Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam | ||||
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc xây dựng thương hiệu quốc gia (THQG) gạo Việt Nam nói riêng và thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm “made in Vietnam” ngày càng trở nên cần thiết. Đặc biệt, đối với gạo – một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực, cần những bước đi phù hợp, kịp thời để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Chính phủ trong xây dựng THQG với mặt hàng này. |
||||
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc xây dựng thương hiệu quốc gia (THQG) gạo Việt Nam nói riêng và thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm “made in Vietnam” ngày càng trở nên cần thiết. Đặc biệt, đối với gạo – một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực, cần những bước đi phù hợp, kịp thời để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Chính phủ trong xây dựng THQG với mặt hàng này.
Đây là những thông tin được nêu lên tại Hội thảo “Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội, sáng 22/9. Hội thảo do Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (CBNLTS&NM), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Nhóm Liên kết nông nghiệp và thị trường các thành phố châu Á (MALICA), Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương phối hợp tổ chức.
Xác định bước đi hợp lý, giải pháp cụ thể để phát triển THQG gạo Việt Nam
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, mặc dù đạt nhiều thành tựu quan trọng trong nông nghiệp nhưng trong quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, nông nghiệp nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, đặc biệt là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng nông sản chưa đồng đều, sản phẩm không có thương hiệu, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu. Bởi thế, việc định hướng đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại nông sản, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu để bảo hộ sản phẩm là một trong những định hướng quan trọng được Chính phủ chỉ đạo đối với ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Đề án phát triển THQG gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng và việc học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia có thế mạnh về THQG về gạo như Thái Lan, Ấn Độ… sẽ giúp Việt Nam xác định được những bước đi hợp lý, giải pháp cụ thể để phát triển THQG gạo Việt Nam.
Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết thêm, thực tế, vấn đề THQG không hề mới đối với nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm gạo Việt Nam là sản phẩm nông sản đầu tiên tiếp cận theo hướng xây dựng THQG. Đây là một bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện Đề án của Chính phủ và là chính sách phù hợp với giai đoạn phát triển mới bởi, tiếp cận với những sản phẩm có quy mô sản xuất hàng hóa lớn như lúa gạo thì THQG là cần thiết để tạo dựng hình ảnh, vị trí và thúc đẩy thương mại sản phẩm trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, THQG có thể trở thành điểm đến, sự hội tụ về chính sách của Nhà nước với cách tiếp cận tổng thể từ sản xuất, chế biến và thương mại, thúc đẩy quá trình áp dụng KH&CN toàn diện, là cơ sở cho sự phát triển và sự bền vững trong ngành hàng để chiếm lĩnh và mở rộng thị trường. Hơn nữa, quá trình hội nhập không chỉ là sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả mà còn cạnh tranh ở nhiều khía cạnh, trong đó có vấn đề về sở hữu trí tuệ - một trong những nội dung quan trọng trong rất nhiều các cam kết, hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam là thành viên hoặc chuẩn bị ký kết: FTA Việt Nam – EU, TPP…
Cần xây dựng bộ tiêu chí chất lượng chung để xác định THQG gạo Việt Nam
Chia sẻ kinh nghiệm từ Thái Lan trong xây dựng THQG về gạo, TS Pussadee Polsaram - Giám đốc Trung tâm chiến lược AEC, Trường đại học của Phòng Thương mại Thái Lan chỉ ra một số cách thức xác định và xây dựng THQG với gạo của nước này, trong đó lưu ý tuyệt đối tới chất lượng, các quy định khắt khe về bao bì, mẫu mã và giá cả, đưa Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo nổi tiếng và đáng tin cậy.
Theo Tổng Công ty Lương thực miền Nam, việc xây dựng thương hiệu gạo gặp khó từ chính thói quen của người tiêu dùng Việt khi có tới 90% người dân đang ăn gạo xát, chỉ khoảng 10% ăn gạo bao đóng gói và hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của nhiều doanh nghiệp trong đó có chính Công ty Lương thực miền Nam cũng còn rất hạn chế, chưa tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị thành viên cũng như với bạn hàng. Công ty Bảo vệ thực vật An Giang cho rằng, để tìm “chỗ đứng” cho hạt gạo Việt Nam cần phải đảm bảo 3 điều kiện, đó là: người tiêu dùng chấp nhận, nông dân sản xuất dễ dàng và chế biến hiệu quả. Muốn thế, cần liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân để sản xuất theo chuỗi, quy mô lớn, hiện đại, tạo sản phẩm có chất lượng cao, an toàn…
Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam xác định thương hiệu gạo là một công cụ nhằm tái cấu trúc lại ngành lúa gạo Việt Nam, bảo đảm sự phát triển bền vững, hiệu quả cho sản phẩm gạo. Theo đó, xây dựng thương hiệu gạo phải gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất, ứng dụng KHCN về giống, kỹ thuật, chế biến, bảo quản, đóng gói và phân phối, tiếp thị. Việc xây dựng thương hiệu gạo sẽ tập trung vào hai nội dung: lựa chọn phân khúc thị trường gạo chất lượng cao và đặc sản cho xuất khẩu; duy trì và giữ vững sự ổn định tại các thị trường truyền thống với các sản phẩm gạo cấp trung bình, nâng cao giá trị bằng các kênh phân phối trực tiếp, củng cố và duy trì sự tin tưởng của người tiêu dùng./.
Lê Anh - Chinhphu. |
||||
Trở lại In Số lần xem: 3339 | ||||
[ Tin tức liên quan ]___________________________________________________
|