắt ngang mười con rạch hướng về Cà Mau để khai thác, vận chuyển than đước, tràm, mật ong.

Vùng U Minh Thượng khi ấy gồm 3 huyện An Minh, An Biên và Vĩnh Thuận. Bây giờ khác nhiều lắm với nhiều tên lạ lẫm. Đây là căn cứ của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực thời chống Pháp. U Minh Thượng có kinh xáng Chắc Băng. Vườn Quốc gia U Minh Thượng thuộc xã An Minh Bắc và Minh Thuận, huyện U Minh Thượng.

 

Rừng U Minh Thượng được công nhận là vườn quốc gia vào tháng 1 năm 2002, với diện tích 8.053 hécta vùng lõi, cộng thêm 13.069 ha vùng đệm, có dân cư. Nơi đây là khu dự trữ sinh quyển với hệ sinh thái đa dạng. Từ năm 2003, Vườn Quốc gia U Minh Thượng từng được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Ngày 13/8/2013 nơi đây lại tiếp tục được vinh danh là Vườn Di sản ASEAN. Nơi đây là vườn di sản đầu tiên về “đất than bùn” và đồng thời cũng là Vườn Di sản ASEAN thứ 5 của Việt Nam.

 

Có 234 loài thực vật, 32 loài động vật có vú, 186 loài chim, 39 loài bò sát và lưỡng cư, 34 loài cá. Loài quý hiếm và nguy cấp đang được bảo vệ là dơi ngựa lớn, mèo cá, ếch giun, già đãy nhỏ, kỳ đà vân, lợn rừng, rái cá lông mũi, trăn gấm, tê tê Java (Manis javanica), sóc mun (Callosciurus finlaysoni), cầy vòi lớn (Paradoxurus hermaphroditus).

 

Sân chim U Minh Thượng được xem là lớn nhất vùng ÐBSCL với nhiều loài chim quý hiếm: điên điển, cò nhạn, cò ốc, đại bàng đen, hạc cổ trắng, gà nước, ... Vườn Quốc gia U Minh Thượng được các tổ chức thế giới vinh danh vì đã tích cực phục hồi, sử dụng bền vững “đất than bùn” ở Ðông Nam Á.

 

 

Tiền thân của rừng U Minh Thượng là vùng đầm lầy úng phèn, vốn được đặt tên là "Hồ rừng". Rừng có giá trị bảo tồn thiên nhiên ở U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau là 4.200 ha (tập trung ở khu vực Vồ Dơi), nằm liền kề với Khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang.

 

Chúng tôi thuở ấy uống nước, tắm giặt từ một hồ tràm, nước tù đọng, sau nhà khách của huyện. Dòng kênh Xẻo Rô bên kia đường, nước đỏ quạch như nước trà. Hồ tràm cũng như vậy, nước đen hơn. Đó là màu nước trong rừng tràm chảy ra biển.

 

Người ta kể rằng: hồi xưa rạch uốn lượn ngoằn ngoèo như rắn bò. Hai bên bờ cỏ mọc, dừa lá um tùm. Rừng tràm, rồi dừa nước, rồi cỏ lác ken dầy trên lung đất. Mặt trời ít khi rọi tới. Rậm rạp âm u như vậy nên người ta gọi là “rừng U Minh”.

 

Cả miệt thứ có 25 kênh rạch. Có rất nhiều “xẻo”, nghĩa là những con rạch nhỏ mà “bộp dừa nước” hai bên bờ dày đặc, rất khó bơi xuồng khi nước cạn. Chúng tôi đã tìm kiếm món đặc sản: bánh canh ghẹ chả, gỏi cá trích; lùng mua mật ong rừng, tại những chợ quê nhỏ xíu của miệt Thứ.

 

Cuối tuần hai anh em về chợ Rạch Giá, tự thưởng bằng một dĩa cơm sườn và nửa chai bia Sài Gòn cho mỗi người, tại quán Tây Hồ. Hồi đó tiền bạc khan hiếm lắm, bữa tiệc cũng đạm bạc như vậy. Cậu em hiện là tiến sĩ ngành công nghệ sinh học ở Mỹ không biết còn nhớ Xẻo Rô và quán Tây Hồ không? 

Nằm trên eo biển của khu du lịch “chùa Hang” thuộc Bình An, hòn Phụ Tử được xem là một trong những cảnh quan đẹp tự nhiên, hoang sơ của Kiên Giang.

 

Chuyện kể rằng, tại chùa Hang nằm cạnh Hòn Phụ Tử, có một con thủy quái hay làm đắm thuyền bè để ăn thịt ngư dân. Hai cha con ngư dân ở đây đã nhiều lần tính kế giết thủy quái. Nhiều đêm suy nghĩ, ông chỉ còn cách phải hy sinh bản thân mình thì mới mong cứu giúp dân lành.

 

Ông vào rừng, tìm cây có chất độc tẩm vào da cơ thể. Rồi ra mép biển để dụ con thủy quái. Đang trong cơn đói, thủy quái tưởng mồi ngon nên liền nhào ra cắn đứt đầu người cha. Nó giãy chết vì trúng độc. Thấy cha nằm chết cạnh con thủy quái, người con trai khóc lóc thảm thiết. Anh ôm lấy phần thi thể còn lại của cha về nhà.

 

Nào ngờ, thuốc độc từ người cha đã ngấm vào cơ thể con trai. Anh cũng chết theo. Tại nơi  hai cha con nằm chết đã mọc lên hai hòn đá lớn và nhỏ. Hòn lớn biểu tượng người cha. Hòn nhỏ biểu tượng người con. Tên gọi “Hòn Phụ Tử” ra đời, một hình tượng của Kiên Giang nhiều năm.

 

Đáng tiếc, vào ngày 9 tháng Tám năm 2006, hòn Phụ bị gãy đổ xuống biển, với khối đá hơn 1.000 tấn. “Hòn Tử” lại phải khóc “Hòn Phụ” mất đầu theo câu chuyện xưa rồi.

 

“Hòn Chông” là một vịnh bao gồm các khối núi đá vôi trên biển. Khu du lịch Hòn Chông được xem là vịnh Hạ Long ở phương Nam. Khu rừng đặc dụng Hòn Chông có diện tích 964,7 ha được công nhận là khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang (UNESCO 2006).

 

Hòn Chông có nguồn tài nguyên sinh học có tính đa dạng cao. Có 155 loài động vật có xương sống, 31 loài có vú, 235 loài động vật có chân đốt, 45 loài bò sát, 65 loài ốc núi. Quần thể voọc bạc khoảng 300 con, loài rất quý hiếm, đặc hữu của Kiên Lương. Có 322 loài thực vật, đặc sắc là thiên tuế (tuế lược), mò cua, giảo cổ lam, điểu bề, lan bầu rượu.

 

 

Trong Hòn Chông có ba thắng cảnh lừng danh phương nam là Hòn Phụ Tử, Chùa Hang và Bãi Dương. Hòn Chông trước kia là đảo nằm trong vịnh biển Cây Dương. Do sự bồi đắp của phù sa, Hòn Chông đã trở thành một bán đảo. Người ta gọi là núi Hòn Chông (Chung Sơn). Địa hình đá vôi lởm chởm, có nhiều mỏm núi nhọn và dựng đứng như những cây chông cắm ngược. Tên gọi Hòn Chông là vậy.

 

Đỉnh núi cao 161 mét. Vách đá dựng đứng, các loài thực vật dây leo bám chằng chịt. Những con sóng vỗ vào vách núi, tung bọt trắng xoá. Núi và biển hình như không bao giờ rời nhau, bởi những “con sóng nhớ bờ”:

 

Dữ dội và dịu êm,

Ồn ào và lặng lẽ.

Con sóng dưới lòng sâu,

Con sóng trên mặt nước.

Ôi con sóng nhớ bờ,

Ngày đêm không ngủ được. (Xuân Quỳnh, “Sóng”)

 

Đường vào Hòn Chông trước đây trên đất liền là rừng rậm hiểm trở. Đường biển phải qua hai quần đảo Bà Lụa và Bình Trị. Tổng cộng có khoảng 70 đảo lớn nhỏ. Đá vôi hình thành từ các trầm tích hàng triệu năm bị sóng, gió xói mòn, tạo dáng hình kỳ ảo cho kiến trúc núi đá vôi Hòn Chông, bao gồm cả Hòn Phụ Tử.

 

Chùa Hang gắn liền với câu chuyện của công chúa Ngọc Tuyền (em Nguyễn Ánh) rơi chết dưới hẽm núi, khi Tây Sơn truy bắt. Các sư trụ trì chùa nơi đây đã trải qua rất nhiều đời hoà thượng, có cả người Thái Lan, Khmer, và hai vị hoà thượng sau này, người Kinh: Võ Thường Lễ, Võ Thường Nghĩa. Cả hai anh em đều viên tịch vào năm 1865.

Bãi Dương là một bãi biển đẹp, chạy dài khoảng hai cây số. Nửa bãi có hàng cây dương xanh, ngã nghiêng, reo với gió. Nửa bãi kia có hàng cây dầu cổ thụ thẳng tắp, vươn cao. Người địa phương gọi là Bãi Dương và Bãi Dầu.

 

Đảo Kiến Vàng cách bãi Dương khoảng 500 mét. Thấp thoáng trên mặt sóng biển lấp lánh là Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, núi chùa Hang. Xa xa nhiều hòn đảo xanh không biết tên, tập họp thành bức tranh thiên nhiên tuyệt hảo, không kém gì vịnh Hạ Long.

 

Điều đáng nhớ nhất, Hòn Chông từng là “căn cứ địa thần thánh” của Nguyễn Trung Trực, đã làm thực dân Pháp khiếp sợ. Ông lợi dụng địa thế hiểm trở, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn. Ngoài biển có khoảng 70 hòn đảo, đá dựng đứng như chông, tạo thành hàng rào cho căn cứ kháng chiến. Doanh trại nghĩa quân đóng quanh Hòn Trẹm, dưới chân núi. Nơi ấy gọi là Ba Trại. Nghĩa quân đào 7 cái giếng lấy nước ngọt. Nơi ấy có tên “ấp Bảy Giếng”. Kênh đào để ghe xuồng ra vào, có tên là “kênh Tà Ẩm”.

 

Nghĩa quân đã phá rừng làm rẫy ở chân núi phía Bắc Hòn Chông. Nơi ấy có tên là “Rẫy Mới”. Pháp dùng thủ đoạn độc ác để dụ hàng Nguyễn Trung Trực. Chúng bắt mẹ ông, ở Rạch Giá. Đồng bào và trẻ con, mỗi ngày chúng đem bắn mấy người. Bắn cho đến khi nào Nguyễn Trung Trực ra hàng mới thôi. Ông đã chọn lấy sự hi sinh nộp mình cho giặc vào ngày 19 tháng 9 năm 1868, cứu lấy nghĩa quân và nhân dân. Tượng anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được đặt trang trọng giữa Thành phố Rạch Giá.

Thành phố Rạch Giá là nơi có nhiều ký ức đáng nhớ trong thời gian tôi làm luận án.

 

Thời điểm ấy, chú Mười Tất là Giám đốc Sở Khoa Học; chú Sáu Tẩm, Giám đốc Sở Nông nghiệp, cùng các bạn đồng nghiệp thật lòng giúp đỡ. Bây giờ đã nghỉ hưu gần hết rồi. Thỉnh thoảng gặp lại anh Nguyễn Trung Tiền, Trần Quang Củi để ôn chuyện ngày xưa. Tiền bối Chu Hữu Tín đã mất năm 2018.

 

Sự “thay đổi” của Rạch Giá không hề có ba chữ “ngay lập tức” mà là một “trải nghiệm dài lâu”, với nhiều cung bậc: ngọt bùi và cay đắng. Rất ngạc nhiên cho những ai lâu rồi mới về thăm quê.

 

Một sự thay đổi diệu kỳ của thành phố lấn biển ùa vào mắt. Nhiều con đường mới, rộng, phát triển dọc ngang. Cây cảnh được cắt tỉa khéo léo làm thanh phố xanh hơn. Các biệt thự nguy nga và những khách sạn có đẳng cấp đang ngắm nhìn vùng biển Tây yên bình. Tất cả quá đẹp, quá hiện đại so với thời kỳ khó khăn mà chúng tôi đã từng sống ở đây vào những năm 1980-1990. Rạch Giá xứng đáng được mệnh danh là “thành phố biển Tây”.

Tên gọi Rạch Giá được giả định theo hai cách. Cách giải thích thứ nhất là do đọc trại từ tiếng Khmer “Kra Muonsar” (sáp trắng). Giải thích này thiếu tính thuyết phục. Cách giải thích thứ hai theo nhà văn Sơn Nam: “Xứ quê của tôi là con rạch mà nơi cửa biển mọc nhiều cây giá nguyên sinh, cây giá giờ đã biến mất, nhưng đã để lại một địa danh, một thành phố hiện đại”.

Trở lại      In      Số lần xem: 433

[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
  • Hơn 120 quốc gia ký kết Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu
  • Một số giống đậu tương mới và mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long
  • Các nước cam kết chống biến đổi khí hậu
  • 12 giống hoa được công nhận bản quyền
  • Thảo luận việc quản lý nước theo cơ chế thị trường
  • Lượng nước ngầm trên Trái đất đạt 23 triệu kilômét khối
  • Sản xuất hồ tiêu thế giới: Hiện trạng và Triển vọng
  • Triển vọng tích cực cho nguồn cung ngũ cốc toàn cầu năm 2016
  • Cây trồng biến đổi gen với hai tỷ ha (1996-2015); nông dân hưởng lợi >150 tỷ usd trong 20 năm qua
  • Cơ hội cho gạo Việt
  • Việt Nam sẽ áp dụng cam kết TPP cho thêm 40 nước
  • El Nino có thể chấm dứt vào cuối tháng 6
  • Chi phí-hiệu quả của các chương trình bệnh động vật "không rõ ràng"
  • Xuất khẩu hồ tiêu: Gậy ông đập lưng ông
  • Đất có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí nhà kính
  • Quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam
  • Những cách nổi bật để giải quyết những thách thức về hệ thống lương thực toàn cầu
  • Lập bản đồ các hộ nông dân trồng trọt trên toàn thế giới
  • Hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô
  • Nếu không được kiểm soát, cỏ dại sẽ gây thiệt hại kinh tế tới hàng tỷ USD mỗi năm
Designed & Powered by WEBSO CO.,LTD